Tiểu Sử Chùa Phước Linh

CHÙA PHƯỚC LINH
SƠ LƯỢC ĐÔI NÉT VỀ TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
-----o0o-----


Đối với những người Phật Tử nói riêng và những người có tâm hồn lãng mạn yêu thích thi ca nói chung. Chắc hẳn rằng đã từng nghe qua nhà thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ lỗi lạc chuyên dùng ngòi bút của mình, viết nhiều thể loại văn, thơ mô tả về cảnh quê hương đất nước, vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng… đã gây hiệu ứng tốt từ nhiều phía đọc giả. Đơn cử như trong bài thơ “Quê Tôi” có câu:

“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi…”


Thật đúng như vậy ! Đạo Phật chính thức có mặt và bén rễ trên quê hương Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ III (T.TL) cho đến nay. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng ánh sáng Phật Pháp vẫn tuôn chảy và lang tỏa khắp nơi, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao thế hệ Phật Tử Việt Nam. Những thành tựu ấy có được là nhờ sự tích cực dấn thân phụng sự, tiếp nối không gián đoạn của hình bóng Tăng Bảo, các bậc Tiền Hiền đã dày công kiến tạo. Dưới đây, ta thử nghiêm túc tìm hiểu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển ngôi Phước Linh Thánh địa.




Ảnh: Thanh Quang.

1. Quá trình hình thành

Chùa Phước Linh là một ngôi chùa nếu xét về mặt vị trí địa lí không chiếm vị thế tiêu điểm và nổi bật. Vì thuộc vùng sâu vùng xa, giáp ranh với Cambodia nước bạn. Chùa do cố đại lão Hòa Thượng, thượng Chí hạ Minh thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39 sáng lập vào năm 1930‎.


- Khai sơn tạo tự

Với cảnh quang tương đối sạch sẽ, thông thoáng, ngôi Đại Hùng Bảo Điện cao sồ sộ hùng vĩ uy nga tráng lệ, là nơi rèn luyện biết bao bậc tài đức, cũng là nơi quy tụ cho nhiều Phật Tử khắp nơi tu tập. Thế nhưng, có mấy ai biết được cách nay gần 90 năm, tại mãnh đất này vốn dĩ là một vùng đất hoang vu, tịch mịch, cây cối um tùm. Sau đó, Hòa Thượng Thích Chí Minh, thế danh: Đặng Văn Cát (1892 – 1975), người quê tỉnh Kiến Phong (nay thuộc Ấp 1, Xã Thường Phước 2, Huyện Hồng Ngự, Tỉnh Đồng Tháp) đã tiến hành khai khẩn đất hoang.

Đến năm 1930, Hòa Thượng lập một am tranh với diện tích khá khiêm tốn, vách lá đơn sơ, bên trong thiết bàn thờ Phật và kể từ đó Hòa Thượng nỗ lực công phu bái sám, không lúc nào sao lãng việc tu tập.

Trong quá trình hành trì và ứng dụng đường lối pháp môn tu tập, với một sợi chuỗi tràng chẳng rời khỏi tay, miệng lúc nào cũng xưng dương Phật hiệu.

“Hồng danh sáu chữ Di Đà
Tay lần tràng hạt chẳng rời xa
Tâm nghĩ miệng niệm luôn danh hiệu
Di Đà Lạc Quốc ở quanh ta”.


Thế rồi, vì tuổi già sức yếu, thuận thế Vô Thường, Hòa Thượng đã dự tri thời chí trước khi viên tịch, Ngài triệu tập tứ chúng dạy bảo xong liền chấp tay và ngồi  trong tư thế kiết già an nhiên thị tịch vào năm 1975 thọ 84 tuổi.



Ảnh: Cố HT. Thích Chí Minh.

