Nghiệp Báo
A. DẪN NHẬP
Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật có dạy: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, do đó mà có sự lưu chuyển trong các thú.” Chúng ta nhận thấy chúng sanh có tạo nghiệp thì có thọ báo và do duy tâm khác nhau mà có cái nhìn, cái suy nghĩ cũng khác nhau, rồi thể hiện qua lời nói, qua hành động hoặc thiện hoặc ác với muôn ngàn hình thức sai biệt.
Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta đều do nghiệp quá khứ và hiện tại chi phối. Tạo nghiệp lành thì được vui, gieo nghiệp ác thì chịu khổ, chúng ta chỉ biết sợ khổ, cầu vui mà không biết tránh nghiệp ác, tạo nghiệp lành. Một khi nghiệp quả đã đến, dù muốn dù không, tất nhiên cũng phải chịu quả báo của nó. Bởi nó là kết quả do hành động của chính mình đã tạo. Mình làm, rồi mình chịu, đó là lẽ công bằng hợp lý của kiếp người.
Trong Kinh Trung Bộ, bài Kinh 135, (hoặc Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt) Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa". Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người đồng thời là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện từ vô lượng kiếp quá khứ. Mỗi con người là điểm trung tâm của nghiệp; ngoài mỗi cá thể ấy sẽ không có bất kỳ một cái nghiệp nào được bàn đến.
B. NỘI DUNG
- Định nghĩa
Nghiệp báo nói đủ là nghiệp quả báo ứng. Bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây thì nghiệp quả phải đến. Sự báo đáp thù ứng cân xứng nhau giữa nghiệp nhân và nghiệp quả.
Nghiệp: Tiếng Sanskrit gọi là karma, Pàli gọi là kamma, có nghĩa là hành vi, hành động có tác ý, hay hành động được phát sanh từ tâm. Nó được diễn ra trong nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu. Dù chỉ hành động một lần cũng thành nghiệp rồi, không nhất thiết phải lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Nghiệp có thể chia ra ba tánh cách: lành, dữ, hoặc không lành không dữ (vô ký).
Theo đạo Phật, Nghiệp Lành nghĩa là những hành động, việc làm đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Nếu hành động đó chỉ đem lại lợi ích cho mình và đem lại đau khổ cho người thì cũng không thể gọi là nghiệp lành. Nghiệp Dữ, nghĩa là những hành động, việc làm đem lại đau khổ cho mình và cho người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Vô ký nghĩa là những hành động không mang tính chất thiện và cũng không mang tính chất ác.
- Báo: là chỉ cho sự báo ứng, đền trả một cách công bằng, không sai chạy, không tiêu mất. Sự thù đáp cân xứng giữa nghiệp nhân và nghiệp quả gọi là báo. Chúng ta có hành động lành hay dữ, kết quả của hành động ấy sẽ đến sớm hay đến muộn mà thôi, thì đó gọi là báo.
Do tính chất công năng và thời gian tạo nghiệp mà hình thành những chủng loại báo khác nhau. Cũng chính do có nhiều loại báo ứng vào những thời gian khác nhau, nên đã tạo ra sự hiểu lầm về luật nhân quả nghiệp báo đối với những người chưa thấu hiểu về đạo lý này. Họ trách móc là tại sao người ăn ở hiền lành mà gặp nhiều tai họa, kẻ ở ác lại gặp nhiều điều may mắn…. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần phải tìm hiểu một số loại báo sau đây:
- Hiện báo: là quả báo diễn ra ngay trong hiện tại, những hành động lành hay dữ do chúng ta gây ra trong đời này thì phải chịu quả báo ngay trong đời này. Hiện báo cũng gọi là thuận hiện nghiệp.
- Sanh báo: là quả báo diễn ra về đời sau, nghĩa là hành động tốt xấu của ba nghiệp do chúng ta gây tạo trong đời này nhưng đến đời sau mới chịu quả báo, tùy theo nghiệp đã tạo từ trước đó. Sanh báo cũng gọi là thuận sanh nghiệp.
