Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
A. DẪN NHẬP
Trong suốt quá trình 45 năm[1] hoằng hóa, đức Phật chỉ dùng bằng khẩu ngữ để giảng dạy cho chúng đệ tử. Do đó, nên có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý, cũng như về giới luật. Từ đó xuất hiện những sự sai biệt quan điểm và có dấu hiệu rạn nứt trong Tăng đoàn. Tuy vậy, bản thân giáo lý Phật giáo không hề có sự phân chia tông phái. Bởi vì đức Phật đã từng dạy: “Giáo pháp của Ta chỉ thuần nhất một vị đó là vị giải thoát”. Nguyên nhân phân chia đầu tiên là do sự bất đồng về yêu cầu thay đổi 10 điều giới luật. Các điều này tuy không phải là những thay đổi lớn lao nhưng đủ để gây ra sự tách biệt tăng đoàn thành Đại Chúng bộ (Mahàsamghika) mà đa số là các Tỳ-kheo trẻ muốn thay đổi. Số còn lại bảo thủ các giới luật nguyên thuỷ hình thành Thượng Tọa bộ (Theravada), nguồn sử liệu của Phật giáo Nam truyền thì cho rằng “Thập sự phi pháp” là vấn đề tranh cãi giữa hai phái, tạo thành sự chia rẽ của Tăng đoàn. Thế nhưng, theo nguồn tư liệu của Phật giáo Bắc truyền (Hán dịch) thì không lấy “Thập sự phi pháp” làm yếu tố phân chia Phật giáo, mà lại lấy 5 việc của Đại Thiên (Mahadeva), xem đó như là sự kiện chính yếu gây chia rẽ Phật giáo. Đây là sự khác nhau về quan điểm của hai trường phái. Sự thật lịch sử của phân phái Phật giáo như thế nào, chúng ta không thể đứng từ góc độ tín ngưỡng hoặc xuất phát từ cảm tình cá nhân, rồi dẫn đến kết luận như thế này hoặc như thế kia mà cần phải nghiêm túc, khách quan để tìm hiểu vấn đề.
B. NỘI DUNG
Nguyên nhân đưa đến sự phân phái Phật giáo có hai luồng tư tưởng khác nhau là một theo Nam truyền và một theo Bắc truyền.
1. Theo Nam truyền
Nguồn sử liệu của Phật giáo Nam truyền thì cho rằng “Thập sự phi pháp” là vấn đề tranh cãi giữa hai phái tạo thành sự chia rẽ của tăng đoàn.
Theo tập Tiểu phẩm (Cullavagga), khoảng hơn 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, các Tỳ-kheo của xứ Vajji (Bạt kỳ) đề xướng mười điều luật liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng Tỳ-kheo.
Mười điều Luật bao gồm;
1. Diêm-tịnh (Singilonakappa): Căn cứ vào giới luật, các Tỷ-kheo không được để đồ ăn cách đêm.
2. Chỉ tịnh (Dvangulakappa): Tỷ-kheo phải là ở lúc chính ngọ.
3. Tụ-lạc-gian tịnh (Gamantarakappa): Tỷ-kheo sau khi ăn rồi, nhưng nếu ở trước giờ ngọ có người thỉnh thì được thọ nhận.
4. Trụ-xứ tịnh (Avasakappa): Một tháng hai kỳ, các Tỷ-kheo phải tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ Bố-tá
5. Tùy-ý tịnh (Anumatikappa): Quyết nghị của đoàn thể xuất gia, cần phải toàn viên tập để giải quyết.
6. Cửu-trụtịnh (Acinnakappa): Có thể noi theo vào tiền lệ.
7. Sinh-hòa-hợp tịnh (Amathitakappa): Sau giờ ngọ, các Tỷ kheo không được ăn phi thời.
8. Bất-ích-lũ ni-sư-đàn tịnh (Adasakanisi Danakappa): Tọa cụ của Tỷ-kheo, kích thước bề dài, bề rộng phải theo đúng như quy định trong giới luật.
9. Thủy tịnh (Jalogikappa): Tỷ-kheo không được uống rượu.
10. Kim tiền tịnh (Jatarapadikappa): Tỷ-kheo không được cầm tiền.[2]
Trong các điều luật vừa nêu trên thì vấn đề thọ nhận vàng bạc do các Phật tử có tín tâm cúng dường là vấn đề quan trọng nhất được bàn cải nhiều nhất. Trong khoảng thời gian các Tỳ-kheo Vajji áp dụng các điều luật này, ngài Yasa[3] đi đến Vesali (Tỳ-xá-ly) và trúng vào ngày Bố Tát (Uposatha), các Tỳ-kheo tại Vesali đặt một cái thau chứa đầy nước giữa hội chúng Tỳ-kheo và kêu gọi hàng Phật tử tại gia cúng dường tiền đồng vào trong thau. Và họ giải thích với Phật tử rằng, việc cúng dường sẽ được chi cho Tăng chúng. Ngài Yasa thấy được việc này thì cho rằng đây là việc không đúng với chánh pháp, vi phạm trong điều cấm cất chứa tiền bạc trong Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha). Vì thế, Tôn giả đã công khai chống đối với các Tỳ-kheo Vajji và ngăn cấm Phật tử cúng dường chúng Tăng. Nên các Tỳ-kheo tại Vesali vô cùng tức giận quyết định trừng phạt ngài Yasa bằng việc buộc Ngài phải tuân thủ Luật hòa giải, vì đã mắng nhiết tín đồ. Để phục tùng sự trừng phạt này, người bị trừng phạt phải đi xin lỗi Phật tử, do đó Yasa phải đến từng nhà Phật tử, nhưng thay vì nói lời xin lỗi, Ngài bảo vệ quan điểm của mình trước tín đồ Phật tử. Và Yasa đã chinh phục được giới Phật tử tại gia, khiến họ ủng hộ Ngài. Kết quả này đã làm cho sự tức giận của các Tỳ kheo xứ Vajji thêm gia tăng và quyết định tẫn xuất ngài Yasa ra khỏi Tăng đoàn. Nhưng chưa kịp thì Ngài Yasa đã đi đến Kosambi để mời tất cả các Tỳ kheo Trưởng Lão nhóm họp để giải quyết những vấn đề để nhằm cũng cố lại sự thanh tịnh cho tăng già và đến các quốc gia ở phía Tây cũng như phía Bắc, mời các Tỳ-kheo đến nhóm họp giải quyết vấn đề, để trừ bỏ những việc được xem là không hợp pháp nhằm giúp thanh tịnh tăng đoàn. Từ Kosambi, ngài Yasa đến gặp các vị Trưởng lão Sambhuta Sanavasi và thuật lại những sự việc xảy ra của nhóm Vajji và nhờ các vị trưởng lão thẩm định, xem xét. Đáp lại lời mời của Yasa khoảng 60 vị Tỷ-kheo ở phía Tây và 80 vị từ phía Bắc cùng tụ hội và cho rằng vấn đề này rất khó khăn, do vậy cần phải cần sự ủng hộ của trưởng lão Ravata. Vì trưởng lão đang được xem là người uyên thâm về mặt tâm linh và mọi người đều xem trọng. Ngài Yasa đã đến yết kiến cũng thuật lại những sự việc của Tỳ-kheo Vajji thì ngài Ravata tuyên bố rằng những việc ấy hoàn toàn không hợp với những gì mà Phật đã chế định. Trong thời gian ấy nhóm Tỳ-kheo Vajji cũng đến yết kiến ngài Ravata và dâng phẩm vật lên cúng dường nhưng không được chấp nhận. Khi đó nhóm Tỳ-kheo Vajji đã trở về Vesali để giải quyết vấn đề tranh cãi nơi đó phát sanh. Nhưng vì trong hội nghị quá đông và tranh cãi nhiều mất nhiều thời gian nên đã chọn ra mỗi bên 4 vị để có thẩm quyền xem xét. Mười vấn đề trên lần lượt được nêu ra và được hội đồng Yết ma cùng một cách thức. Cuối cùng thì ngài Ravata đã đưa đến kết luận là mười điều này không bao hàm trong giới luật của đức Thế Tôn đã chế định. Xét ra cho đến nay thì vẫn còn 6 bộ Luật của Nam truyền và Bắc truyền gồm:
