Lục Hoà
A. DẪN NHẬP
Đạo Phật được xây dựng trên ba nguyên lý căn bản đó là Phật Pháp và Tăng. Tăng là nhân tố quan trọng nhất để quyết định sự tồn vong của Phật giáo. Dù ở bất cứ quốc độ và thời gian nào, thì Tăng vẫn thể hiện là một đoàn thể của sự hòa hợp, thanh tịnh và cao quý. Đức Phật có dạy rằng: “Tụ hội trong đoàn kết, trao đổi trong đoàn kết và giải tán trong đoàn kết, thì đó là một đoàn thể vững mạnh.” Bởi tính chất của sự đoàn kết chính là nhân tố làm cho con người gần gũi, cảm thông và thương yêu nhau hơn. Đây cũng chính là yếu tố của sự thành tựu trong mọi công việc.
Ảnh: Internet. |
Khi mọi người biết đặt mình vào vị trí của người khác thì họ sẽ có được sự cảm thông và chia sẻ cho nhau, biết lấy ý của người khác làm ý của mình. Bằng ngược lại, mọi người ai cũng chỉ nghĩ cho riêng mình, không dung hòa được với những người khác, thì đó là nguyên nhân đưa đến thất bại, đau khổ. Do đó mà sự hòa hợp là một nhân tố rất quan trọng để xây dựng nên cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Và phương pháp hữu hiệu để có được sự đoàn kết và hòa hợp không gì tốt hơn là pháp LỤC HÒA. Đó cũng chính là đề tài mà chúng tôi sẽ đến với quý vị qua buổi chia sẻ giáo lý sáng hôm nay.
B. NỘI DUNG
- Định nghĩa
Lục là sáu, hòa là hòa thuận, hòa hợp, hòa kính.
Lục hòa là 6 phương pháp sống đem lại sự hòa hợp, yêu thương, chia sẻ cho nhau từ vật chất đến tinh thần.
Pháp Lục Hòa được đức Phật nói ra để chỉ dạy cho các đệ tử xuất gia của Ngài lấy đó làm nền tảng căn bản cho nếp sống cộng đồng trong Tăng đoàn, để đem đến sự hòa hợp, hòa kính, hạnh phúc và an lạc. Hòa hợp với mục đích là tiến đến sự cao đẹp, đến con đường giải thoát, toàn thiện toàn mỹ, chứ không phải hòa trong sự nhu nhược, thụ động. Chính 6 pháp hòa kính này làm cho Tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh.
Lục hòa gồm có 6 điều như sau: 1. Thân hòa đồng trú; 2. Khẩu hòa vô tranh; 3. Ý hòa đồng duyệt; 4. Kiến hòa đồng giải; 5. Giới hòa đồng tu; 6. Lợi hòa đồng quân.
Khi Phật còn tại thế, sự sinh hoạt của Tăng đoàn trong 12 năm đầu chưa chế giới luật. Đại chúng chỉ sống theo pháp Lục Hòa. Cho nên có thể nói, pháp Lục Hòa như một giới luật căn bản của người xuất gia nên mọi người cần phải hành trì.
Pháp Lục Hòa này được Đức Phật dạy cho hàng đệ tử xuất gia. Tuy nhiên, đứng về mặt tính chất mà nói, thì pháp Lục Hòa này không chỉ áp dụng chỉ cho người xuất gia mà nó có ý nghĩa với tất cả những ai muốn có tâm xây dựng nên một nếp sống đạo đức cho chính mình và cộng đồng xã hội. Sáu pháp hòa kính này có năng lực hóa giải mọi xung đột giữa cá nhân và cá nhân, cộng đồng tập thể này với cộng đồng tập thể khác trong cuộc sống chung đụng với nhau từ vật chất đến tinh thần.
Theo Đại Thừa Nghĩa Chương, thì ý nghĩa của Lục Hòa đồng đưa đến sự an lạc, không tạo nên phiền não. Sự bền vững của pháp Lục Hòa luôn phải được thể hiện nơi lòng chí kính. Cho nên, sự thành công để đưa đến an lạc phải có hòa và kính đi đôi với nhau. Vì vậy, pháp Lục Hòa còn gọi là Sáu Pháp Hòa Kính.
2. Duyên khởi về pháp lục hoà
(i) Nguồn gốc
Sáu pháp hòa kính đầu tiên được đức Đạo sư nói ra qua tiêu đề là Lục Trọng Pháp trong Kinh Tăng Nhất A Hàm và Sáu Pháp Ủy Lao trong Kinh Trung A Hàm 52, kinh 196 Châu Na, được đức Đạo sư đem ra dạy cho Tôn giả A Nan và Sa Di Châu Na nhân hai người đến để trình lên chỗ thấy nghe của Sa Di Châu Na về trường hợp thầy trò Ni Kiền Thân Tử, sau khi ông ta mất đi và những cảnh tượng đau lòng giữa các đệ tử của ông xảy ra. Sự phân hóa phát xuất từ những bản ngã cá nhân được bùng nổ từ những ức chế tâm lý đã từng được họ cưu mang thể hiện qua những hành động chống báng nhau, không ai nghe ai. Họ tranh đấu, kiện tụng, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau.