- Hậu báo: Quả báo ở nhiều đời sau, nghĩa là tạo nghiệp ở đời này, nhưng qua nhiều đời sau mới nhận lấy quả báo, hoặc thiện hoặc ác tùy theo nghiệp đã tạo. Hậu báo cũng có nghĩa là tạo nghiệp trong những kiếp xa xưa, nhưng đến kiếp này mới nhận lấy quả báo tùy theo nghiệp đã tạo. Hậu báo gọi là Thuận Hậu Nghiệp. “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Như câu chuyện của Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư…..
- Tổng báo: nghĩa là Quả báo chung, như sự thái bình thịnh vượng của một xã hội hoặc cuộc chiến khốc liệt của một đất nước, là kết quả tốt xấu của một dân tộc qua một thời gian dài tạo nghiệp. Tổng báo còn có nghĩa là quả báo tổng hợp tất cả nghiệp thiện, ác trong quá khứ của mỗi con người.
- Biệt báo: Quả báo riêng của mỗi người, tức là sự giàu, nghèo, đẹp, xấu, khổ, vui không ai giống ai. Chúng ta cũng thấy trong xã hội hiện nay cũng còn rất nhiều người thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc là do trước kia họ đã tạo nghiệp xấu, thì họ phải nhận lấy.
- Y báo: Quả báo phụ thuộc theo chánh báo, như đất đai nhà cửa, của cải, xóm làng, đất nước và quyến thuộc, bạn bè .v.v..
- Chánh báo: Quả báo chính như thân tâm của con người, bao gồm tánh tình, đạo đức, tài năng, dung mạo, sức khỏe, tuổi thọ v.v.. Người tạo nghiệp thuần thiện thì y báo, chánh báo trang nghiêm, còn kẻ tạo nghiệp vừa thiện vừa ác thì người đó phải nhận lấy quả báo vừa hạnh phúc nhưng lại vừa đau khổ. Như một người biết bố thí cúng dường nhưng lại hay giết hại nhiều chúng sanh, cho nên quả báo của họ phải chịu là mặt dù có cuộc sống giàu sang nhưng nhiều bệnh tật và tuổi thọ ngắn, do đó mà y báo chánh báo không được hoàn hảo.
- Hoa báo: Từ ngữ này chỉ sự báo ứng tạm thời và xảy ra ngay sau khi tạo nghiệp thiện hoặc ác. Sau đó người ấy mới nhận quả báo chính ở tương lai.
2. Từ đâu tạo thành Nghiệp?
Nếu nghiệp phát khởi từ vô minh, ái dục, chấp thủ thì sẽ đưa đến đau khổ. Và nếu nghiệp phát khởi từ lòng từ bi, vị tha, bình đẳng thì sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc. Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp gồm có: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ý nghiệp là mấu chốt điều khiển thân, khẩu hành động tạo nghiệp.
Thân nghiệp: là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày. Như có người thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội; có người thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh; cũng có người luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc, giết hại sinh mạng chúng sanh….
Khẩu nghiệp: là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi gây xúc não đến người khác…Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có người luôn luôn thích nói chuyện đạo lý, nói chuyện ích lợi cho người; có người thường hay thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật; có người luôn nói lời hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích trò chuyện; có người thốt xong một lời, người nghe phải lên cơn tim ngất xỉu, hay giã từ luôn cõi đời; có người thốt xong một lời, người khác phải đi tù, hoặc cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau, tiêu tan hạnh phúc.
Do đó, chúng ta mới biết khẩu nghiệp nặng nề biết bao, bởi lời nói có khả năng hại người còn hơn cả vũ khí.
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng.” Có khi nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên chở đạo lý.
Ý nghiệp: là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân và khẩu hành động tạo nghiệp. Cho ví dụ thực tế…..
