Thập Thiện Nghiệp

A. DẪN NHẬP

Tất cả những kinh điển của Phật giáo đều gọi là Khế Kinh, tức là khế lý, khế cơ và khế thời. Nghĩa là những điều Phật nói ra đều khế hợp với chân lý, ứng hợp với nhân duyên, căn cơ của mỗi chúng sanh mà nói, khiến cho tất cả đều được giác ngộ.


Ảnh: Internet.

Đức Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng sanh tạo nghiệp mà phải chịu quả báo đau khổ. Ngài tùy theo căn cơ và nghiệp thức của chúng sanh mà nói pháp. Và giáo pháp mà đức Phật cần nói cho hàng Long Vương đây chính là giáo lý Thập Thiện Nghiệp Đạo. Tuy nhiên, đây không chỉ là giáo lý dành riêng cho chúng sanh ở dưới Long Cung mà dành cho tất cả những ai muốn tu tập chuyển hóa từ phàm phu tiến dần lên Thánh quả. Bởi chính Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả pháp lành của thế gian và xuất thế gian.

Nếu muốn được làm người thì phải chuyên giữ năm giới. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến xa hơn một bực nữa, là gắng tu Thập Thiện Nghiệp, thì sẽ hưởng được cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau sẽ sanh lên sáu từng Trời cõi Dục, hưởng cảnh vui thú, an nhàn.


Nếu muốn vượt khỏi ba cõi thế gian, để chứng quả Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), ta phải tu tập Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên và Lục Ðộ. Tuy nhiên, muốn tu tập trọn vẹn các pháp môn này thì cũng không thể bỏ qua Thập Thiện Nghiệp. Bởi vì Thập Thiện Nghiệp như là nấc thang quan trọng, là cơ sở căn bản, hạ tầng vững chắc nhất, để xây dựng lâu đài cao lớn lên trên. Vì lẽ đó, nên nói Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian vậy.


B. NỘI DUNG
1. Ðịnh Nghĩa

“Thập Thiện Nghiệp” là 10 nghiệp lành.

Thập là mười; Thiện là lành, là khéo.

Nghiệp: Người Trung Hoa dịch từ chữ Phạn Karma mà ra. Có nghĩa là hành vi, hành động có tác ý, nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, là sự chuyển dịch từ thân, khẩu, ý của chúng ta. Nghiệp có thể chia ra ba tánh cách: lành, dữ, hoặc không lành không dữ (vô ký).

Theo đạo Phật, Nghiệp Lành nghĩa là những hành động, việc làm đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Nghiệp Dữ, nghĩa là những hành động, việc làm đem lại đau khổ cho mình và người trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Đạo là con đường, cũng có nghĩa là thông suốt.

Thập Thiện Nghiệp Đạo là con đường để đi đến thực hiện 10 điều lành. Đây là một con đường bằng phẳng, sáng suốt. Nếu ai đi trên con đường Thập Thiện Nghiệp này thì chắc chắn, gần thì đến được lạc quả nhân thiên, xa thì đến được Thánh quả Tam Thừa. Cho nên gọi là Thập Thiện Nghiệp Đạo.

2. Nguồn gốc của Kinh

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này đức Phật nói ở cung rồng Ta Kiệt La cho vua rồng và các loại binh tôm tướng cá, những chúng sanh ở Long cung nghe. Kinh được chép bằng Phạm văn. Đời nhà Đường, Ngài Thật Xoa Nan Đà ở nước Vu Điền dịch ra văn Trung Hoa. Đồng thời, cũng có Ngài Nghĩa Tịnh Tam tạng Pháp sư dịch Kinh này và lấy tên là Thuyết Hải Long Cung Đại Tạng Kinh. Do đó ta có thể tin Kinh này đối với lịch sử đúng sự thật do Phạm văn dịch ra.

3. Hành tướng và Ý Nghĩa của 10 Nghiệp Lành

Nghiệp từ thân, miệng, ý của chúng ta tạo nên. Được chia làm 3 phần;

a) Thân có ba: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

b) Khẩu có bốn: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác.

c) Ý có ba: Không tham lam, không giận hờn, không si mê.

(i) Không sát sinh

Không có sự vui mừng nào hơn sự vui mừng khỏi bị giết. Cũng chẳng có ân huệ nào hơn ân huệ không hại mạng. Vấn đề chúng ta cần đề cập đến trước tiên là không giết hại con người, rồi đến không giết hại các loài vật.

Người đời thường có tư tưởng để bào chữa cho mình nên thường hay nói “vật dưỡng nhơn”. Nhưng thật ra chúng sanh cũng là một mạng sống, và ai ai cũng đều tham sống sợ chết. Nếu mình yêu mến, quý chuộng mạng sống của mình thì cũng đừng nên giết hại mạng sống của kẻ khác.

Không sát sanh cũng như không ăn thịt chúng sanh thì tránh được hai tội lớn sau đây:

a) Tránh giết hại các bực vị lai Phật. Vì Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều là chư Phật vị lai”.

b) Tránh giết lầm bà con nhiều đời, nhiều kiếp của chúng ta. Bởi vì trong kinh Bồ Tát giới có nói: “Tất cả lục đạo chúng sinh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta trong nhiều đời nhiều kiếp về trước”.

Chúng ta không những không sát sanh mà còn phải phóng sanh. Bởi vì không sát sanh chỉ là dừng điều ác, và cần phải tiến lên một bước nữa là phóng sanh, nghĩa là chúng ta đang tu tập trưởng dưỡng điều thiện. Người hằng ngày không sát sanh thì nuôi dưỡng thêm lòng từ bi, tăng trưởng pháp lành để tu tiến trên đường đạo. Chúng ta hãy tìm niềm cảm thông với tất cả mọi loài bằng hành động không sát sinh. Không sát sinh là để gieo trồng hạt giống từ bi và phát triển tâm từ bi đến với muôn loài chúng sinh từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ.

(ii) Không trộm cướp


Không trộm cướp là không lấy những vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình, hoặc vật của người người ta không cho mình. Cổ nhân có câu: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Nghĩa là: người sống không có nghĩa thì không giao tiếp, vật phi nghĩa thì không lấy giữ.

Mạng sống là quý trọng, nhưng nếu có mạng sống mà không có đủ vật thực, áo quần, nhà cửa, những thứ cần thiết để cung cấp cho thân mạng, thì con người không thể sống được. Vì thế, mọi người đều thấy mình cần phải nỗ lực làm việc, để có tài sản đủ bảo đảm cho đời sống hiện tại và tương lai của mình. Người bị tướt đoạt mất tài sản, thì người ta cũng đau khổ, buồn phiền như chính mình bị mất một phần sanh mạng. Tiền của là huyết mạch, cho nên khi bị trộm cướp hết của cải, nhiều người đã thất vọng, buồn phiền đến sinh đau ốm, có khi đến quyên sinh. Như vậy, ai nỡ lòng nào trộm cướp tài vật của người khác cho đành! 
Vả lại, theo lẽ công bằng, mình không muốn ai lấy của mình, thì mình đừng lấy của ai. Việc gì mình không muốn người làm đau khổ cho mình, thì mình cũng đừng làm đau khổ cho người. Xã hội chỉ tồn tại được, khi mọi người đều tôn trọng lẽ công bằng. Của phi nghĩa, thường vào cửa trước ra ngõ sau, tiêu hao mau lẹ, mà còn lại bị người đời khinh khi, phỉ nhổ, xấu hổ cho mình và con cháu về sau.

Trái lại, người không trộm cướp lòng dạ được thảnh thơi, không sợ luật pháp truy tầm, chẳng lo ai thù oán. Một xã hội không có trộm cướp, thì nhà nhà khỏi đóng cửa, của đánh rơi không mất, xã hội được thái bình an lạc.

Không những không trộm cướp mà chúng ta cần phải thực hành hạnh bố thí để xả bớt lòng tham. Khi đem tài vật của mình đến để giúp đỡ người khác là chúng ta có cơ hội để thực hành hạnh xả ly, và đồng thời cũng tăng trưởng lòng từ bi, biết thương yêu giúp đỡ, san sẻ với những người nghèo khó.

(iii) Không tà dâm

Đức Phật dạy: "Tại gia ngũ giới duy chế tà dâm, xuất gia thập giới toàn đoạn dâm dật". Đối với hàng Phật tử tại gia thì Phật chỉ cấm tà dâm, nghĩa là đối với một vợ một chồng có kết hôn hợp pháp thì được phép, không được lang chạ làm mất hạnh phúc gia đình. Giữ giới tà dâm tránh được hai việc, là giữ được hạnh phúc gia đình của mình và không làm mất hạnh phúc, niềm tin của gia đình người khác. Không được dâm dục để rèn luyện đạo đức của chính bản thân mình, đồng thời đem lại hạnh phúc cho gia đình, xã hội được an vui. Con cái cũng hãnh diện với đạo đức của những bậc cha mẹ biết giữ gìn tiết hạnh và hạnh phúc cho gia đình mình.

Ai cũng muốn giữ hạnh phúc gia đình của mình được trọn vẹn thì đừng nên phá hoại sự hạnh phúc gia đình của người. Người giữ giới tà dâm thì gia đình được hạnh phúc, làm ăn tấn phát, sự nghiệp vững bền, bà con đôi bên vui vẻ, dòng họ hai phía thơm lây, xóm giềng vừa lòng, làng nước quí chuộng.

Còn đối với hàng xuất gia đi trên con đường giải thoát, thì Phật hoàn toàn cấm tuyệt dâm dật. Bởi vì dâm dật là cái nhân sanh tử luân hồi. Nó là ma chướng làm ngăn trở bước đường tu hành giải thoát. Do đó, người xuất gia muốn chứng quả, thành đạo, phải đoạn trừ dâm dật ở thân cũng như ở tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lòng dâm không trừ thì không thể ra khỏi trần lao”.

(iv) Không nói dối


Không nói dối là nghĩ thế nào nói thế ấy, trong lòng và lời nói không trái nhau, việc phải thì nói phải, việc quấy thì nói quấy, việc có thì nói có, chuyện không thì nói không. Nói dối, chỉ trong trường hợp để cứu khổ độ nguy cho người và vật mới không phạm tội.

Để tôn trọng sự thật, xây dựng niềm tin trong mối quan hệ của cuộc sống, đồng thời tạo cơ sở chính xác cho niềm tin tuyệt đối, chúng ta cần thực hành theo lời dạy của các bậc cổ nhân:Một lời nói chân thật, thì được muôn người tin dùng. Một lời nói không chân thật, thì muôn việc không thành.”

Nếu nói dối để lừa phỉnh chơi, thì nó làm cho ta quen với thói xấu ấy, và làm cho người chung quanh không tin ở lời nói của ta nữa, dù đôi khi ta nói thật. Nói dối vì sợ hãi, khiếp nhược, lại càng nên tránh, vì nó làm cho ta quen tánh che giấu tội lỗi, và không chịu sửa chữa. Nếu người học Ðạo, nói dối rằng mình đã chứng Thánh quả hay đắc đạo để cho người kính phục, sùng bái mình, thì sẽ mắc tội đại vọng ngữ, bị đọa vào ba đường ác.

Là Phật tử, chúng ta không nói dối mà còn phải nói lời từ ái, hòa nhã khiến cho mọi người được vui vẻ, hòa thuận với nhau.

(v) Không nói thêu dệt

Không nói thêu dệt, nghĩa là không trau chuốt lời nói, không thêu hoa, dệt gấm, không ngọt ngào đường mật, để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ người làm những điều sái quấy. Chúng ta cần thực hành hạnh không ly gián nhằm tạo sự đoàn kết, hòa hợp các phần tử trong gia đình và xã hội với nhau.

Những kẻ nói lời thêu dệt là những kẻ có lòng dạ bất chính, lợi dụng lòng dễ tin của người để trục lợi. Những người này thường bị người đời chê cười, khinh rẻ và tránh xa. Cho nên, người Phật tử cần phải nói lời chân thật, đúng đắn, hợp với lẽ phải.

(vi) Không nói lưỡi hai chiều

Không nói lưỡi hai chiều, hay nói hai lưỡi, nghĩa là không đến bên này nói xấu bên kia, không đến bên kia nói xấu bên này; không đem chuyện người này ra dèm pha, mà cũng không đem chuyện người nọ ra nhạo báng; không làm cho đôi bên sân hận đấu tranh, cũng không đứng trung gian gây ác cảm cho hai đàng thù oán.

Người không nói hai lưỡi là người không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để làm cho những kẻ thân thành thù, gần thành xa. Người không nói hai lưỡi, không khi nào có chuyện lôi thôi với bà con, và cũng không có việc phiền muộn với hàng xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa người gần kính mến.

Chúng ta nên nói những lời êm ái hòa thuận, làm cho bạn bè thêm kính trọng nhau, bà con thêm tin yêu nhau, khiến cho ai ai cũng vui vẻ với nhau. Những người ấy đi đến đâu cũng được tiếp đãi tử tế, gặp việc gì khó cũng dàn xếp được dễ dàng.

(vii) Không nói lời hung ác

Không nói hung ác là không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn, thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, đau buồn v.v… Không nên chưởi rủa người, dù là bậc trên trước, có quyền thế, như ông bà, cha mẹ cũng không nên ỷ vào quyền thế để mắng chưởi con cháu, dù người đó có lầm lỗi, cũng nên dùng lời dịu dàng, chỉ dạy cho người ta thấy những lỗi lầm để sửa chữa.

Người không nói lời hung ác, chẳng hề bươi móc việc không hay của ai, mà trái lại, ưa bày những điều tốt đẹp của kẻ khác. Lời lẽ của họ thốt ra dịu dàng, thanh nhã, hiền hậu, toàn là lời đạo đức, từ bi, lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ai nghe cũng hân hoan, kính trọng.

Người không nói lời hung ác thì lời nói của người ấy lúc nào cũng khôn khéo, đúng lý và lợi ích. Khi họ nói điều gì, ai cũng nghe theo và tin cậy. Nói ra lời nào cũng không ai chỉ trích mà còn được mến yêu.

(viii) Không tham muốn
 
Ở đời, có 5 món dục lạc mà người ta thường tham muốn nhất là: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Ngũ trần dục lạc ấy thật ra vui ít khổ nhiều. Kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy: “Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao.” Như tham tiền của thì phải đày đọa thân mạng, đôi khi còn dùng những phương tiện bất chính, để thâu lợi về mình. Tham sắc thì hao tốn tiền của, lại mất sức khỏe và hao tổn tinh thần. Tham danh vọng, quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao tâm khổ trí, đôi khi lại còn làm trò cười cho người chung quanh. Tham ăn uống cao lương mỹ vị, thì bị nhiều bịnh khó trị, thân thể mệt nhọc, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ, thì trí não hóa đần độn, tối tăm.

Ngũ dục lạc chính là những nguyên nhân chính ràng buộc kiếp người vào vòng sanh tử Luân hồi, sa đọa. Trong kinh Di Giáo đức Phật có dạy: “Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng, du vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử Thiên đường diệc bất xứng ý.” Người không tham muốn là người biết tu hành Thiểu Dục và Tri Túc. Thiểu Dục là ít muốn; Tri Túc là biết đủ. Người Thiểu Dục, Tri Túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an lạc.

(ix) Không giận hờn

Giận hờn là một tánh xấu, rất tai hại. Cho nên ta phải giữ lòng luôn bình tỉnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là một tánh xấu rất tai hại, nó như một ngọn lửa dữ, đốt cháy cả mình lẫn người chung quanh. Kinh Phật có câu: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Nghĩa là một niệm sân tâm khởi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Hoặc “nhất sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm”. Nghĩa là một ngọn lửa sân nổi lên thì thiêu đốt cả ngàn rừng công đức.

Chúng ta nên tu tập hạnh nhẫn nhục để đối trị tâm sân giận. Cho nên, việc đáng nhịn thì nhịn, chuyện đáng răn thì răn. Nếu chẳng nhịn chẳng răn, thì việc nhỏ hóa ra to. Bao nhiêu điều phiền não, đều do chẳng nhịn mà ra. Người nào không tức giận thì được tâm không khổ não, tâm nhu hòa ngay thẳng, tâm luôn từ bi, thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sanh. Người có đức nhẫn nhục, được mau sanh lên cõi Phạm Thiên.

(x) Không si mê

Người si mê không phân biệt được phải trái, không nhận định rõ đúng sai, tà chính, không tin nhân quả thiện ác, chấp theo sự hiểu biết của riêng mình.

Không si mê là người có trí huệ, tu tập thiện nghiệp, nên quán nhân duyên sanh để thấy đúng như thật về thân tâm và hoàn cảnh để diệt trừ vô minh, tinh tấn trên đường giải thoát. Không si mê là biết phán đoán rành rẽ, nhận định rõ ràng, đúng đắn, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin những thuyết không hợp chơn lý, nhất là không mê tín dị đoan.

Người không si mê, tức là người có trí huệ, giản trạch, tin sâu nhân quả luân hồi, nên không tạo tội mà cứ làm phước, thường tu hạnh Bát Nhã, dứt trừ vô minh, để tiến mãi trên con đường giải thoát.

Người không si mê, thì thành tựu được những công đức như: Ðược ý vui chơn thiện và bạn chơn thiện, tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm ác, chỉ Quy y Phật, chứ không Quy y thiên thần và ngoại đạo, tâm ngay thẳng, chánh kiến, không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp.

4. Lợi ích của việc thực hành 10 thiện nghiệp


Con đường thiết thực nhất để biến đổi nhân gian trở thành lạc quốc là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Nếu muốn đạt được mục đích đưa nhân loại đến chỗ an lạc, thì không thể không thực hành Thập Thiện mà thành tựu. Kinh Thập thiện đã đưa ra mô hình cho những người tu muốn thăng hoa trong đời sống tu tập, điều quan trọng là phải cố gắng thực hành mười thiện nghiệp. Mười thiện nghiệp đó chính là sự chuyển hóa của những hành vi thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp.

Thế giới ngày nay có lắm điều đau khổ là do con người không tu Thập Thiện Nghiệp, buông lung làm mười điều ác. Nếu ai ai cũng thực hành 10 điều thiện, thì thế gian này liền trở thành cõi an lạc. Thập thiện có sức mạnh ngăn chặn những hành vi ác, nó cũng có công dụng đối trị với hành vi bất thiện.

Ngài Lô Sơn Huệ Viễn Đại Sư bảo rằng: “Mười thiện nghiệp này, nếu có thể từ một nhà, một làng, đến một quốc gia mà thực hành thì lập tức phong tục thuần mỹ, hình phạt bãi bỏ, trở thành một nước thái bình thịnh trị.”

Bồ Đề Niết Bàn của Tam Thừa đều lấy Thập Thiện làm căn bản. Vì mười thiện nghiệp có công năng ngăn đón tất cả các hành vi độc ác, đối trị tất cả hành vi bất thiện, giải thoát tất cả khổ đau sanh tử, chứng được quả Đại Niết Bàn.

Đoạn trừ hết mầm móng của 10 ác nghiệp thì công đức của 10 thiện nghiệp phát triển đến cực điểm. Lại đem 10 thiện nghiệp độ khắp tất cả chúng sanh trong thế gian, tức là viên mãn quả Đại Bồ Đề.

Đức Phật thuyết pháp bao giờ cũng thích hợp với căn cơ của chúng sanh. Nay Phật thuyết giảng Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này cũng ứng cơ mà đối trị để cứu vãn phần nào sự khổ đau thảm khốc của thế gian này. Nếu không thực hành 10 thiện nghiệp thì quả vị an lạc chỉ nằm ngoài tầm tay của chúng ta mà thôi.

C. KẾT LUẬN

Mười nghiệp lành, cũng như mười nghiệp dữ, đều do thân, khẩu, ý phát khởi ra. Nghiệp dữ ví như cỏ, nghiệp lành ví như lúa, đều mọc chung trên một đám ruộng. Cỏ thường làm chướng ngại lúa, không cho sanh trưởng tốt tươi. Nếu muốn lúa tốt để mãn mùa thu hoạch được nhiều, thì phải nhổ sạch cỏ. Cũng thế, muốn thành tựu được nghiệp lành, thì cần phải dứt hẳn mười nghiệp dữ.

Hàng phục mười nghiệp dữ, mỗi ngày cứ phát triển nghiệp lành mãi, thì sẽ được bốn điều lợi ích sau đây:

  1. Cải tạo thân tâm

Thân tâm con người thường bị nghiệp lực chi phối. Sự thực hành mười nghiệp lành, sẽ hoán cải thân tâm con người trở thành tốt đẹp. Nếu một người biết ứng dụng tu thập thiệp nghiệp đạo vào đời sống tức là người đó tự mình làm cho nhân cách đạo đức của mình được chuyển hoá. Như không sát sanh mà lại phóng sanh, thì lòng hung ác sẽ đổi ra lòng từ bi, sự oán thù sẽ đổi thành ân nghĩa.

  1. Cải tạo hoàn cảnh

Hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ hành động, đời sống của mỗi người. Ta giúp người thì người giúp lại, ta thương người thì người thương lại…Chẳng hạn, khi ta không giận hờn, lại tu hạnh nhẫn nhục, thì hoàn cảnh không có sự đấu tranh giết hại, mà chỉ là sự tương thân tương ái.

  1. Chánh nhân thiên giới

Tu Thập Thiện Nghiệp là gieo nhân tốt để đời sau được sanh lên cõi Trời, hưởng phước lạc đầy đủ.

  1. Căn bản Phật quả

Mười phương ba đời, các vị Hiền thánh thoát khỏi sanh tử, chứng quả Vô Thượng, đều lấy mười nghiệp thiện làm căn bản; vì mười nghiệp lành này có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) được thanh tịnh, nhờ đó, con người mới thoát ly sanh tử, chứng qủa Niết Bàn.

Vậy ước mong tất cả mọi người, nên tu Thập Thiện Nghiệp để tạo hạnh phúc cho mình và cho tất cả chúng sanh. Vì một phen đọa lạc mất thân người thời muôn kiếp khó được lại.

“Hết thảy chúng sanh không tạo ác
Mười phương nào có nổi đao binh
Mỗi nhà mỗi chốn điều tu thiện
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình”.

Thông báo

Video