1. Tạng Luật Vinayapitaka, bằng văn tự Pāli của Thượng Tọa Bộ.
2. Luật Ma Ha Tăng Kỳ.
3. Luật Ngũ Phần.
4. Luật Tứ Phần.
5. Luật Bát Thập Tụng.
6. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da.[4]
Nội dung 6 bộ luật đa phần đều giống nhau chỉ khác nhau về số lượng và các điều nhỏ nhặt. Giống nhau ở Tứ Ba La Di, 13 giới Tăng Tàng…, khác nhau về số lượng là ở giới Tỳ-kheo Tăng 227 giới (theo Theravada Nam Truyền hay Thượng Tọa bộ), Tỳ-kheo Ni 311 giới (Theraveda)… hoặc Tỳ-kheo Tăng 250 giới theo Mahayana (Bắc Truyền hay Phát Triển); Tỳ-kheo Ni 350 (theo Mahayana)…
Nếu cho rằng sự phân chia bộ phái Phật giáo là do bất đồng quan điểm về giới luật, vậy tại sao đến nay còn 6 bộ luật của Nam tuyền Phật giáo và Bắc truyền Phật giáo đều giống nhau. Vì thế, đây không phải là nguyên nhân chính yếu để đưa đến phân phái phật giáo. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa theo Bắc truyền đó là 5 việc của Đại Thiên (Mahadeva).
2. Theo Bắc truyền
Theo Bắc truyền do tranh chấp Thuyết năm chướng ngại của A-la-hán (La hán ngũ sự) do Đại Thiên (Mahadeva) là người đề ra. Từ đó dẫn đến sự phân chia bộ phái.
Luận Tỳ Bà Sa quyển 99 là tác phẩm thuộc hệ phái Thượng Tọa bộ (theravada), cụ thể là thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvastivada) có nói đến một nhân vật tên là Đại Thiên, tự cho mình là đã chứng đắc quả vị A-la-hán. Nhưng một hôm trong lúc ngủ nằm mộng nên đã xuất tinh trong quần, sau đó sai đệ tử đi giặt. Trong khi giặt đệ tử thấy thế nghi ngờ nên đặt ra nhiều câu hỏi, Đại Thiên đã giải đáp tất cả về vấn đề này và được Đại Thiên kết tập lại thành bài kệ như sau:
“Dư sở dụ, vô tri,
Do dự, tha linh nhập,
Đạo nhân thinh cố khởi,
Thị danh chơn Phật giáo”[5]
Và về sau khi đến kỳ Bố Tát (Uposatha) thì Ngài đăng tòa thuyết giới đọc lại bài kệ này, trong hội chúng cũng có nhiều thành phần tri thức và cho rằng đây không phải là bài kệ do chính đức Phật nói. Lúc bấy giờ trong chúng có sự tranh cãi càng lúc càng đông và đặt ra nhiều chất vấn, Đại Thiên đã giải thích từng chi tiết với các nhà Thượng Tọa bộ.
Dư sở dụ: A-la-hán có thể bị cám dỗ, quyến rũ xuất tinh trong khi ngủ.