- Kế vãng khai lai 


Tiếp nối theo đường lối mà Thầy Tổ đã dạy bảo, Hòa Thượng thượng Huệ hạ Từ (1925 – 1990) vẫn duy trì và phát huy tông chỉ lẫn pháp môn Niệm Phật Tam Muội, về trình độ hiểu biết, Ngài tinh thông Nho học lẫn Phật học. Ngoài ra, Ngài còn có một độc tài bẫm sinh vốn sẵn có là chất giọng tụng kinh rất hay được hiệu ứng rất tốt từ phía thính giả, nhiều người đến và tiếp cận với Phật Pháp cũng nhờ nghe qua những lời kinh câu kệ, giai điệu trầm bỗng du dương do chính Ngài tụng đọc. Nên, Ngài đã cho ghi âm vào băng cassette nhiều bản Kinh như: Vu lan Báo hiếu, Phổ Môn, Địa Tạng, Di Đà… lưu truyền cho nhiều thế hệ.

Ngoài việc giáo hóa và tế độ Tứ chúng, Ngài còn cho trùng tu ngôi bổn tự Phước Linh lại bằng ngôi nhà cấp 4 (vách tường và lộp tole) kiên cố hơn.

Cả cuộc đời Ngài chỉ vỏn vẹn đóng góp và hy sinh cho Tam Bảo ngần ấy được xem là quá quý so với thời điểm hiện tại.

Đến năm 1990, Hòa Thượng thâu thần thị tịch thọ 66 tuổi.



Ảnh: Cố HT. Thích Huệ Từ.

2. Ổn định và phát triển

Được sự ủy thác của Thầy mình, đến năm 1991 thì Thượng tọa Thích Thiện Thạnh đảm nhiệm chức vụ trụ trì cho đến nay.

- Cuộc đời và đạo nghiệp
  + Cuộc đời

Thượng tọa Thích Thiện Thạnh, thế danh: Đặng Hoàng Phước (1955). Vốn chủng tử và nghiệp duyên sẵn có, khi vừa sanh ra Ngài đã được Ba và Mẹ gửi vào chùa. Độ tuổi của Ngài vào thời đó, đất nước đang vẫn còn trong giai đoạn  loạn lạc chiến tranh chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm (1954 – 1975).

Đến năm 1975, Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Bởi, đất nước vừa được thống nhất nên vẫn chưa ổn định về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục… Trường lớp chưa được mở rộng. Nhưng, không vì thế mà Ngài từ bỏ định hướng và mục tiêu của mình. Với niềm đam mê học hành sẵn có, Ngài đã ngày đêm nỗ lực không ngừng dùi mài kinh sử, thêm vào đó là được sự dạy dỗ gia giáo, hun đúc rèn luyện ý chí, tinh thần từ phía Thầy, Tổ. Nên, Ngài thông hiểu phần nào những nền tảng giáo lý căn bản của nhà Phật và nắm rõ được những tông chỉ pháp môn cũng như đường lối tu hành.




Ảnh: TT. Thích Thiện Thạnh, Trụ trì đương nhiệm.
  • + Đạo nghiệp

Trong suốt quá trình sinh sống, Ngài đã một đời tận tụy hy sinh cho đạo pháp và dân tộc. Đối với đạo, Ngài là bậc mẫn mực luôn là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo. Đối với đời, Ngài là một công dân hữu ích của xã hội luôn tạo nhiều thành quả tốt (bố thí, an sinh xã hội…) giúp xã hội phần nào giảm thiểu đi tỉ lệ nghèo đói.
  •    
  • * Trùng hưng Tam Bảo

Ngài là bậc sống vì mục đích phụng sự lí tưởng, sương minh Phật Pháp, lúc nào cũng thắp sáng ngọn đuốc ước mơ và hoài bảo của Thầy Tổ. Chính vì những khát khao và thao thức đó.