Những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy những cảnh tượng như vậy, họ đều chán nản và lảng xa các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử này. Vì những điều các đệ tử của Thầy họ nói ra đều là ác pháp luật, không phải là pháp giải thoát, không đưa đến Chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Đó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc Thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ, Sa Di Châu Na cùng với Tôn giả A Nan đi đến chỗ Thế Tôn và trình bày sự việc như trên. Nhân đó Phật mới nói pháp Lục Hòa, vì muốn học trò của Ngài luôn luôn phải sống trong vô sự, thể hiện qua sự ái kính hòa nhã lẫn nhau. Sau đó Đức Thế Tôn dạy các đệ tử của mình là: “khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, sống an lạc như lúc Ta còn tại thế.”
Cũng theo kinh Tăng Nhất A Hàm 29, phần Lục Trọng Pháp, đức Đạo sư dạy cho các Tỳ Kheo: “Các ngươi hãy suy niệm sáu trọng pháp, kính trọng, tôn trọng, và ghi nhớ mãi ở trong tâm không cho quên mất.”
Giữa hai bản kinh Trung A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, tuy những dụng ngữ không giống nhau, nhưng về nội dung thì không khác. Qua thời gian, hai bản kinh được đức Đạo sư nói ra là khác nhau, nhưng nội dung ý nghĩa thì đồng nhau trên cương vị đưa hành giả đến chỗ thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đó chính là những yếu tố cần thiết trong một tập thể sống nếu muốn trở nên an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại.
Theo A-tỳ-đạt-ma Thập Dị Môn Túc luận 15, Sáu pháp hòa kính này là Sáu Pháp Khả Hỷ và được Tôn giả Xá-lợi-phất trình bày. Đây là những gì chính Tôn giả đã từng nghe đức Đạo sư dạy, về ý nghĩa không khác với Sáu pháp hòa kính, tuy trên mặt dụng ngữ là có khác về cách sử dụng từ, nhưng nội dung thì giống nhau về việc tu tập ba nghiệp để trở nên thanh tịnh từ vật chất đến tinh thần được kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong việc thể hiện qua cuộc sống tập thể Tăng đoàn, tạo nên an lạc hạnh phúc trong sự đoàn kết, hòa hợp đưa đến nếp sống vô sự an lạc trong giải thoát cuối cùng.
(ii) Tại sao Phật nói pháp lục hoà?
Sự bất hòa là nguyên nhân dẫn đến khiến mọi người phải xa nhau, nếu họ không muốn ở chung với nhau để làm khổ cho nhau. Gia đình không hòa thì cốt nhục chia ly. Xóm làng không hòa thì sanh ra kiện tụng, chém giết lẫn nhau. Quốc gia không hòa thì sanh ra giặc giã, loạn lạc, dân chúng khổ sở. Nếu trong đoàn thể Tăng đoàn không hòa hợp thì sự tu tập không đạt được an lạc giải thoát.
Người đời có câu “dĩ hòa vi quý” nghĩa là lấy hòa làm quý. Sách nho cũng có câu: “thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhơn hòa”. Nghĩa là thời thế thuận không bằng địa thế lợi, địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa. Do đó, chúng ta nhận thấy nhân tâm hòa là một điều hết sức quan trọng.
3. Ý nghĩa và thành phần của pháp lục hoà
(i) Thân hoà đồng trú
Là cùng sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau. Phải chăm sóc, chia sẻ lẫn nhau trong mọi công việc. Không sống theo kiểu cách lập dị, không phách lối quan liêu, biết hoà mình, đồng sự đối với mọi người, không sống đóng khung, cô lập, để rồi gây rạn nứt, sứt mẻ mối thâm giao tình cảm đối với những Pháp lữ đồng môn cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành mối tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau. Như vậy, nguyên tắc này được xem tương ứng với “Đồng sự nhiếp” trong Tứ nhiếp pháp, và cũng là bí quyết cho sự an lạc và hạnh phúc.
Đối với người đi xuất gia thì “tứ hải gia huynh đệ”. Tuy không phải ruột thịt nhưng cùng chung lý tưởng là phụng sự và giải thoát, hay “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Cho nên sống chung trong một chốn Thiền Môn thì không nên chia phe phái, không phân biệt vùng miền Nam - Bắc, hãy luôn thương yêu, chăm sóc, thông cảm và sách tấn nhau trong con đường tấn tu đạo nghiệp. Phải lấy tinh thần hòa hợp làm đầu, không gây đau khổ cho nhau. Nếu sống chung với nhau có sự hòa hợp, vui vẻ thì việc tu tập mới có tiến bộ và mới thật sự đem lại niềm an lạc.
Nếu là anh em, vợ chồng, con cái trong một gia đình, thì phải trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, chứ không được lộn xộn vô trật tự. Trong một gia đình, vợ chồng con cái mỗi người chỉ lo sống riêng cho cá nhân mình, mỗi người sống với một thế giới riêng biệt thì gia đình đó sẽ trở nên lạt lẽo không hạnh phúc, nó đưa đến đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, không còn quan tâm chăm sóc nhau. Nếu gia đình nào áp dụng thân hòa đồng trụ, thì gia đình đó tăng thêm tình thân thiết gắn bó, tạo thành chất keo sơn hạnh phúc thủy chung.
Nếu hàng xóm láng giềng thì cũng cần phải thể hiện tình tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẽ những khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Cho nên người ta thường nói: “bán bà con xa mua láng giềng gần” là vậy.
Đặc biệt đối với những Phật tử, cùng tu tập dưới một đạo tràng, thử hỏi nếu không có sự hòa hợp thì đạo tràng đó sẽ như thế nào? Cho nên là Phật tử thì càng phải lấy hòa khí làm đầu, phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau như con một nhà. Không được tranh dành hơn thua, không tranh dành ăn trên ngồi trước, phải áp dụng tinh thần tự giác, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình, phải biết nhường nhịn trên tinh thần hòa hợp thì sẽ trang nghiêm thanh tịnh, giúp ta dễ dàng thăng hoa trên bước đường tu tập.
“Mỗi người mỗi nước mỗi non
đến khi vào đạo là con một nhà”.
Nếu đồng bào một nước thì phải lấy đoàn kết làm đầu, không gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, dẫn đến cảnh chiến tranh điêu tàn.
Nói chung, mọi người nếu sống cùng nhau trong một đoàn thể, trong một hoàn cảnh, một môi trường thì phải luôn hòa hảo, hòa thuận, biết thông cảm và chia sẻ với nhau.
(ii) Khẩu hoà vô tránh
Muốn thân được hòa hợp thì mỗi người phải tự giữ gìn lời nói ở miệng của mình. Cho nên điều thứ hai của pháp Lục Hòa là miệng hòa hợp không tranh cải. Phải thận trọng và khéo léo trong lời nói, hạn chế mọi sự tranh cãi và luôn tôn trọng, lắng nghe người khác. Đó chính là khuynh hướng mà chúng ta phải noi theo khi thực hiện “khẩu hòa vô tranh”.
Trong giao tiếp hằng ngày chúng ta dùng lời lẽ ôn hoà nhã nhặn để đưa đến hoà hợp không tranh cãi. Đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi bộ: “Hàng đệ tử phải nhớ rằng, trong bất cứ sự duyên nào, ngôn ngữ của chúng ta phải ôn hoà, tự ái không tranh cãi”. Khẩu Hòa Vô Tranh dựa trên lẽ thực, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói những lời thô bạo độc ác. Luôn giữ thái độ hòa khí vui vẻ trong tập thể, để tạo không khí ôn hòa thân thiện tốt đẹp.
Nguyên tắc thứ 2 này có nghĩa là Hoà đồng trên Ngôn luận, luôn dùng lời ái ngữ dễ mến, tạo niềm tin yêu thật sự cho người nghe. Nên sử dụng lời nói thành thật, ngay thẳng, từ ái, không nói lời gây chia rẽ và hận thù mà nói lời mang ý nghĩa xây dựng và hoà giải; không gây rạn nứt, sứt mẻ giữa các mối thâm giao. Không nên dùng lời nói đâm thọc, mỉa mai, ẩu đả nhau, để đưa đến chiến tranh. Với ý nghĩa của Pháp hoà này, chúng ta nên “nói năng như chánh pháp và im lặng như chánh pháp” (Trung bộ kinh, Kinh Thánh cầu). Nguyên tắc thứ 2 này được xem tương ứng với “Ái ngữ nhiếp” trong Tứ nhiếp pháp.
Trong một cộng đồng tu tập, chúng ta không nên vì lợi ích cho cá nhân mà có những lời nói làm xúc não đến những người khác, làm cho người buồn phiền đau khổ. Nếu chúng ta đem đến cho người niềm vui thì ta sẽ có lại một niềm vui khác, bằng ngược lại, ta làm cho người đau khổ thì ta cũng sẽ chịu đau khổ, bởi luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Mặc dù là người có chức quyền như cha mẹ hoặc những người cấp trên như giám đốc…cũng không nên dùng những lời nói thô ác để mạ nhục, phỉ báng người cấp dưới của mình, khiến cho người phải buồn phiền, đau khổ. Phật khi còn tại thế, Ngài cũng dùng lời nặng để quở trách hàng đệ tử của mình, nhưng lời nói của Ngài được phát xuất từ lòng từ bi, muốn đệ tử của mình được tiến bộ. Còn chúng ta thì lời nói phát xuất từ tâm phẫn nộ, sự sân hận, hoặc phát xuất từ sự bảo vệ bản ngã, nên hay khiến người khác đau khổ.
Chúng ta phát xuất ra lời nói ác có 2 lỗi như sau: 1. Làm cho người buồn phiền; 2. Tạo khẩu nghiệp cho chính mình. Do đó, người Phật tử luôn cẩn thận trong mọi lời nói của mình. Bởi đối với người Phật tử thì lời nói là biểu thị của tâm từ. Lời nói phải với ý nghĩa của sự xây dựng, sách tấn cho nhau, cùng nhau dứt trừ điều ác và phát triển điều lành. Nếu có vấn đề thắc mắc, muốn bàn cãi cho ra lẽ, thì cũng phải dùng lời nói ôn hòa để hòa giải mọi sự việc.
Khi sân giận thốt ra lời nói ác cũng như cây đinh đóng vào gốc cây, mặc dù đinh đã rút ra nhưng dấu đinh vẫn còn. Người phát ra lời nói ác, làm buồn người khác, mặc dù đã xin lỗi nhưng cũng để lại một nỗi đau, sự tự ti mặc cảm, hoặc đã làm tổn thương trong lòng người đó. Cho nên người Phật tử cần phải cẩn thận trong mọi lời nói của mình. Phải suy nghĩ kỹ trước khi thốt ra lời nói. Muốn có một lời nói chân chánh thì chúng ta cần phải giữ chánh niệm cho mình. Bởi khi có chánh niệm thì chúng ta sẽ kiểm soát được mọi hành vi của mình, không để xảy ra những điều bất thiện cho ba nghiệp.