Nghiệp từ thân, miệng, ý chúng ta tạo nên. Bởi thân, miệng, ý chúng ta làm lành, nói lành, nghĩ lành nên tạo thành nghiệp lành. Thân, miệng, ý chúng ta làm ác, nói ác, nghĩ ác tạo thành nghiệp dữ. Thế nên, chúng ta chủ nhân tạo nghiệp cũng chính chúng ta là chủ nhân thọ báo. Đến đây, chúng ta hãnh diện đã thoát khỏi mọi quyền lực thiêng liêng ban họa giáng phước. Hiểu rõ luật nghiệp báo, chúng ta sẽ phá trừ mê tín dị đoan, và không tin vào thần thánh, hay giao phó cuộc đời mình cho một đấng quyền năng nào.
3. Phân loại ngiệp
3.1. Theo năng lực
Năng lực của nghiệp được hình thành theo từng loại nghiệp khác nhau trong một tiến trình tâm lý rồi đưa đến sự hình thành các đặc tính của nghiệp. Gồm có những loại như sau:
a. Tập quán nghiệp: Là nghiệp được huân tập bởi một thói quen trong đời sống hàng ngày. Có thể đó là thói quen thuộc tâm lý, hành vi, cách ứng xử v.v...Ví dụ: hút thuốc, đánh bài...
Tập quán ở đây cũng có thể là nghiệp của từng vùng miền, chúng ta bị ảnh hưởng bởi những tập quán của vùng miền đó, như có quốc gia dùng người để tế thần, hoặc hành động đánh bắt cá ở những vùng biển…
b. Tích lũy nghiệp: Là các nghiệp được tích lũy dần dần theo từng năm từng tháng. Thân thể của chúng ta cũng là một tích lũy nghiệp từ vô thỉ cho đến ngày nay, trong thân đó chứa đựng nghiệp ác lẫn nghiệp thiện.
c. Cực trọng nghiệp: Là các nghiệp gây ấn tượng xấu ác cực mạnh và sâu trong tâm lý của con người như phạm các tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ…
Tuy nhiên, theo HT. Thích Thiện Hoa, trong tác phẩm Tám Quyển Sách Quý, và theo học giả Đoàn Trung Còn trong bộ Phật Học Từ Điển, thì cực trọng nghiệp có 2 tính chất đó là: Thiện và ác.
- Do những hành động tạo tác thuần thiện, như tu tập Thập Thiện thanh tịnh. Người tạo nghiệp thiện, khi lâm chung, liền được sanh vào cảnh giới an lành.
- Do tạo những tội cực ác như giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, chia rẽ tăng đoàn…Kẻ tạo tội ác cực mạnh, khi chết tức khắc đọa vào địa ngục vô gián. Vậy, Cực trọng nghiệp cũng bao gồm cả ý nghĩa thiện và ác, Nhưng khi đề cập đến loại nghiệp này, người ta thường liên tưởng đến ác nghiệp.
d. Cận tử nghiệp: là nghiệp lúc sắp chết hay những sức mạnh tâm lý của con người trước lúc tắt thở. Nghiệp này cực kỳ hệ trọng trong việc hướng dẫn nghiệp thức đi tái sinh. Những tư tưởng cuối cùng của người chết sẽ tạo nên một cận tử nghiệp (thiện hoặc bất thiện).
Một người có thể suốt đời làm ác, nhưng trước lúc tắt thở, nỗ lực sinh khởi về thiện pháp, về những điều thiện trong đời, và nhờ ý thức đó có thể tái sinh vào cõi tốt đẹp (tương tự như vậy đối với các trường hợp ngược lại). Từ đó, qua những kinh nghiệm cận tử, chúng ta cần huân tập các thiện nghiệp trong đời sống của mình để tạo thành một sức mạnh, đoạn trừ các ác nghiệp ngay trong đời sống hàng ngày và cả đến giờ phút lâm chung.