Vào năm 1996, Ngài đã chính thức khởi công trùng tu ngôi Tam Bảo Phước Linh. Bằng cả tâm huyết và nghị lực, Ngài đã nỗ lực vận động nhiều từ phía Phật Tử, Mạnh thường quân để quyên góp xây dựng, tích lũy được đồng nào thì dùng trong việc mua gạch, cát, đá, xi măng… sắm sửa nhiều thứ nhằm trang hoàng ngôi bảo tự, nhiều lúc không đủ kinh phí để chi tiêu cho thợ. Khi ấy, bản thân Ngài đã tự kêu gọi trong thân tộc cùng nhau ra công xây dựng, đôi khi đêm đã về khuya mà Ngài vẫn cứ tất bật hối hả làm cho xong công việc. Có những lúc mệt nhòa chán nản, khi ấy Ngài tự nhủ rằng: “Mình là người con Phật, đi theo con đường mà Phật đã từng kinh qua. Thế nhưng, chỉ có những vấn đề nhỏ nhặt thế này làm sao có thể trở ngại được. Thêm vào đó, nếu Ta ra công gầy dựng một cơ sở thờ tự khang trang, sạch sẽ, thoáng mát có nơi cho hàng Phật Tử an tâm tu học, thì mình cũng được chút phước báu hữu lậu nhơn thiên”.

Nhờ những dòng suy nghĩ đó, đã tạo nguồn động lực vượt bậc cho Ngài vững trải và thảnh thơi trong việc trùng hưng Tam Bảo và hoằng dương chánh pháp.

Mãi đến năm 2017, trải qua thời gian 21 năm, ngôi Phước Linh mới trở nên thật sự khang trang và cũng trở thành nơi tu học cho nhiều đồ chúng.

  • * Tiếp Tăng độ chúng

Được sự rèn luyện và dạy dỗ của Thầy mình, Ngài vẫn nhớ mãi những lời di huấn ấy: “Con nhớ sau này phải tiếp nhận đệ tử xuất gia. Vì, nếu hóa độ được một đồ chúng xuất gia tu hành tinh tấn, đạo lực viên thông thì có sức ảnh hưởng rất lớn, nhiếp phục được đông đảo quần chúng Phật tử đi đúng trên con đường chân chánh, sẽ được phước báu rất lớn”.

Những lời giáo huấn ấy vẫn tạc dạ ghi lòng. Một hôm nhân duyên đã đến, cách chùa độ khoảng vài trăm mét có một ngôi nhà của tín đồ Phật Tử có lòng tin đối với Tam Bảo rất sâu, Phật tử này gia đình có hai người con trai, người con trai lớn đã được xuất gia từ trước tại chùa Thiên Phước, nơi thị xã Hồng Ngự, pháp danh Thích Thanh Quang, chỉ còn lại người con trai út, hằng ngày hay đến chùa Phước Linh tụng kinh bái sám và chấp lao phục dịch công quả. Vào một ngày nọ, người con trai út thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Mẹ con muốn đi xuất gia, chỉ có đi xuất gia mới là con đường hạnh phúc và an lạc nhất. Bởi vì, trong suốt khoản thời gian Mẹ con mình đến chùa tụng kinh bái sám và làm công quả con đã cảm nhận được điều này, mong Mẹ chấp thuận cho”.

Trước những lời cầu xin và khát khao xuất gia của con mình, người Mẹ lúc đầu cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Nhưng rồi thiết nghĩ: “Xuất gia là con đường cao cả đi theo đường ngay lẽ phải của cuộc đời, được học giáo lí tối tôn của Đức Phật”. Do đó, người Mẹ đã đồng ý cho con trai mình đi xuất gia.

Sáng ngày hôm sau Mẹ dẫn con trai lên chùa gặp sư phụ.

Con trai thưa: Bạch Thầy con muốn được xuất gia.
Thầy đáp: Xuất gia là việc rất cao cả, không thể bồng bột ham muốn nhất thời, con đã suy nghĩ kỹ chưa?
Đáp: Mô Phật con đã suy nghĩ kỹ.
Thầy nói: Thôi được, vậy Thầy sẽ nhận con làm đệ tử.

Từ đó, người con trai út được ở chùa vừa tập sự xuất gia vừa theo học Phổ thông Trung học. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi chương trình học cũng kết thúc (2007). Sau đó, Sư Phụ cho gọi chàng trai tập sự lên và bảo đã chọn ngày làm lễ thế phát cho con.

Thế rồi, người con trai được cạo bỏ mái tóc xanh khoác vào mình chiếc áo nâu sòng thanh bần giản dị, được Sư phụ cho pháp danh là Thích Trí Huệ.