Vấn đề thứ nhất trong năm vấn đề tranh cãi giữa Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ là A-la-hán có còn xuất tinh trong khi ngủ hay không? Do đứng trên những quan điểm khác nhau nên có sự lý giải cũng khác nhau. Đại Thiên tự xưng là A-la-hán lại còn bị xuất tinh trong khi ngủ và bảo đệ tử đi giặt quần nên đệ tử thắc mắc tại sao, thì ngài Đại Thiên giải thích đó là vấn đề tự nhiên, cũng giống như những người đã mang lấy thân vật lý thì phải chịu sự chi phối của nó như đau đầu,… Nhưng theo quan điểm của Thượng Tọa bộ thì không đồng nhất với sự lý giải này. Bởi vì theo Thượng Tọa bộ thì quả vị A-la-hán được xem là ngang hàng với Phật mà Phật là đấng toàn giác đoạn trừ hoàn toàn tham, sân, si nên đối với vấn đề nằm mộng, bất chánh tư duy là vấn đề không thể có. Thượng Tọa bộ cho rằng nằm mộng xuất tinh là người còn lòng ham muốn nên đưa đến kết luận là Đại Thiên không phải là A-la-hán.
Vô tri: A-la-hán có thể chưa thấu suốt đối với một số pháp xuất thế gian.
Để lý giải việc nằm mộng xuất tinh của mình, Đại Thiên đã đưa ra quan điểm là do vô tri, vô tri thì gồm có “nhiễm ô vô tri và bất nhiễm ô vô tri”. Sự khác biệt của hai ý nghĩa này là: bất nhiễm ô vô tri chính là vô tri (không biết) không biết ở đây không phải là vô minh. Ví dụ khi chúng ta đang ở trong phòng thì có những sự việc đang xảy ra bên ngoài thì chúng ta khó có thể biết được như chim bay, thú chạy… đối với sự không hiểu biết này không thể nói nó là đồng với khả năng không hiểu biết, không phải sự xuất hiện của vô minh mà đó chỉ là sự vô ký của tâm,đã là vô ký thì không thể gây nghiệp thiện hay ác, còn nhiễm ô vô tri là trạng thái liên quan đến vô minh. Ví dụ như khi chúng ta sát sanh, hại vật mà không hiểu gì về nhân quả nghiệp báo của nó. Đó là liên quan đến vô minh. Đối với Đại Thiên thì cho rằng việc nằm mộng xuất tinh là bất nhiễm ô vô tri. Bởi vì, trong lúc ngủ thì những sinh lý hoạt động tự nhiên không có sự tác ý, mống khởi của tâm nên đó là trạng thái vô ký, nên không tạo thành nghiệp.
Do dự: A-la-hán vẫn còn hoài nghi đối với các pháp.
Sau khi Đại Thiên bị các đệ tử của mình chất vấn về việc A-la-hán còn dư sở dụ, vô tri thì việc giải thích của Ngài chưa được các đệ tử thỏa mãn và các câu hỏi được tiếp tục đặt ra và Đại Thiên đã thọ ký cho các đệ tử của Ngài là đã chứng từ sơ quả đến tứ quả A-la-hán. Nhưng theo các đệ tử Ngài hiểu thì đã chứng A-la-hán thì các vấn đề về do dự (nghi ngờ, hoài nghi, lưỡng lự) đã được đoạn tận mà tại sao chúng đệ tử vẫn còn nghi ngờ đối với các Pháp? Thì Đại Thiên đáp rằng: nghi ngờ thì có 2 loại: “tùy miên tánh nghi và xứ phi xứ nghi”. Trong đó, tùy miên chính là phiền não, vị A-la-hán thì loại “tùy miên tánh nghi” (nghi ngờ xuất phát từ tánh) này đã dứt. Nhưng “xứ phi xứ nghi” thì vẫn còn. Bởi vì đây là loại nghi ngờ rất thường gặp trong cuộc sống. Ví dụ: Khi một vị A-la-hán đến một địa phương lạ, chưa thông hiểu về địa hình tại đó, nên việc không biết về đường xá hoặc hoài nghi về thổ nhưỡng là chuyện thường tình. Thế nhưng đối với quan điểm của Thượng Tọa bộ thì không chấp nhận sự giải thích của Đại Thiên mà cho rằng đối với A-la-hán thì không còn bất cứ hoài nghi nào, bởi hoài nghi đều giống nhau.
Tha linh nhập: sự chứng đắc của A-la-hán phải nhờ người khác chỉ điểm mới biết.
Những giải thích của Đại Thiên vẫn chưa được đệ tử thỏa mãn nên những thắc mắc tiếp tục đặt ra và để làm vui lòng chúng đệ tử, Đại Thiên đã thọ ký cho đệ tử là chứng Thánh quả, nhưng ngược lại đệ tử cảm thấy ngạc nhiên vì nếu một vị đã chứng quả tại sao lại phải nhờ người khác chỉ điểm mới biết. Ví dụ như vị A-la-hán không biết rành đường thì nhờ người khác chỉ giúp, đó là chuyện thường tình. Sự việc A-la-hán được người khác chỉ đường không đồng với việc A-la-hán vẫn còn vô minh. Nhưng quan điểm này không được các nhà Thượng Tọa bộ chấp nhận mà cho rằng A-la-hán không thể nhờ vào người khác chỉ điểm.
Đạo nhân thinh cố khởi: A-la-hán trong khi thiền định nhờ nhận thấy được chân tướng của cuộc đời và cảm thán “ôi đời là khổ”. Do nhận biết và cảm thán như thế vị ấy nỗ lực hướng đến sự chứng đắc toàn giác.
Việc thứ 5 của Đại Thiên là “đạo do nghe được âm thanh khổ ở đời mà chứng đắc”, được các nhà Hữu Bộ giải thích, là do Đại Thiên trước khi xuất gia là đã phạm 3 tội là giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng cho nên sau khi xuất gia ông đã nhớ lại những lầm lỗi trong quá khứ nên đã thốt lên rằng “đời là khổ”. Việc này đã làm cho chúng đệ tử nghe thấy và ngờ rằng đã là A-la-hán tại sao lại còn những hiện tượng này và đã đặt ra nghi vấn. Đại Thiên đã bảo vệ vị trí của mình nên đã đáp rằng: nếu muốn chứng được Thánh đạo, cần phải bài tỏ lòng chí thành bằng cách thốt lên lời than khổ mới có thể chứng được đạo. Nhưng các nhà Đại Chúng bộ thì không đồng tình với lối giải thích này mà cho rằng trong lúc thực hành thiền định thì không phải lúc nào cũng thốt lên như thế. Theo Thượng Tọa bộ thì không đồng tình quan điểm này. TT. Hạnh Bình thì “đạo nhân thinh cố khởi” có nghĩa là đạo lý hay lời dạy của đức Phật mà con người ngộ được, chứng được phải từ âm thanh mà có, không phải từ đọc tụng mà được. Nên chữ “thinh” ở đây phải được hiểu là Àgama, được dịch là A-hàm, nhưng không phải là 4 bộ A-hàm hay 5 bộ Nikāya như chúng ta bây giờ. Bởi vì, vào thời của Đại Thiên thì Kinh điển chưa được kiết tập thành văn tự nên chỉ dùng khẩu truyền và dùng tai để tiếp nhận. Khi đức Phật còn tại thế cho đến thời đại vua A-dục (Asoka) mới được kiết tập, biên chép lại thành Kinh điển. Cách giải thích này hoàn toàn phù hợp với việc của Đại Thiên mà còn phù hợp với cuộc kiết tập Kinh điển.
3. Nhận định
Khi khảo sát về hai nguyên nhân phân phái Phật giáo ta có nhận định. Theo Phật giáo Nam truyền thì cho rằng “Thập phi pháp sự” là vấn đề tranh cãi giữa hai phái, tạo thành sự chia rẽ của tăng đoàn, thì đây chưa phải là nguyên nhân chính yếu để đưa đến phân phái. Bởi vì, tiếp nhận lời dạy đức Phật khác nhau nên cách thức tu tập cũng khác nhau, chứ giới luật thì hoàn toàn không khác. Theo nguồn tư liệu của Phật giáo Bắc truyền thì không lấy Thập phi pháp sự làm yếu tố phân chia Phật giáo, mà lại lấy "5 việc của Đại Thiên", xem đó là sự kiện chính yếu gây chia rẽ Phật giáo. 5 việc của Đại Thiên đã có từ thời đức Phật, Đại Thiên chỉ là người đặt ra 5 việc này. Trong đây chủ yếu tranh luận về quả vị A-la-hán có tương đồng với quả vị Phật hay không. Theo Thượng Tọa bộ thì cho rằng chứng đến quả vị A-la-hán là quả vị tối cao. Nhưng theo các nhà Đại Chúng bộ thì cho rằng A-la-hán chỉ là hóa thành mà cần phải đi tiếp nữa mới được quả vị Phật. Từ đó cho thấy nguyên nhân phân phái không phải do bất đồng quan điểm về giới luật mà do sai biệt về tư tưởng.