3.2. Theo tiến trình
a. Định nghiệp: là hành động hoặc lành hoặc dữ có cộng tác với ý thức tạo thành nghiệp quyết định. Nghiệp đã tạo sẽ dẫn đến quả báo định sẵn, không thể thay đổi. Do tính chất của nghiệp quá mãnh liệt, hoặc do quả báo đã chín muồi. Ví như một ứng cử viên được hội đồng bầu cử công bố kết quả rồi, hoặc đậu hoặc rớt. Lại ví như một nghi can, tòa đã tuyên án, hoặc có tội hoặc vô tội.
b. Bất định nghiệp: là hành động hoặc lành hoặc dữ không cộng tác với ý thức nên thành nghiệp không quyết định. Nghiệp dẫn đến quả báo không định trước, do nghiệp còn non yếu, thiện ác lẫn lộn, hoặc chưa đủ các thuận duyên để hình thành quả báo. Ví như việc bầu cử còn đang diễn tiến, chưa có kết quả kiểm phiếu. Hoặc nghi can còn trong vòng điều tra xét hỏi chưa định tội.
c. Biệt nghiệp: Nghiệp riêng của mỗi người, tự mình tạo nghiệp cho mình, đây là nguyên nhân hình thành tư cách và hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người. Trong thực tế xã hội con người tuy đông nhưng không ai giống ai cả. Như trong kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Đức Phật dạy rằng: “Này Long Vương! Ông có thấy các vị trong Pháp hội này và các loại ở trong biển cả, hình sắc chủng loại mỗi mỗi khác nhau không? Tất cả như thế đều do tâm tạo thiện hoặc ác nơi Thân Nghiệp, Ngữ Nghiệp và Ý Nghiệp của mỗi người mà ra”.
d. Cộng nghiệp: Đó là nghiệp chung của tập thể, của nhiều người tạo nghiệp giống nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến tổng báo của một tập thể, một dân tộc, một chủng loại chúng sanh.
3.3. Theo tính chất
Khi nói đến nghiệp báo là nói đến tiến trình nhân - quả của nghiệp. Theo giáo lý về nghiệp, một nhân không thể tạo thành một quả, mà phải có các duyên phụ trợ. Cho nên, phải nói đủ là nhân - duyên - quả. Duyên là các nhân phụ làm cho nhân chính thành quả; như nước, phân, đất, sự cần mẫn chăm bón của con người (là các duyên) làm cho hạt giống thành tựu nảy nở. Như câu chuyện của Ngộ Đạt Quốc Sư, mặc dù kiếp trước có ân oán với Triệu Thố, nhưng trải qua 10 kiếp tu hành tinh tấn, cho nên sự báo ứng không đến được, nhân do lòng tham đắm vào chiếc ghế trầm hương mà phải chịu quả báo mụt ghẻ hình mặt người. Vậy lòng tham đó chính là duyên để đưa nghiệp đi đến kết quả vậy. Vì thế, khi tìm hiểu về quả dị thục (sự chín muồi) của nghiệp, ta phải tìm hiểu về 3 đặc tính sau:
a. Dị thời nhi thục: Thời gian chín muồi của nghiệp quả khác với thời gian tạo nghiệp (nghiệp nhân). Ví dụ như trái xoài, thời điểm khi sinh ra cho tới khi nó chín muồi là khác nhau (khác thời mà chín).
b. Dị loại nhi thục: Kết quả bị biến chất (dị loại) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ, trái xoài khi nhỏ thì chua nhưng khi chín thì ngọt (biến chất rồi mới chín).
c. Biến dị nhi thục: Kết quả bị biến thái và biến tướng (biến dị) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ trái xoài non thì màu xanh, đến khi chín thì màu vàng.
a. Dị thời nhi thục: Thời gian chín muồi của nghiệp quả khác với thời gian tạo nghiệp (nghiệp nhân). Ví dụ như trái xoài, thời điểm khi sinh ra cho tới khi nó chín muồi là khác nhau (khác thời mà chín).
b. Dị loại nhi thục: Kết quả bị biến chất (dị loại) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ, trái xoài khi nhỏ thì chua nhưng khi chín thì ngọt (biến chất rồi mới chín).
c. Biến dị nhi thục: Kết quả bị biến thái và biến tướng (biến dị) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ trái xoài non thì màu xanh, đến khi chín thì màu vàng.