Với tâm nguyện muốn cho đệ tử mình trở thành bậc tài đức vẹn toàn, góp phần hữu ích cho đạo Pháp, nên Ngài nghĩ sẽ cho đệ tử mình học Phật. Ngay lúc đó, sư phụ định gửi đến trường Trung cấp Phật học Đồng Tháp nhưng khóa học bị trễ, nên Thầy mới suy nghĩ và quyết định gửi về trường Trung cấp Phật học Vĩnh Long. Từ đó, Trí Huệ cũng đã được đi học, và thời gian bốn năm trung cấp (2007 – 2011) cũng đã mãn. Sau đó, trở về chùa xin Thầy được tiếp tục con đường học Phật của mình là tiến lên lớp Cao Đẳng. Thầy cũng đã đồng ý và gửi đệ tử mình đến Trường Cao trung Phật học Đại Tòng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), chương trình đào tạo 3 năm (2011 – 2013). Cũng thế, sau khi kết thúc chương trình học, Trí Huệ vẫn chưa dừng lại đó mà muốn nâng cao hơn nữa trình độ Phật học, bèn thi tuyển sinh vào Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM.

Thời gian theo học tại đây, Trí Huệ nghĩ rằng: “Trong thời buổi hiện nay nếu muốn phát triển ổn định đạo pháp và dân tộc thì đòi hỏi phải hóa độ giới trẻ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với hệ thống giáo lý Đạo Phật càng sớm càng tốt”. Thế rồi, nhân dịp chùa Thầy mình (chùa Phước Linh) tổ chức sự kiện đại lễ Vu lan Báo hiếu, Trí Huệ triệu tập giới trẻ trở về chùa vào ngày 05 tháng 07 năm Bính Thân phụ lễ, sau đó sinh hoạt cùng các bạn với ý định thành lập Câu Lạc Bộ (CLB), ý kiến được đề xuất cũng đã thông qua. Từ đó, cụm danh từ CLB Thiện Nguyện Mầm Xanh Phật Pháp chính thức có mặt. Sau khi hoạt động được một năm, đúng lúc chương trình cử nhân Trí Huệ đang học vừa mãn (2013 – 2017), vì sự tham cầu học Phật Trí Huệ tiếp tục lộ trình của mình là muốn theo học hệ sau đại học, nên Trí Huệ thỉnh cầu Sư huynh mình tiếp nối dẫn dắt các bạn trẻ sinh hoạt Phật pháp thay mình, Sư huynh cũng đã chấp nhận.

Dưới sự dìu dắt của Thanh Quang, CLB ngày trở nên lớn mạnh. Còn Trí Huệ thì vẫn tiếp tục việc học của mình.

Việc tiếp tăng độ chúng của Ngài dường như đã xong, ngôi Tam Bảo Phước Linh đã dần dần vào ổn định và được Phật Tử gần xa đều biết đến.

  • * Kiến lập đạo tràng

Đức Thế Tôn được người đời tôn xưng Ngài với danh hiệu là Bậc Đại Giác Ngộ. Sự Giác Ngộ của Ngài có thể được chia ra làm ba bậc: [1]. Tự Giác, [2]. Giác Tha, [3]. Giác Hạnh Viên Mãn. Bởi thế, sau khi tự mình Giác Ngộ rồi, Ngài mang những gì mình đã trải nghiệm được để truyền đạt lại cho tín đồ quần chúng mong được Giác Ngộ như Ngài. Từ đó, Ngài chu du khắp miền Bắc Ấn để truyền đạo.

Vì hiểu biết được con đường mà Đức Phật đã hành đạo như thế. Nên sau khi hóa độ được người đệ tử xuất gia, Ngài bèn suy nghĩ: “Đạo Phật là đạo giải thoát, giúp con người vượt qua nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, nhưng hiện tại con người đang có xu hướng tự trói buộc mình trong tham ái và chấp thủ. Thế nên, cần phải mang những lời dạy của đức Thế Tôn giới thiệu đến mọi người để khuyến khích họ ứng dụng, nhằm an lạc và hạnh phúc bây giờ và tại đây”.

