Sự Kiện
Ý NGHĨA TIẾNG CHUNG ĐẠI HỒNG
Khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã dùng chuông làm phương tiện đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình, ngoài giáo lý thậm thâm qua con đường lắng nghe, tư duy và thấu hiểu để rồi thực hành một cách hữu hiệu, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xuất gia, phạm hạnh.
22/04/2023
|
Trong Phật giáo, chuông được đưa vào sử dụng từ bao giờ, ít sử liệu nào ghi lại một cách rõ ràng cụ thể. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, Phật giáo sử dụng chuông rất sớm, bởi đó là một pháp khí rất hữu hiệu, là phương tiện để tác động cũng như khai mở trí tuệ cho các hành giả đang tiến bước trên con đường giác ngộ giải thoát. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã dùng chuông làm phương tiện đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình, ngoài giáo lý thậm thâm qua con đường lắng nghe, tư duy và thấu hiểu để rồi thực hành một cách hữu hiệu, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xuất gia, phạm hạnh.
“Tiếng chuông thức tỉnh người trong mộng
Hồi mỏ khuyên răn kẻ làm lành.”
Đại hồng chung là loại chuông lớn hay còn gọi là chuông U minh, chuông này thường được đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Đầu hôm, là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng: Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra mà không trở lại là qua đời khác. Còn đánh vào lúc cuối đêm, là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc tham, sân và si là ba thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi.
Đại Hồng Chung đã trở thành một pháp khí linh thiêng của các ngôi chùa, nó có sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh đối với mọi người, mọi loài và mọi cảnh giới. Tiếng chuông chùa được rất nhiều kinh điển mô tả, nó có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị chìm đắm, đọa lạc nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được thức tỉnh.
Ảnh: Internet. |
Ngày nay, trong các chùa quá trình đúc chuông thường thực hiện những nghi thức, chú nguyện rất trang nghiêm. Trên thân quả chuông được trang trí các đường nét hoa văn tượng trưng rất nhiều ý nghĩa sâu sắc chuyển tải giáo lý Phật giáo, cùng với các bài kệ thỉnh chuông bằng chữ Hán, để mỗi khi thỉnh chuông, câu kệ cùng tiếng chuông vang vọng thấu đến cõi âm, để chuyển hóa nghiệp lực chúng sanh và thức tỉnh nhân tâm, bỏ ác làm lành, quay về bờ giác.
Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.
Tạm dịch:
Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới
Trong núi Thiết vi tối tăm cùng được nghe
Căn trần thanh tịnh chứng viên thông
Hết thảy chúng sanh đều thành chánh giác.
Để thỉnh chuông đúng và chuyển tải hết ý nghĩa của tiếng chuông, người thỉnh chuông luôn phải định tâm, đưa tâm nguyện của mình vào trong từng tiếng chuông. Từ đó, tiếng chuông vọng lên những thanh âm giải thoát, của sự thức tỉnh và vô phân biệt, người thỉnh chuông phải lắng lòng thanh tịnh như thế thì thanh âm du dương, thiền vị của tiếng chuông giải thoát phối vào khí anh linh, hồn thiêng sông núi giữa bạt ngàn tiếng gió vi vu, không những người âm được siêu sanh pháp giới, mà những chúng sanh trong cõi Ta bà này, cũng được nhẹ nhàng an lành, thái bình an lạc.
“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.”
Đấy là những ý nghĩa mang nhiều giá trị thiết thực tâm linh từ tiếng chung đại hồng mang lại.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Các tin khác
-
» NỒI BÁNH TÉT NGÀY TẾT (22/06)
-
» THÔNG BÁO (16/10)
-
» LỜI THẦY CON VẪN NHỚ!!! (26/04)
-
» HÀNH HƯƠNG THẬP TỰ ĐẦU XUÂN QUÝ MÃO (2023) TỈNH ĐỒNG THÁP (21/02)
-
» PHÓNG SANH ĐẦU NĂM 2023 (17/02)
-
» ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU PL.2566 - DL.2022 (10/08)
-
» KHÓA TU "TỪ TÂM LAN TỎA" (05/07)
-
» GIỚI THIỆU LỄ VU LAN - NÉT ĐẸP VĂN HOÁ TẠI ĐỊA PHƯƠNG (08/06)
-
» BA TRỤ CỘT ĐẠO ĐỨC HƯỚNG THƯỢNG (06/06)
-
» LỄ HUÝ KỴ TỔ KHAI SƠN CHÙA PHƯỚC LINH (04/06)