Nội Dung Và Ý Nghĩa Đoạn Kinh Nhất Dạ Hiền Giả
NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA ĐOẠN KINH NHẤT DẠ HIỀN GIẢ
(Majjhima Nikaya/Collection of Middle Length Discoure)
Ảnh: Trí Huệ
Trong quá trình tương tác giao tế với xã hội, có khá nhiều quý Phật tử đã chất vấn tôi nhiều câu hỏi mà nội dung gần như cùng một chủ đề liên qua đến lời Phật dạy trong Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya/Collection of Middle Length Discoure) như: “Quá khứ không truy tìm/ Tương lai không ước vọng/ Quá khứ đã đoạn tận/ Tương lai lại chưa đến/ Chỉ có phép hiện tại/ Tuệ quán chính là đây…”. Vậy thì để cho một đất nước, một xã hội, một công ty xí nghiệp, một cậu học sinh.v.v… được phát triển nếu không tư duy về tương lai, không hồi tưởng về quá khứ thì làm sao đất nước lớn mạnh được?
Dưới đây, người viết xin phân tích một cách khái yếu quan điểm cá nhân để lí giải những thắc mắc của Quý vị đồng tu. Nếu có gì sai sót hoặc cần bổ sung ý kiến, xin quý đọc giả, quý thiện hữu tri thức hãy comment bên dưới, hoặc liên lạc qua địa chỉ mail: trihue0101@gmail.com, người viết xin chân thành cảm ơn!
Trong thế kỉ XXI, xã hội phát triển đa ngành nghề, mở rộng thị trường trao đổi buôn bán thông thương với các nước trên thế giới. Nên, bất kì một tập đoàn, một tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp… hay nói cách khác là toàn thể con người trên hành tinh này, đều có một khuynh hướng chung mà không ai có thể phủ nhận được là tư duy, lo lắng, mãn nguyện… về quá khứ và tương lai. Nhưng, mỗi người có một hoạt cảnh khác nhau.
Đối với nhiều nhà Quản trị kinh doanh hoặc làm kinh tế thì phải toan tính hoạch định đường hướng đổi mới hoạt động cho công ty, làm thế nào có thể theo kịp nắm bắt cùng thời đại, cạnh tranh thị trường, hoặc suy tư những thất bại trong quá khứ, tiếc nuối việc đã qua để làm nền tảng kinh nghiệm cho tương lai sắp đến.
Riêng đứng về góc độ Tu sĩ mà nói, đối với những vần đề cơm ăn áo mặc, tiền tài thì không đặt nặng, mà chỉ xem trọng về trí tuệ (Panna), chuyên tâm tu học, làm công tác Phật sự... Bởi vì, trong Kinh Bát Đại Nhân Giác đức Phật có dạy: “chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”, để đạt được trí tuệ thì hành giả cần phải nỗ lực công phu tu tập Thiền Chỉ (Sammatha Bhavana) và Thiền Quán (Vipassana Bhavana)... Nhưng, để chặn đứng lại những dòng lo lắng của quá khứ, toan tính việc tương lai mà an trú ở hiện tại, Đức Phật đã cụ thể hóa qua đoạn Kinh: “Quá khứ không truy tìm / Tương lai không ước vọng / Quá khứ đã đoạn tận / Tương lai lại chưa đến / Chỉ có phép hiện tại / Tuệ quán chính là đây”. Để hiểu được những vấn đề vừa nêu ta đi phân tích lí giải.
Muốn làm rõ nội dung đoạn Kinh ta đi tìm hiểu những thuật ngữ được xem là mấu chốt của đoạn.
- Quá khứ: Thời gian đã qua không còn hiện hữu.
- Hiện tại: Thời gian lúc bấy giờ, trước mặt và tại đây.
- Tương lai: Thời gian chưa xảy ra.
- Tuệ quán: Dùng trí tuệ để quán chiếu.
Khi tìm hiểu những thuật ngữ vừa nêu, ta đã tạm hiểu phần nào về nội dung của đoạn Kinh.
Hai khổ đầu:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng”.
Con người chúng ta có một thói quen mà hầu như khó ai có thể tránh khỏi là tìm về những quá khứ, suy diễn chuyện viễn vong. Trong khi đức Phật, bậc tỉnh thức vẹn toàn đã dạy đành rành, đối với những gì thuộc về quá khứ thì ta nên quên lãng đi đừng cố níu kéo, dẫu có tiếc nuối chúng đi nữa thì chúng ta cũng không làm gì được mà còn làm cho thân tâm buồn rầu bất an. Ta lấy một ví dụ dễ hiểu là ta quán sát một bánh xe tiếp xúc mặt đường là bao hàm cả ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), ta thấy bánh xe tiếp xúc với mặc đường khi ấy ta nói chúng là thời điểm hiện tại, còn khi bánh xe đã lăng qua khi ấy là quá khứ, trước khi bánh xe lăng đến đó là tương lai. Bởi thế, ngạn ngữ nói rằng: “Thời hồ, thời hồ, bất tái lai” (thời gian ôi! thời gian ôi! thời gian qua rồi không trở lại).
Nhiều người vì nhớ lại những việc đã diễn ra trong quá khứ rồi tự buồn khổ. Ví dụ như khi ta ra đường gặp một người nào đó họ chê ta là lùn, đen, xấu… ta cảm thấy đó là một sự xúc phạm. Sau khi về đến nhà cứ ôm ấp mãi câu nói ấy trong lòng rồi sanh sầu não. Nếu ta hiểu được lời Phật dạy thì không nên tìm về quá khứ vì quá khứ đã qua không còn tái hiện hữu, ta sẽ không đau khổ. Thông qua đó, cũng có nhiều vấn nạn được đặt ra là nếu nói không suy nghĩ chuyện quá khứ thì liệu những lời dạy của Đức Phật có bị mâu thuẫn lẫn nhau không, trong khi Jataka (Kinh bổn sanh), Ngài đã kể lại những tiền kiếp trong quá khứ của Ngài thì sao? Câu trả lời là: Chúng ta là ai mà dám so sánh với đức Phật. Đối với Phật, Ngài ra đời là vì hạnh nguyện độ sanh, còn chúng ta thì sao, ta có mặt hôm nay là do nghiệp lực trói buộc nên phải tái sanh thân này. Thế nên, những gì Ngài làm đều vì lợi ích cho số đông còn ta làm là vì lợi ích cá nhân, tổn hại tha nhân.
Còn tương lai không ước vọng thì sao? Ta thấy tương lai là những gì chưa diễn ra và khi có người khởi lên ý nghĩ như sau: “Mong rằng như vậy là sắc, thọ, tưởng, hành, thức… của chúng tôi trong tương lai và có sự hân hoan trong đó, không ước vọng tương lai là khi chỉ nghĩ như vậy mà không có sự hân hoan trong ý nghĩ đó”. Khi lời dạy này đi vào cuộc sống, thì đây là một vấn đề dễ bị giới thương nhân, tri thức hiểu lầm, họ đánh giá đạo Phật nếu chủ trương như vậy thì làm cho đất nước trì trệ, kiềm hãm sự phát triển, không định hướng cho tương lai thì kết quả đất nước sẽ trở nên lạc hậu không đuổi kịp cùng thế giới. Bởi, đối với các nhà khoa học viễn tưởng thì phải suy nghĩ nhiều việc xa xôi, khuyếch đại những vấn đề một cách phi thực tế. Việc này là một ngộ nhận về quan điểm của đức Phật muốn nêu. Trong khi, đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên cơ sở hiện thực, luôn dựa vào những điều kiện thời điểm sai khác của chúng sanh mà Phật đưa ra những phương thuốc phù hợp. Đối với những người Phật tử ở giai đoạn đầu học Phật, lẽ dĩ nhiên là còn phải đối diện với những vấn đề phức tạp khác của cuộc sống như: Gầy dựng cơ ngơi, xây dựng mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp… tất cả những yếu tố đó để tồn tại không thể thiếu.
Để hiểu đúng theo nghĩa lý của đoạn kinh vừa nêu, thì chúng ta có thể làm ăn kinh doanh buôn bán, vẫn có thể ước lượng tính toán hoạch định những công việc, mục tiêu của mình. Nhưng, ta phải biết làm chủ những định hướng ấy để một khi sự việc xảy ra không được như kế hoạch đã định thì ta không vì thế mà sầu khổ bất an. Nhiều nhà doanh nghiệp đầu tư cho việc làm, định hướng cho tương lai mình quá lớn nhưng kết quả thì thất bại sầu khổ có thể dẫn đến tự vẫn, hoặc giả được thành công thì cũng không nên bám víu vào tài sản hiện có mà ta dùng những lợi nhuận thu được san sẻ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi ấy là ta đã vận dụng đúng yếu chỉ mà Thế Tôn dạy vào cuộc sống.
Hai khổ tiếp theo:
“Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến”.
Thông qua hai khổ trên ta thấy những gì thuộc về quá khứ đã là dĩ vãng, thì dẫu có tiếc nuối, níu kéo cũng chỉ là khổ đau. Còn tương lai thì những sự việc hoàn toàn chưa xảy ra, nên ta cũng đừng có đuổi hình bắt bóng, nắm giữ những ảo ảnh phù du. Dẫu ta có nhiều nguyện vọng chờ ngóng tương lai tốt cũng không được, nếu ta không đầu tư cho việc thiện hoặc giả gieo nhân lành.
Hai khổ còn lại:
“Chỉ có phép hiện tại
Tuệ quán chính là đây”.
Đây mới là phần trọng tâm của bức thông điệp mà đức Phật muốn gửi lại cho chúng ta. Sống trong hiện tại là một lối sống mà đạo Phật chủ trương, nếu ta sống trong cuộc đời mà không sống với đương niệm hiện tiền mà thả hồn trôi theo những thứ bên ngoài thì đó không phải đang sống mà người ấy đang tồn tại. Thân đâu thì tâm phải ở đấy, khi đó ta mới thật sự cảm nhận được những giá trị thực chất của cuộc sống. Thế nên, có một hiền triết đã thốt lên rằng: “Tâm bất tại thân, kiến như bất kiến, văn như bất văn, thực như bất tri kì vị” (tâm không ở trong thân [cứ suốt ngày rong rũi theo trần cảnh] thì thấy như không thấy, nghe như không nghe, ăn nhưng không biết được mùi vị của thức ăn). Bởi thế, nên ta thấy được tầm quan trọng của nó, khi thân đâu thì tâm ở đấy nếu giữ được vậy là ta đã đạt được chánh niệm (samma sati), khi đạt được chánh niệm thì hành vi phát ngôn, của chủ thể nhận thức bao giờ cũng là ngôn ngữ từ ái, hòa hợp, văn hóa và lợi lạc.
Đạo Phật được xem là đạo trí tuệ (panna) và đã được Ngài nói trong hệ thống Nikaya: “Pháp ta thiết thực hiện tại, vượt thoát thời gian, đến để mà thấy có khả năng hướng thượng, cho người trí tự hiểu”. Thông qua đoạn kinh vừa nêu ta thấy rằng đạo Phật không phải đến để tin mà đến để thấy biết, nếu niềm tin không được đặt trên nền tảng của chánh tri kiến (samma ditthi) thì niềm tin ấy trở nên mù quáng và dễ bị đọa lạc. Bên cạnh đó Kinh Pháp Cú (Dhammapada Sutta) đức Phật dạy hành giả phải tự nỗ lực: “Các ngươi hãy tự nỗ lực, chư Như Lai chỉ thuyết giảng về con đường ai tu tập Thiền định sẽ thoát khỏi sự trói buộc của ma vương”. Nỗ lực ở đây là nỗ lực thực hành thiền quán (Vipassana Bhavana), theo như lời dạy nguyên thủy của đức Phật là thực hành pháp quán Tứ Niệm Xứ (Thân/body, thọ/feeling, tâm/mind, pháp/dhamma niệm xứ) là pháp tu căn bản không thể thiếu đối với chư vị hành giả. Nếu hành trì những pháp này chúng ta sẽ nhận ra được bản chất của các Pháp là Vô thường (Anicca/Impermanence) , Khổ (Dukkha/Suffering), Vô ngã (Anatta/No-self) thì sẽ xa lìa được các pháp thế gian, loại trừ được tham, sân và cội rễ của si. Khi đó ta sẽ được an trú trong hiện tại giây phút đẹp tuyệt vời.
Tóm lại, sau khi tìm hiểu một cách khái quát đoạn Kinh vừa nêu ta mới thấy rằng, toàn bộ nội dung của đoạn nhằm chuyển tải đến hành giả một thông điệp mà đã được sự trải nghiệm đầy thuần túy của Bậc Giác Ngộ đó là không truy tìm những gì thuộc về quá khứ. Bởi lẽ, nghĩ ngợi nhiều ta cảm thấy hối hận, tiếc nuối việc đã qua dễ đưa đến đau khổ mà cũng không có sự hân hoan trong đó. Còn không ước vọng tương lai là khi chỉ nghĩ như vậy mà cũng không có sự hân hoan trong ý nghĩ ấy. Chỉ có một lối sống mà đức Phật khuyên là an trú trong hiện tại mới là một phút giây tuyệt vời nhất. Để đạt được động cơ này thì mỗi người phải tự nỗ lực hết sức mình mới may ra thành tựu được như Phật.
Ấn Độ, ngày 12 tháng 01 năm 2018
Người viết
TRÍ HUỆ
Ấn Độ, ngày 12 tháng 01 năm 2018
Người viết
TRÍ HUỆ