Thế rồi, Ngài quyết định thiết lập đạo tràng Niệm Phật nhằm hội tụ quần chúng Phật Tử, giới thiệu với họ về pháp môn Niệm Phật có thể giúp con người giải quyết những vấn nạn khổ đau trong cuộc sống. Từ đó, đạo tràng ngày một hưng thịnh, Phật Tử siêng năng tu tập chấp trì danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, khiến cuộc sống ngày càng trở nên thăng hoa về mặt đạo đức và tâm linh.

* An sinh xã hội

Đạo Phật được đặt trên nền tản của Từ Bi – Trí Tuệ. Thế nên, các Ngài đã chẳng ngại gian khó dấn thân phụng sự làm các công tác lợi tha giúp đỡ mọi người trong lúc khốn khổ.

Cũng như thế, vì noi theo những tấm gương của các bậc Tiền Bối làm các Phật sự giúp đỡ người nghèo bằng cách chia sẻ yêu thương, chang hòa nhịp sống. Ngài đã vận động những phái đoàn y bác sĩ từ TP. HCM trở về chùa khám bệnh, chẩn đón bóc thuốc miễn phí… Đối với các em nhỏ thì vào dịp Tết Trung Thu, Ngài đã tổ chức những chương trình: Vui Hội Trăng Rằm, Đêm Trăng Tình Người,... phát quà Trung Thu, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, nhằm giúp cho các em thêm động lực trong học tập, gieo chủng tử lành về Phật Pháp.

Tâm của Ngài từ bi rộng lớn dung chứa và bao dung, những mãnh đời nào bất hạnh, khi Ngài được biết đến thì sẵn sàn chia sẻ hướng dẫn họ đi theo con đường chân chánh.

3. Đường hướng hoạt động tương lai

Được Phật Tử nhiều nơi trở về tu tập, thì nhu cầu nâng cao và mở rộng chu vi, diện tích chùa chiền là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Hiện tại, diện tích ngôi Tam Bảo Phước Linh vỏn vẹn chỉ được 500m2, một diện tích thật sự khiêm tốn, vào các dịp lễ hội lớn: Cầu An đầu năm, rằm Tháng Giêng, Vu lan Báo hiếu… thì lượng tín đồ về tham dự rất đông, khuôn viên ngôi Tam Bảo không đủ sức chứa.
Thế nên, niềm thao thức và trăn trở của Ngài là nếu đủ khả năng sẽ mua lại mãnh đất ao phía sau chùa nhằm mở rộng diện tích, tiếp tục tu sửa Tam Bảo để có nơi thật sự rộng lớn nhằm phục vụ tín đồ vào các dịp lễ.

Nếu điều đó được thực hiện, chùa sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện lớn như mở các khóa tu: Một Ngày An Lạc, Tuổi Trẻ Hướng Phật, Giao lưu Phật pháp… tạo điều kiện giúp cho mọi người tiếp cận và học hành theo giáo lý của Đạo Phật nhằm mang lại an vui và hạnh phúc cho cuộc đời.

Nói tóm lại, sau khi tìm hiểu sơ lược đôi nét về tiến trình hình thành và phát triển ngôi Tam Bảo Phước Linh ta thấy rằng, mãi cho đến thời kỳ này đã trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, nhưng ngôi chùa vẫn sừng sững hiên ngang phát triển và đã được truyền thừa giữ gìn của ba đời chư vị Tổ Sư. Để tiếp nối và phát triển bền vững thì đòi hỏi các vị trụ trì phải giữ đúng lề lối và nguyên tắc: “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai mạng”. Bên cạnh đó, phải luôn ôm ấp những hoài bảo mà các bậc Tiền Bối hữu công đã dạy bảo: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” mới thật xứng đáng là bậc trưởng tử của Như Lai kế thừa giềng mối của Phật Pháp. Nhằm mang lại an lạc cho số đông, hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

-Trí Huệ-

Thông báo

Video