C. KẾT BÀI
Sau khi tìm hiểu về những nguyên nhân phân phái Phật giáo, ta mới thấy rằng nói đến nguyên nhân làm rạn nứt tăng đoàn phân chia Phật giáo thành hai bộ phái Thượng Tọa bộ (Theravada) và Đại Chúng bộ (Mahàsamghika), ta không thể không đề cập đến “mười điều phi pháp” cùng với 5 việc Đại Thiên (Mahadeva). Bởi đây được xem là 2 nguyên nhân đưa đến phân phái trong Phật giáo. Mười việc phi pháp là nguyên nhân phân phái của phái Thượng Tọa bộ chủ trương. Bởi do Ngài Yasa đi khất thực đến vùng Vesali và nhân ngày hội Bố-tát (Uposatha), chúng Tỳ-kheo Vajji đặt một cái thau nước lớn nơi giữa, bảo tín đồ phải bỏ tiền vào đó và nói rằng tiền này chỉ sử dụng cho chúng tăng. Ngài Yasa trong thấy điều này bảo là không hợp với Giới luật của Phật đã chế định, cũng vì lẽ đó nên các cuộc tranh luận đã diễn ra càng lúc càng thêm lớn, nhưng đây chưa hẳn là nguyên nhân chính yếu đưa đến phân chia bộ phái. Bởi vì, theo các nhà học giả nghiên cứu cho rằng, hiện nay vẫn còn 6 bộ luật Nam truyền lẫn Bắc truyền, nội dung 6 bộ luật hoàn toàn giống nhau chỉ sai biệt ở một số điều nhỏ nhặt. Ngoài ra theo Đại Chúng bộ thì cho rằng nguyên nhân phân phái là do nhân vật tên là Đại Thiên đưa ra 5 việc và đại chúng cũng không tán thành nói đó chỉ là những lý do để Ngài Đại Thiên lý giải về việc Ngài tự cho mình là đã chứng đắc A-la-hán nhưng vẫn còn nằm mộng xuất tinh trong quần, và nhân dịp Bố Tát Ngài đem năm việc này đọc trước công chúng, nhưng trong đó có nhiều thành phần tri thức bảo là không phải những điều của Phật dạy, nên đặt ra nhiều chất vấn và Đại Thiên cũng đã đưa ra nhiều quan điểm của mình để lý giải. Thật chất nội dung tranh cãi về việc quả vị sai khác giữa A-la-hán và quả vị Phật. Từ đó, sự tranh cãi ngày càng thêm lớn và dẫn đến phân phái.
-Trí Huệ-
- TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. TT. Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB Tôn Giáo, Năm 2006.
- 2. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, Tại HCM, Năm 2008.
- 3. HT. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Tôn Giáo, Tại TP.HCM, Năm 1989.
- 4. TT. Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông, Năm 2005.
CHÚ THÍCH
[1] Có thuyết cho là 49 năm.
[2] Sa môn Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Tôn Giáo, Tại TP.HCM, Năm 1989, Tr. 83-84.
[3] Yasa này là đệ tử của ngài A-nan chứ không phải Yasa thời đức Phật.
[4] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, Tại TP. HCM, Năm 2008, Tr. 124.
[5] TT. Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB Tôn Giáo, Năm 2006, Tr. 26.