Để thực hiện lời nói ái ngữ cần phải hội đủ những yếu tố mà trong kinh ví dụ về Cái Cưa bài kinh 21 trang 277, Trung Bộ 1, Đức Phật đưa ra như sau:
“Nói đúng thời, không nói phi thời,
Nói lời chân thật, không nói lời hư ngụy,
Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo,
Nói lời lợi ích, không nói lời vô ích,
Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nói lời xuất phát từ lòng sân”.
Lời nói chân chánh đóng vài trò quan trọng trong cuộc sống nên ông bà ta khuyên con cháu phải: “uống lưỡi bảy lần trước khi nói”
Đức Phật còn dạy chúng ta: “Chẳng luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo mà tu.” Vậy, phàm những lời nói đúng lý, hợp lẽ, có lợi ích cho toàn thể chúng sinh là chánh ngữ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế.
Đức Phật cũng dạy rõ tầm quan trọng của lời nói trong kinh Pháp cú số 100:
“Dầu nói Ngài ngàn lời
Nhưng không gì ích lợi
Tốt hơn một câu nghĩa
Nghe xong được tịnh lạc”.
Đừng nên nghĩ rằng, mình nói không lại người kia nên chẳng thèm nói. Khẩu hòa ở đây nó được phát xuất từ ý. Ý vui vẻ thì phát ra lời nói cũng vui vẻ. Do đó, điều thứ 3 cần hòa hợp là ý hòa đồng duyệt. Sự tu tập đưa đến thân hoà, miệng hoà vẫn chưa đủ. Vì vậy, từ thân và miệng cần phải phát xuất từ trong tâm của chúng ta đó là ý hòa.
(iii) Ý hoà đồng duyệt
(iii) Ý hoà đồng duyệt
Hoà đồng trên nguyên tắc Ý chí. Trong cộng đồng đệ tử của Đức Phật, sự hoà hợp ý chí, tâm tư và nguyện vọng, được xem là vấn đề hết sức quan trọng. Một khi người ta đã từ bỏ thân thuộc trong gia đình để đi xuất gia, thì còn niềm vui nào hơn là niềm vui đoàn thể Pháp lữ, cùng chia sẻ buồn vui với nhau.
Có biết chăng, bên trong cánh cửa nhà Phật là một thế giới của những con người ngày đêm nỗ lực không ngừng đào luyện tài năng, tô bồi phẩm hạnh để xứng đáng bậc Thầy đưa đường chỉ lối cho trời người. Quay về quá khứ, chúng ta thấy mái chùa, cửa Phật luôn là nơi cưu mang các bậc anh tài, đóng góp công sức trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhìn về lịch sử của các thời đại Đinh – Lê - Lý - Trần thì chúng ta sẽ thấy rõ được điều đó. Nếu không phải là nơi tổ chức có truyền thống giáo dục chặt chẽ thì làm sao Phật giáo Việt Nam ghi được những trang sử vàng son sáng ngời như vậy được. Bởi Phật giáo là cộng đồng tổ chức của những người tỉnh thức, vui sống trong tình thân hữu, không màn đến những vấn đề được mất, hơn thua và họ luôn sống vui với những niềm vui của mọi người, buồn với những cái đau thương của cuộc đời.
Trong chúng ta, mỗi người đều có sự nhìn nhận khác nhau nhưng quan trọng là mục đích đi đến sự thành công chung cho tập thể trong tinh thần tích cực và phát triển. Chúng ta cùng tán thành ý kiến hay của nhau, không sanh tâm ganh tỵ thù hiềm. Phải luôn tôn trọng ý kiến người khác nếu ý kiến của người đó đúng.
Nếu vì sợ uy quyền nên phải hòa, thì cái hòa đó đến một lúc nào đó nó sẽ bùng nổ, dẫn đến bất hòa thì lại càng tệ hại hơn nữa. Phải biết thông cảm và nghĩ những điều tốt đẹp về nhau, không sanh tâm đố kỵ. Có những người hòa chứ không hợp. Nghĩa là bằng mặt chứ không bằng lòng, và khi có một chuyện gì không thích nhau thì họ sẵn sàng tranh đấu nhau đến mức cuối cùng. Một khi sự xung đột bên trong đã đến một mức độ không thể chịu đựng được nữa thì nó sẽ phát ra qua hành động và lời nói.
Ý của con người quan trọng hơn cả. Nếu ý thanh tịnh thì phát ra lời nói, cử chỉ, hành động thanh tịnh, hợp với chánh pháp. Nếu ý nhiễm ô thì phát ra lời nói, hành động cũng thế. Cho nên người Phật tử phải luôn giữ chánh niệm. Phải lấy ý của tất cả mọi người làm ý của mình.
Muốn sống hòa hợp với nhau thì mọi người tự hạ bản ngã của mình xuống một chút, để tiếp nhận những điều hay ý tốt từ những người khác. Nếu người nào tự xem trọng bản ngã của mình quá, thì họ sẽ không bao giờ tiếp thu ý kiến của người khác, bởi lúc nào họ cũng thấy mình là đúng, là trên hết. Những người như thế thì họ khó hoàn thiện được chính mình.
Chúng ta cần nên thực hiện tinh thần là “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.” Nếu biết lắng nghe tiếng nói từ đại chúng thì chúng ta sẽ nhanh hoàn thiện mình hơn. Bởi trong mọi người ai cũng có điều tốt, hãy lấy điều tốt của mọi người để học hỏi thì điều tốt đó sẽ trở thành điều tốt của mình.
Muốn được tâm ý hòa hiệp thì phải tu hạnh hỷ xả. Hỷ xả nghĩa là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lỗi lầm của người khác. Khi có cảm thông tha thứ thì mới có sự hòa hợp được tâm ý, được như thế thì tâm hồn của chúng ta mới thư thái, vui vẻ.
(iv) Kiến hoà đồng giải
Kiến chính là kiến thức của sự học hỏi. Nghĩa là đem những điều thấy biết của mình ra san sẻ và cảm thông với nhau. Sống chung với nhau, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điều gì, thì nên giải bày cho người khác hiểu. Hãy cùng nhau tìm ra những phương hướng giải quyết để đi đến sự tốt đẹp. Vốn liếng tri thức là tài sản của mỗi cá nhân, thì đối với việc chia sẻ kiến thức tất nhiên không phải ai cũng có thể đồng ý. Tuy nhiên, Ở đây chúng ta nên hiểu rằng, giá trị chân thật của đời sống tập thể không nằm ở kiến thức và lợi ích riêng cho bản thân mình mà là sự chia xẻ trong tinh thần hòa hợp.
Kiến hòa đồng giải tức hoà đồng trên sự nhận thức, không những nâng đỡ nhau về đời sống vật chất mà còn giúp nhau trong cuộc sống tinh thần về tri thức, tri kiến và hiểu biết. Đạo Phật được nhìn nhận là đạo của trí tuệ và từ bi; chính vì vậy mà ngay cả Đức Phật, Ngài cũng không độc quyền chân lý giác ngộ mà Ngài dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”; thành Phật trước hoặc thành Phật sau đều cùng một ý nghĩa là giác ngộ chân lý, thoát ly mọi hệ lụy khổ đau của cuộc đời.
Phật tử nên chỉ dạy cho nhau cùng hiểu biết kinh luật nhà Phật; người hiểu biết trước có bổn phận chỉ vẽ cho người sau cùng lãnh hội. Chia sẻ cho nhau để cùng nhau tu tập. Đóng góp, xây dựng cho nhau về những cách nghĩ, cách làm… Tất cả đều phải được đặt trên nền tảng của chánh kiến. Thấy biết như vậy thì trình độ mới không chênh lệch.
Đối với người Phật tử tu tập trong một đạo tràng, khi hiểu biết được điều gì từ quý Thầy Cô giảng dạy thì cũng phải chia sẻ với mọi người để cùng biết, cùng hiểu và cùng nhau tu tâp. Không ích kỷ hẹp hòi ôm cái kiến giải của mình làm tài sản riêng tư. Nếu không giải bày cho nhau hiểu thì ta là một người ích kỷ. Lại còn tạo ra sự tắt nghẽn giữa kiến thức và giữa sự thông cảm với những người khác. Tạo ra sự bất hòa, chia rẽ, xung đột lẫn nhau, dẫn đến mỗi người sẽ thấy, sẽ nghĩ mỗi cách khác nhau. Do đó, gây nên sự hoang mang, nghi ngờ trong đoàn thể, tạo ra sự bất hòa, và mọi người không biết tin vào ai.
Trong một tập thể hay quốc gia, mọi người cùng hài hòa sẵn sàng chia xẻ những kinh nghiệm, chia xẻ những nhận thức, những khám phá mới thì xã hội mới mau phát triển, mau cường thịnh. Nhờ vào Kiến hòa đồng giải mà mỗi người thấy rõ nhược điểm của mình cần cố gắng, thấy rõ sự tiến bộ của mình cần phát triển. Nếu ý kiến bất đồng, không chịu tương kính hòa giải với nhau thì sẽ xảy ra nhiều chuyện khó khăn và làm trở ngại mọi vấn đề, đưa đến bế tắt và suy vong.
(v) Giới hoà đồng tu
Chúng ta cũng biết, bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào cũng đều có những kỷ cương, luật pháp của nó. Trong đó, Phật giáo là một tổ chức cộng đồng có một nền giới luật chặt chẽ và nghiêm minh, nhưng có một tính chất ưu việt hơn các tổ chức xã hội cũng như Tôn giáo khác là Giới luật không xem như là một Giáo luật hay Tín điều đầy uy quyền do một đấng tối cao nào, hoặc cơ quan chuyên chế pháp định nào đó ban hành, mà nó được xem là một phương pháp của cộng đồng đệ tử của Đức Phật, và chính những phương pháp này giúp họ bài trừ những phiền não tập khí xấu, tu tập chuyển hóa để đạt đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc.
Thời Đức Phật còn tại thế, sự kiết giới và chế định luật nghi, Ngài không áp đặt, mà là dựa trên nguyên tắc “Tuỳ phạm tuỳ kiết”, nghĩa là trong thực tế những sự kiện nào đã gây ra sự bất ổn, bất hạnh cho cá nhân và cộng đồng thì Đức Phật dựa vào đó mà chế định ra Giới luật. Do đó, Giới luật được xem là hàng rào, là thành luỹ bảo vệ an toàn cho cuộc sống phạm hạnh, cuộc sống đầy thánh thiện, giúp cho mọi người Phật tử Tại gia cũng như Xuất gia chuyển hoá phiền não, khổ đau để thoát ly mọi hệ lụy của tham lam, sân hận, si mê,… hướng đến thanh tịnh, từ bi và trí giác. Vì vậy, mọi người đệ tử của Đức Phật phải giữ gìn cẩn thận, xem đó như con thuyền vượt bể khổ trần gian nhắm bờ giải thoát để tiến đến.
Giới luật Phật giáo còn là hàng rào bảo vệ an toàn phẩm hạnh nhân cách, ngăn ngừa điều sai trái, dứt trừ điều xấu xa (phòng phi chỉ ác). Hơn nữa, Giới luật của Phật giáo chính là nền tảng luân lý, đạo đức; ngoài việc thánh thiện hoá cho cá nhân ra, còn được xem là những nguyên tắc thăng hoa cho cộng đồng xã hội. Theo tinh thần Duyên sinh vô ngã, Phật giáo cho rằng, cá nhân không thể tách rời cộng đồng, và cộng đồng không ngoài cá nhân; vì vậy, sự trong sạch tư cách của cá nhân chính là sự thăng hoa và thịnh vượng của cộng đồng tổ chức.
Đứng về mặt khác mà nói, thì “Giới” không chỉ là giới luật của người xuất gia, mà có thể được hiểu rộng hơn như là mọi khuôn thước, chuẩn mực mà những người trong một gia đình hay tập thể phải tuân theo.
Trong bất cứ một tổ chức đoàn thể nào cũng đều có những quy luật, kỷ cương riêng của tổ chức đoàn thể đó. Nếu sống mà không tuân thủ những quy luật của tổ chức đoàn thể đó đưa ra, mạnh ai nấy sống, không ai nghe lời của ai, thì đoàn thể đó có vững mạnh đến đâu thì trong một thời gian ngắn nó cũng sẽ tan rã. Phật giáo cũng không ngoại lệ. Hàng đệ tử Phật, đã cùng sống chung trong một đoàn thể tu hành, cùng lãnh thọ giới pháp như nhau, thì phải cùng nhau hành trì.
Khi chúng ta giữ giới chính là đem lại sự thanh tịnh cho mình và cho người khác. Giới luật của Phật chế ra mặc dù có nhiều cấp bậc khác nhau, nhưng tựu chung là mục đích đem đến sự an lạc thanh tịnh cho Tăng đoàn. Mọi người tùy theo cấp bậc giới phẩm của mình mà cùng nhau tuân thủ và cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra. Phải tôn trọng những giới pháp đã lãnh thọ.
Giữ giới vừa tăng trưởng thiện pháp cho mình mà cũng vừa giữ sự thanh tịnh, an lạc cho những người khác. Nếu trong cùng một cấp bậc tu hành như nhau mà người giữ giới, người không giữ giới thì sẽ tạo nên một đoàn thể bất an, không thanh tịnh, không hòa hợp, sẽ tạo nên sự xung đột trong đại chúng. Đức Phật dạy: “Khi những Phật tử đã chung sống với nhau, phải cùng giữ những giới luật như nhau, giữ đúng giới luật của cấp bậc mình.”
Tóm lại: Trong một đoàn thể, dù đạo hay đời, nếu không cùng nhau giữ gìn giới điều, kỷ luật, quy tắc chung của đoàn thể, thì chúng ta sẽ không bao giờ sống chung với nhau được. Vì vậy, người Phật tử muốn hòa hợp để cùng nhau tu tập, thì mỗi người cần phải giữ gìn giới luật như nhau.
(vi) Lợi hoà đồng quân
Hoà đồng trên nguyên tắc Quyền lợi. Với những Pháp lữ đồng tu trong một cộng đồng đệ tử Đức Phật, thì mọi quyền lợi từ vật chất cũng như tinh thần đều cùng nhau san sẻ đồng đều với nhau; biết nhường nhịn, không so đo, tính toán; không ganh ghét đố kỵ, thù hiềm tranh quyền đoạt lợi. Bởi Tất cả những đồ vật của người tu hành đang sử dụng phần nhiều đều từ sự hỷ cúng của đàn na thí chủ. Cho nên khi mọi người nhận được bất cứ tài vật gì thì nên chia đều cho nhau. Không được lạm dụng của chung. Không được sanh lòng chiếm riêng cho mình hay phần nhiều về mình. Không vì tình riêng mà phân chia kẻ ít người nhiều, kẻ tốt người xấu. Phải lấy sự công bằng làm trọng.
Phương pháp này đối với người đời thì không thể đem tất cả tài sản để chia đều cho nhau, bởi mỗi người đều bỏ công sức tùy theo sự nhiều ít của mình để có được quyền lợi trong cuộc sống. Nhưng Lợi hòa đồng quân chúng ta được hiểu ở đây là nếu mọi người cùng ở trong một đoàn thể hay một công ty, nếu trong việc kinh doanh thu được lợi nhuận thì nên chia đều cho nhau, bởi ai cũng có đóng góp công sức vào trong đó. Không nên thấy mình có thế rồi không chia quyền lợi cho mọi người mà tự hưởng riêng một mình mình. Như thế thì sẽ tạo nên sự bất bình trong đoàn thể và cũng sẽ gây ra vấn đề tranh cãi. Cho nên trong quá trình làm việc chúng ta phải biết san sẻ trong mọi khó khăn cũng như trong các vấn đề quyền lợi.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta được hiểu lợi hòa đồng quân là mọi người phải biết san sẻ cùng nhau trong mọi khó khăn của cuộc sống. Nếu mình có một bát cơm để ăn thì mình cũng nên tạo cho người khác có một bát cháo để họ đỡ lòng mà sống qua ngày. Chúng ta thấy miền Trung hay bị nhiều thiên tai lũ lụt khiến cho người dân nơi ấy mặc dù họ có cố gắng đến đâu cuối cùng cũng không có cơm để ăn trong những ngày bão lụt đang hoành hành người dân nơi ấy. Lúc này sự giúp đỡ, chia cơm sẻ áo là điều rất quan trọng và rất cần thiết. Bởi người dân Việt Nam chúng ta có những câu ca dao tục ngữ rất hay là “lá lành đùm lá rách, hoặc lá rách đùm lá nát”…Đây cũng chính là thể hiện được tinh thần Lục Hòa trong Phật giáo rồi.
4. Lợi ích khi thực hành pháp lục hoà
Chúng ta thấy Tinh Thần Lục Hòa trong Phật giáo không phải chỉ áp dụng đối với người tu học giải thoát, mà nó còn đem lại không biết bao nhiêu lợi lạc cho quốc gia, cho xã hội loài người.
Từ hơn 25 thế kỷ qua, Lục hòa kính vẫn luôn là khuôn thước của người xuất gia, giúp cho đời sống trong Tăng đoàn luôn duy trì được sự hòa hợp, an vui. Hàng Tăng sĩ dù bất cứ ở thời đại nào đi nữa thì cũng cảm nhận rằng, đó không phải là một nguyên tắc khô khan cứng ngắt, mà là một lẽ sống, một lối sống đẹp, có tình có lý. Thời đức Phật còn tại thế, nếu không áp dụng pháp Lục Hòa kính thì Tăng đoàn không thể nào ổn định trật tự và đi vào nề nếp một cách thuận hợp, khi mà sự phân biệt giai cấp vốn là một tập quán (hay định chế) trong xã hội Ấn-độ thời bấy giờ.
Đối với tập thể Tăng già trong thời đức Phật khi còn tại thế, Ngài không dùng uy quyền thống trị, không dùng quyền lợi cám dỗ và cũng không dùng ân sủng thưởng ban, nhưng có mấy vạn Tăng Ni sống từng tập thể hòa hợp khắp nơi trên Ấn Độ. Mặc dù có nhiều người của nhiều giai cấp cùng sống chung với nhau, từ giai cấp thấp hèn là người thợ cắt tóc bần cùng như ngài Ưu Ba Ly hay hàng Bà La Môn hoặc hàng vua chúa quý tộc như Ngài Xá Lợi Phất hay Ngài Ca Diếp, Ngài A Nan… nhưng mọi người cũng có thể cùng sống chung với nhau và tu tập đạt đến chứng các địa vị thánh quả, tất cả cũng đều nhờ áp dụng tinh thần Lục Hòa này mà có được.
Không chỉ là như thế, nếu chúng ta biết vận dụng Lục hòa kính một cách thích hợp vào đời sống thường ngày, chắc chắn cũng sẽ đạt được sự hòa hợp với tất cả mọi người quanh ta. Trong lịch sử Việt Nam thời Lý, Trần; từ Vua, quan cho đến toàn dân cùng đồng lòng, hòa hợp, biết hy sinh cá nhân, đoàn kết mới tạo thành sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm, tạo thành trang sử oai hùng của dân tộc Việt.
Nếu đem pháp Lục Hòa này áp dụng trong quá trình sinh hoạt Giáo hội thì chắc chắn công tác Phật sự thành công tốt đẹp. Và sự đóng góp của Giáo hội cho dân tộc mới thật sự mỹ mãn. Bởi Phật giáo không đi trước dân tộc, không đi sau dân tộc, không đi một bên dân tộc, mà Phật giáo chính thức đi giữa lòng dân tộc. Lịch sử cho thấy, Phật giáo không bao giờ đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc. Bởi vì:
“Việt Nam mình, Phật giáo mình
Tuy hai mà một ân tình sắc son.”
Đối với Phật giáo, bên trong luôn lấy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, giải thoát làm cơ sở; bên ngoài lấy tinh thần phụng sự, góp phần xây dựng xã hội bằng những hình thức hoằng pháp, từ thiện, xây dựng nhân tâm làm mục tiêu hoạt động. Do đó, dân tộc Việt Nam luôn trân trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa Phật giáo đã có như ý nghĩa “mái chùa che chở hồn dân tộc”. Trong một quốc gia, nếu áp dụng được 6 pháp hòa kính như trên, nghĩa là cùng chung sống trong một đất nước, chúng ta phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau gìn giữ quê hương đất nước.
Mọi người nên khích lệ nhau giữ gìn pháp luật hiện hành, khuyến hóa nhau tu tập, bồi dưỡng đạo đức. Biết cùng nhau học hỏi, nâng cao trình độ văn hóa, mở rộng kiến thức. Người giàu phải biết giúp đỡ, sẻ chia với những người nghèo khó. Nếu đất nước biết áp dụng được 6 pháp hòa kính này thì chắc chắn sẽ xây dựng nên một quốc gia an bình, thịnh trị.
Đối với người Phật tử, nếu áp dụng đúng pháp Lục Hòa, thì sự tu hành mau được tiến bộ, con đường giải thoát gần hơn, và cảnh giới Cực Lạc không phải chỉ là một ước vọng. Đối với gia đình, mọi người không thể có hạnh phúc riêng cho mình nếu mỗi người không biết cùng nhau tạo ra một môi trường sống hòa hợp và gắn bó.
Với tầm quan trọng đó, việc giáo dục Lục hòa vào đời sống của mọi tầng lớp kể cả trường học là rất cần thiết, bởi Lục hòa đóng vai trò rất quan trọng cho việc giáo dục đạo đức nhân cách của mỗi con người, giải quyết vấn đề xung đột cấp bách của xã hội và đặc biệt là nạn bạo lực học đường đang diễn ra hằng ngày trong thế hệ trẻ ngày nay.
C. KẾT LUẬN
Phật giáo có chiều dài lịch sử của sự hình thành và phát triển. Khi truyền đến Việt Nam, qua bao thăng trầm của lịch sử đã xuất hiện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với phương châm “đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội, hoằng pháp lợi sanh, thực hiện phương châm đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội.” Đã góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và khẳng định giá trị của Phật giáo trong lòng dân tộc.
Mỗi người con Phật cần áp dụng tinh thần Lục Hòa vào ý thức hoạt động chung cho Giáo hội và lấy sự tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm làm sự nghiệp của chính bản thân mình. Cùng nhau lấy sứ mạng hoằng dương chánh pháp để xây dựng và phát triển Giáo hội. Thiết nghĩ, đó cũng là nhiệm vụ không quá xa vời khi chúng ta cố gắng và kiên trì. Mong mỗi người Phật tử hãy cùng nhau áp dụng tinh thần Lục Hòa một cách triệt để, để đem lại lợi ích, hạnh phúc an lạc cho chính mình và cho mọi người.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội được an lành, do đó tinh thần Lục Hòa không thể thiếu đối với mọi người dân sống trong một xã hội.
Nhìn chung, tinh thần Lục hoà là bí quyết của hành vi ứng xử cao thượng của mọi cá nhân, là một nếp sống đẹp để xây dựng đời sống cộng đồng. Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này không chỉ riêng áp dụng trong Thiền Môn, mà nó thích ứng trong mọi gia đình, học đường và bất cứ hoạt động tổ chức xã hội nào. Do đó, pháp Lục Hòa không thể thiếu đối với những con người muốn xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp.
“Hòa là sức mạnh vô song
Nương đây mọi việc thành công khó gì
Lục hòa yếu tố nhớ ghi
Đây là nền tảng dựng xây hòa bình”.
Sáu điều dạy trên nếu chúng ta thực hành một cách triệt để thì trong một gia đình, cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể đều được hòa thuận, yên vui, hạnh phúc và đặc biệt đối với nếp sống Tăng đoàn ngày càng thăng hoa trên lộ trình giải thoát. Hòa hợp có 2 nghĩa:
1. Sự hòa hợp: Nêu cao trách nhiệm nếp sống Tăng già phải cụ túc lục hòa kỉnh pháp. Đây là giai đoạn tu tập trước tiên và căn bản để thành tựu kiến đạo vị. Nói cách khác, nhân cách của nếp sống Tăng đoàn bắt nguồn từ lục hòa kính pháp.
2. Lý hòa hợp: Tức là đồng chứng đắc lý chơn như, có thể nói một người luôn sống đúng theo pháp Lục Hòa, không bao giờ làm phiền kẻ khác, người đó đã thành tựu trọn vẹn giới đức, tâm đức, và hạnh đức. Đức Phật dạy: “Nơi nào có lục hòa là nơi đó có những vị Bồ Tát sống, tuỳ duyên hoá độ chúng sanh, hướng dẫn họ thăng hoa trên lộ trình giác ngộ”. Nên nói, có Lục Hòa là có giải thoát Niết Bàn, có Lục Hòa thì không còn bóng dáng của phiền não đấu tranh.
Lục hoà là sáu yếu tố xây dựng Tăng đoàn, là thành tố hữu cơ dùng để bồi dưỡng cho cây cổ thụ Tăng đoàn phát triển.
Một xã hội lấy Lục Hòa làm chuẩn mực, thước đo cho đời sống thì xã hội hoàng kim, là chất keo tốt nhất gắn bó sự đoàn kết hòa hợp trong tập thể, là mô hình kiểu mẫu cho bất cứ một tổ chức nào muốn tồn tại vững mạnh.
Phật giáo Việt Nam với khẩu hiệu: “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”. Phát huy truyền thống đó, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa Đạo Pháp và Dân Tộc, góp phần xây dựng một đất nước thạnh trị, thế giới hòa bình an lạc, đoàn kết từ ý chí đến hành động, việc làm.
“Thân hòa đồng nghiệp ở chung
Khẩu hòa đạo lý chuyên cùng đổi trao
Ý hòa hoan hỷ trước sau
Giới hòa gìn giữ Tăng đoàn nghiêm minh
Kiến hòa vì pháp lợi sinh
Lợi hòa thảo thuận bạn lành sớt chia”.