Ngũ Đình Tâm Quán

A. DẪN NHẬP

Chúng sanh có vô số căn bệnh nên giáo pháp của Phật cũng có vô lượng pháp môn để đối trị những căn bệnh của chúng sanh đó. Trong suốt hành trình 49 năm hoằng hóa độ sanh của Phật, Ngài đã để lại một kho tàng giáo lý, đó là những phương thuốc hữu hiệu để đối trị những căn bệnh của chúng sanh từ vô thỉ kiếp. Tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi người để đón nhận cho mình một thứ thuốc thích hợp để điều trị tâm bệnh, hầu giúp cho chúng ta có một tinh thần luôn an lạc giải thoát trong kiếp nhân sinh. Bởi chân lý về Niết Bàn của đức Phật dạy không phải ở một thế giới xa xôi nào mà chính ngay trong tự thân của mỗi người. Đó chính là một con người sống lành mạnh, có một tâm hồn an lạc, vị tha, nhân ái.
 
Để có được một tâm hồn an lạc, thanh thoát thì việc tu tập các phương pháp quán tưởng là một điều không thể thiếu đối với những hành giả đi trên lộ trình tu tập giải thoát. Trong đó Ngũ Đình Tâm Quán là một phương pháp hữu hiệu để giúp hành giả ngăn chặn và đối trị những phiền não, dứt trừ tham, sân, si của chính mình. Khi những phiền não đã được dứt trừ thì tâm an lạc hiện hữu, trí huệ cũng từ đây mà phát sanh. Cho nên đức Phật đã dạy:“Tâm có định mới phát sanh trí tuệ, có trí tuệ mới phá trừ được vô minh để thành tựu được thánh đạo.” Vậy tác dụng và công năng của Ngũ Đình Tâm Quán như thế nào chúng ta cần tìm hiểu qua phần nội dung sau.

B. NỘI DUNG
1. Định nghĩa

Ngũ là năm. Đình là dừng lại, ngưng lại. Tâm có nhiều loại, nhưng quy nạp lại thành hai loại: chân tâm và vọng tâm. Chơn tâm là tâm thanh tịnh, sáng suốt hoàn toàn, thấy biết rõ ràng mà không phân biệt, không dính mắc, không chấp thủ...Vọng tâm là tâm phân biệt, dính mắc, chấp thủ… Nhưng tâm muốn nói ở đây tức là Tâm Ý Thức, tức là vọng tâm. Quán là tập trung tư tưởng để tư duy, soi rọi và phân tích tường tận đối tượng, để thấu triệt được bản chất thật của đối tượng đó.

Vậy Ngũ Đình Tâm Quán là năm phương thuốc trị tâm bệnh, hay năm phương pháp quán sát tường tận thấu đáo rõ biết các pháp, để điều chế tự thân, dừng vọng tâm phân biệt, chấp trước của mình. Gồm có:

(i) Quán Sổ tức: để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí

(ii) Quán bất tịnh: để đối trị lòng tham sắc dục.

(iii) Quán Từ bi: để đối trị lòng sân hận.

(iv) Quán Nhân duyên: để đối trị lòng si mê.

(v) Quán Giới phân biệt: để đối trị chấp ngã, chấp pháp.

2. Thành phần của ngũ đình tâm quán

2.1. Quán sổ tức
a. Định Nghĩa

Sổ tức: sổ là đếm; tức là hơi thở. Quán Sổ tức là tập trung tâm trí để đếm hơi thở vào, ra của mình, mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn.

Bất luận trong công việc gì, sự định tĩnh tâm trí là một yếu tố quan trọng. Người tu tập mà tâm trí luôn luôn tán loạn, tư tưởng thiếu tập trung, thìviệc tu tập khó được kết quả viên mãn. Cho nên muốn tâm hết tán loạn, được yên định, thì việc tu phép quán Sổ tức là điều rất cần thiết. Đây là một phép quán rất dễ thật hành, ai cũng có thể làm được. Bởi hơi thở là đóng vai trò rất quan trọng, nó là chất liệu của sự sống. Nếu không duy trì hơi thở hoặc hơi thở không ổn định thì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống của chúng ta cũng khó duy trì. Đếm hơi thở tức là theo dõi hơi thở, làm chủ hơi thở của mình. Làm chủ hơi thở tức là làm chủ mạng sống của mình. Từ trước đến nay chúng ta ít khi để ý đến hơi thở của mình mặc dù nó rất quan trọng. Cho nên khi học quán sổ tức, tức là nhắc nhở chúng ta quan tâm, để ý đến hơi thở, phải điều hòa chúng, không cho quá nhanh hoặc quá chậm, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự định tâm của chúng ta.

Đối với việc tu hành thì sự định tâm lại cần thiết hơn. Nên trong kinh có dạy: "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện". Nghĩa là ngăn vọng tâm lại được một chỗ, thì không việc gì chẳng thành tựu.

  • b. Phương pháp quán Sổ tức

Phương pháp quán này chúng ta có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, dù khi đi hay đứng, nằm, ngồi.... cũng đều có thể tập trung tư tưởng để đếm hơi thở.

Trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những trược khí, uất khí nặng nề trong người đều tuông ra cả, và thay thế vào đó bằng những thanh khí mát mẻ, trong sạch của thiên nhiên. 

Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hơi thở thấm vào bủa khắp thân tâm". 

Gồm có những cách đếm như sau:

(i) Ðếm hơi lẻ: Nghĩa là thở ra đếm một, thở vô đếm hai, đếm cho đến mười, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. 

(ii) Ðếm hơi chẵn: Nghĩa là thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười. 

(iii) Ðếm thuận: Nghĩa là đếm theo hai cách trên, nhưng tuần tự từ một đến mười. 

(iv) Ðếm nghịch: Nghĩa là cũng dùng hai cách đếm trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một. 

Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng phương pháp nào cũng được, miễn sao thuận tiện cho việc tu tập của mình để đối trị được tâm tán loạn. Khi tâm được an tịnh rồi thì hành giả tùy theo tâm nguyện của mình để tu tập các pháp môn khác như niệm Phật, tham thiền…

c. Lợi ích của pháp quán Sổ Tức

Chú tâm đếm hơi thở như thế sẽ giúp tâm hành giả được định tĩnh, không còn tán loạn. Tâm không tán loạn thì tâm được sáng suốt, giúp ta có được chánh niệm, tĩnh giác. Bên cạnh đó thì hơi thở được điều hòa, nhẹ nhàng, thân thể mạnh khỏe, an ổn… thì làm việc gì cũng dễ thành công, chính xác.
Nói một cách thiết thực hơn nữa, nếu muốn tu các pháp quán trong "Ngũ Đình Tâm Quán ", thì trước tiên phải tập quán cho thuần thục phép Sổ Tức này. Nếu quán pháp này chưa thành công, mà vội tu tập các pháp quán khác, như "Bất tịnh quán , