Phương Châm Giao Thiệp Bạn Bè
PHƯƠNG CHÂM GIAO THIỆP BẠN BÈ
Ảnh: Trí Huệ
Con người và thế giới là hiện tượng cộng sinh, tồn tại hỗ tương. Mỗi sự vật, hiện tượng đều tương quan theo quy luật: “Cái này có thì cái kia có”. Vì vậy, con người không thể tồn tại nếu không thiết lập các mối quan hệ và sống hòa hợp với mọi người. Thế nên, con người dù ở địa vị nào, hay hoàn cảnh nào cũng không thể sống đơn độc. Thi sĩ Đông Hồ có nói: “Chim có đàn hót tiếng hót mới hay, ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh”. Hoặc trong nhà chùa cũng có câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Nhưng, để có một mối quan hệ tốt trong giao thiệp với bạn bè, chúng ta nên theo những tiêu chuẩn nào?
Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, mỗi người đều có quen biết nhiều, giao hảo rộng rãi nhưng tìm ra bạn tâm giao, quả không dễ dàng. Gặp một người tốt hiểu mình đã khó, chia sẻ những vướng mắc của mình với bạn lại càng khó hơn. Người ta thường nói cho vui, ở đời Thạch Sanh thì ít mà Lí Thông lại nhiều. Ít khi chúng ta tìm được những người bạn tri âm tri kỷ như đôi bạn thường được nhắc nhiều trong Kinh là Xá-lợi-phất (Sariputta) và Mục-kiền-liên (Moggallana), đôi bạn rất hoàn hảo. Vì thế, để thiết lập mới quan hệ bạn bè tốt, trong Kinh Tăng Chi bộ (Anguttara Nikaya/ Collection of Discourse arranged in accordance with number), Đức Phật (The Buddha) có dạy các Tỳ-kheo (Bhikkhu):
“Này các Tỳ-kheo, thành tựu năm pháp này, Tỳ-kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm?
[1] bảo làm việc đồng án [2] ưa thích kiện tụng [3] chống đối các Tỳ-kheo lãnh đạo [4] sống đời sống không có mục đích [5] không có khả năng trình bày hay khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài Pháp.
Thành tựu năm pháp này, Tỳ-kheo không đáng được làm bạn.
Này các Tỳ-kheo, thành tựu năm pháp này, Tỳ-kheo đáng làm một người bạn. Thế nào là năm?
[1] không bảo làm việc đồng án [2] không ưa thích kiện tụng [3] không chống đối các Tỳ-kheo lãnh đạo [4] không sống đời sống không có mục đích [5] có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết Pháp [1].
Qua đoạn kinh vừa trích dẫn ta thấy lời dạy của đức Thế Tôn, đối với bạn đồng tu đúng nghĩa là phải tập trung hết thời gian vào việc tu và học, không phải lo việc mưu sinh. Vì, việc đó sẽ làm cho ta tán tâm bởi những ngoại duyên, dễ tăng thêm lòng tham dục. Người bạn tốt là người luôn biết nhẫn nhịn, không chấp chặt. Những khó khăn trong đời sống xuất gia phải được giải quyết theo Lục Hòa (Sad-saramyadharma), không tranh chấp kiện tụng. Điều cần yếu trong việc tu tập là phải biết kính trên, nhường dưới, đặc biệt biết vâng lời các Tỳ-kheo lãnh đạo, có mục đích hướng đến đời sống phạm hạnh (Brahmacariya/Pure practices), luôn tán thán ngợi khen những vị Thầy có khả năng thuyết pháp, để họ có thể phát huy công việc độ sanh. Vì vậy, đời sống Tăng đoàn (Sangha), thầy và bạn là những nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần hình thành nên phạm hạnh và tuệ giác (panna/wisdom) cho mỗi Tỳ-kheo. Đặc biệt là những người bạn, vì sống chung nên có những tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân cách lẫn nhau, cũng như về các phương diện khác.
Nói về bạn có nhiều hạng, khi chưa thật sự hiểu nhiều về bạn ta cũng thận trọng, chớ vội sống hết mình. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người thành công nhờ sự động viên giúp đỡ từ bạn bè.
Thế nên, trong Quy Sơn Cảnh Sách, tổ Linh Hựu (771 – 853) có dạy: “Viễn hành yếu giả lương bằng, sát sát thanh ư nhĩ mục, trụ chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn cố vân: sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu, thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận”. Nghĩa là: (Đi xa phải nương nhờ bạn tốt, luôn luôn gạn lọc những gì mắt thấy tai nghe, lưu trú rất cần chọn bạn, thường thường muốn được nghe những chổ chưa nghe, nên có câu: Sanh ra ta ấy là Cha Mẹ, thành nên ta ấy là bạn bè, thân thiết với bạn cũng giống như đi trong sương sớm, lâu dần chắc chắn sẽ bị ướt áo) [2]. Nên ảnh hưởng của bạn bè tác động lên cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Vì vậy, phải chọn bạn mà chơi, tìm bạn tốt cùng nương nhau học tập, làm việc, tu dưỡng thân tâm để có đời sống an lạc.
Tóm lại, những đoạn trích dẫn lời dạy của chư Phật, chư Tổ trên thật đáng lấy đó là “Phương châm giao thiệp bạn bè”. Trong cách ngôn cũng có nói: “Học sư bất như học hữu” hoặc “Huynh đệ như thủ túc”. Thật vậy, người bạn tốt là người biết chia sẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ, biết nhẫn nhịn, nói năng từ hòa, sống trãi lòng ra với bạn bè, thận trọng trong khi nói về người khác, không bỏ rơi bạn trong lúc nguy hiểm, không khinh chê bạn trong lúc thất bại, những ai thành tựu được những tính cách ấy thì người ấy chắc chắn là người tốt và thật xứng đáng cho ta kết bạn lâu dài.
Người Viết
TRÍ HUỆ
--------------------------
Chú thích:
[1] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương V, phẩm Tikandika, phần Người Bạn, VNCPHVN ấn hành, năm 1999, tr. 589.
[2] HT. Hoàn Quang, Phật Tổ Ngũ Kinh (Quy Sơn Cảnh Sách), NXB Tôn Giáo, Tr. 457 – 458.