Một số danh từ về nghiệp cần biết
- Bạch nghiệp (nghiệp trắng): là các nghiệp thiện
- Hắc nghiệp (nghiệp đen): là các nghiệp ác
- Phi hắc bạch nghiệp: các hành động duy tác, không có sự cộng tác của tâm ý.
- Hắc nghiệp (nghiệp đen): là các nghiệp ác
- Phi hắc bạch nghiệp: các hành động duy tác, không có sự cộng tác của tâm ý.
- Thánh nghiệp: là nghiệp đưa đến Thánh đạo.
- Chướng nghiệp: nghiệp cản trở sự kết thành của quả.
4. Thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp
- Chướng nghiệp: nghiệp cản trở sự kết thành của quả.
4. Thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp
Nghiệp lực không có hình tướng, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng trong giáo lý nghiệp báo. Chúng ta cần phải tiếp thọ nghiệp như thế nào để không bị đau khổ. Vì mỗi người đều có cái nghiệp riêng do vô minh, ái thủ đã tạo nên, do đó đương nhiên phải đối diện với quả báo của mình. Sự trốn tránh nghiệp lực là điều vô ích. Cụ Nguyễn Du, trong Truyện Kiều đã nói rằng:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Vì thế, vấn đề quan trọng được đặt ra đối với người đang trên đường tu tập không phải là nghiệp mà chính là thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp. Tâm lý và định lực của người tu hành giải thoát sẽ hóa giải mọi nghiệp của chính họ. Như một nhà sư vô cớ bị tù, ở trong tù mà lòng thì vô cùng bình an, không hề dao động; nghĩa là nhà sư ấy không còn bị nghiệp lực chi phối nữa.
Cùng một hành động xảy ra đối với hai người nhưng thái độ thọ nhận hành động (nghiệp) thì hoàn toàn khác nhau. Nếu người biết tu hành, ý thức về nghiệp của mình đã gây tạo, thì họ sẽ thọ nhận nghiệp một cách hoan hỷ và vui vẻ. Còn người không biết tu tập thì họ sẽ rất đau khổ khi thọ nhận nghiệp quả của mình.
Như vậy, trong vấn đề tu tập chuyển nghiệp, chúng ta cũng đừng quên trả nghiệp, vì trả nghiệp chính là động lực cân bằng của cuộc sống. Người tu học Phật không có quyền phủ nhận hay chạy trốn trước sự thật nghiệp lực của mình. Nghiệp cũng giống như trả nợ tiền bạc, trả xong thì cảm thấy nhẹ nhàng để cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Vì thế, chúng ta sẵn sàng vui lòng trả nghiệp.
Như vậy, trong vấn đề tu tập chuyển nghiệp, chúng ta cũng đừng quên trả nghiệp, vì trả nghiệp chính là động lực cân bằng của cuộc sống. Người tu học Phật không có quyền phủ nhận hay chạy trốn trước sự thật nghiệp lực của mình. Nghiệp cũng giống như trả nợ tiền bạc, trả xong thì cảm thấy nhẹ nhàng để cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Vì thế, chúng ta sẵn sàng vui lòng trả nghiệp.
Do đó, đối với nghiệp, thái độ tâm lý của người tiếp thọ thì quan trọng hơn là chính cái nghiệp ấy. Chúng ta hiên ngang thọ nhận tất cả quả khổ vui, mà không có một lời oán hờn than trách, bởi nó là kết quả do chính mình gây tạo. Chúng ta phải tự do quyết định sự lựa chọn đời sống của mình, phải khôn ngoan biết chọn lựa nghiệp nhân nào để đưa đến một đời sống hạnh phúc, an lạc. Đây là sự trưởng thành, khi rõ nghiệp từ đâu có.
5. Phương pháp tu tập dừng nghiệp và chuyển nghiệp
Giáo lý của đức Phật nói ra không phải là một giáo lý suông, mà giáo lý được thể hiện qua Văn – Tư – Tu. Chúng ta đã biết rằng chính ba nghiệp thân, khẩu, ý là động cơ dẫn dắt con người vào vòng trầm luân sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, muốn thoát ly sanh tử luân hồi, chúng ta phải biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Nghĩa là chúng ta phải dừng tất cả những nghiệp ác, nghiệp bất thiện, từ thân, khẩu, ý của mình, chuyển ba nghiệp thân, khẩu, ý bất thiện, thành ba nghiệp thiện lành. Ðó chính là trọng tâm tu hành của đạo Phật, chứ không phải những hình tướng bên ngoài, những nghi lễ rườm rà, những van xin cầu khẩn.
Như trước đây chúng ta hay sát sanh, bây giờ không sát sanh nữa mà cần phải phóng sanh; lúc trước hay tham lam, bỏn xẻn, lấy cắp đồ của người, bây giờ phải biết bố thí, cúng dường…..Một phần dứt nghiệp ác và một phần tăng trưởng điều thiện.
Con người khi chết đi, thân xác, danh vọng, của cải, thân bằng quyến thuộc, tất cả mọi thứ đều phải bỏ lại thế gian, chỉ mang theo cái "nghiệp báo" tái sanh kiếp sau. Chính cái nghiệp báo này là nguyên nhân làm cho chúng ta sung sướng hay đau khổ. Khi biết được điều đó, liễu tri được điều đó, giác ngộ được điều đó, chúng ta cần phải tìm cách dừng nghiệp, tìm cách chuyển ba nghiệp bất thiện thành ba nghiệp thiện.
Chúng ta phải luôn luôn nhận thấy rõ ràng tính chất thiện ác trong mọi việc làm, trong mọi lời nói và trong cả những suy nghĩ của mình. Nếu như việc ác thì phải ngăn chặn và tiêu diệt, nếu như việc thiện thì phải cố gắng thực hành và làm tăng trưởng chúng. Có được tư tưởng dứt khoát và dụng công như thế, hiện tiền sẽ được an lạc và hạnh phúc.
- Chuyển hóa nội tâm
Nghiệp do chúng ta tạo ra, thì chúng ta phải biết chuyển đổi. Tuy rằng đứng về mặt nhân quả mà nói, thì gieo nhân gì gặt quả đó, tạo nghiệp gì lãnh nghiệp đó. Thế nhưng, nghiệp không phải là pháp cố định, mà do duyên sanh, tùy thuộc vào tâm ý của con người, nên có thể chuyển đổi.
Với người muốn chuyển nghiệp, trước hết phải chuyển hóa từ nội tâm. Sau đó hành động sẽ chuyển theo. Kinh Trung A Hàm, Phẩm Nghiệp Tương Ưng, đức Phật dạy: “Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì quả sẽ đổi thay. Nếu gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì gieo nhân nào sẽ thọ quả nấy”.
Như vậy, gây nhân ác mà không biết tu thì nghiệp không thể nào chuyển được. Nếu gây nhân ác mà biết tu, thì sẽ chuyển nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Lại nữa, đối với người Phật tử, việc tu tập trước hết phải thấy được tội lỗi mình gây ra để nỗ lực sám hối. Phật dạy: “Có hai hạng người mạnh mẽ nhất. Một là người không tạo tội. Hai là người tạo tội mà biết ăn năn sám hối.” Sám hối là phương pháp đặc thù và có hiệu quả rất cao trong việc chuyển nghiệp.
- Phương pháp Sám hối
Nghiệp từ nơi tâm mà phát khởi thì cũng từ nơi tâm mà diệt trừ. Kinh dạy:
“Sám giả sám kỳ tiền khiên
Hối giả hối kỳ hậu quá”.
Sám: là ăn năn các việc ác đã làm, thề xin chừa bỏ, không dám tái phạm. Hối: là hối cải. Những điều ác chưa làm, sau này xin thề nguyện không bao giờ làm nữa. Bao nhiêu điều thiện xin làm hết.
Ðức Phật dạy:
Tội tùng tâm khởi tương tâm sám.
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong.
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không.
Thị tắc danh vi chơn sám hối.
Một người tạo tội biết nỗ lực ăn năn thành tâm sám hối, chừa bỏ thì nghiệp nặng có thể chuyển đổi thành nghiệp nhẹ. Như trường hợp của Hoàng Hậu Hy Thị, vì tạo nghiệp độc ác với mọi người và hủy báng Tam Bảo, khi chết bị đọa làm thân rắn mãng xà, nên về báo mộng cho vua Lương võ Đế để tìm phương cứu vớt. Vua thỉnh các vị cao Tăng lập đàn sám hối, nhà vua hết lòng lễ bái sám hối cho Hoàng hậu, nhờ đó tâm thức Hoàng hậu được chuyển đổi, hướng tâm niệm về đường lành, thoát được nghiệp khổ, sanh lên thiên giới. Cho nên đối với một người tạo nghiệp, phải ý thức chuyển hóa từ tâm và thực hành phương pháp sám hối, thì nghiệp mới được chuyển đổi.
C. KẾT LUẬN
Đức Phật dạy rằng: "Không ai làm cho ta nhiễm ô, cũng không ai làm cho ta trong sạch; trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta làm cho ta trong sạch". Lời dạy trên đã mở ra cho con người một hướng đi rất chủ động trong việc tạo nên một đời sống an lạc giải thoát ngay tại cuộc đời này.
Đã có tạo nghiệp thì có quả báo, nghiệp báo nó làm nhân quả cho nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và thúc đẩy chúng sanh đi mãi trong sanh tử luân hồi, lên xuống trong ba cõi sáu đường. Chúng ta muốn an lạc, hạnh phúc thì phải thấu hiểu luật nghiệp báo và áp dụng luật nghiệp báo vào trong đời sống hằng ngày, thì phải tránh làm những việc ác, nên làm những điều thiện.
Thuyết Nghiệp Báo đã mang lại cho con người niềm an ủi, nguồn hy vọng, tánh tự tin và đạo đức can đảm. Niềm tin nơi Nghiệp Báo “làm tăng giá trị của sự tinh tấn, và kích thích lòng nhiệt thành”, khiến con người luôn luôn có lòng tốt, khoan dung và biết giúp đỡ kẻ khác. Cũng do niềm tin ở Nghiệp Báo đã nhắc nhở con người tránh điều ác, làm việc lành để gặp quả tốt; mà không chút sợ hãi sẽ bị trừng phạt hay cám dỗ bởi bất cứ sự ban thưởng nào.
Đối với người học Phật, tự mình phải thực hành đạo lý nghiệp báo vào cuộc sống và đem đạo lý này đến với mọi người, giúp cho họ hiểu và tu tập để được an lạc và thăng hoa đời sống.
Chư Tổ thường dạy, nếu giữ gìn ba nghiệp được thanh tịnh thì cùng với chư Phật trong ba đời mười phương luôn sống trong an lành, tự tại và an lạc.
Và:
Thân nên lánh ác làm lành
Khẩu dè lời nói, ý ngừa nghĩ suy.
Hiện đời phước huệ từ bi
Mai sau được quả Vô vi Niết bàn.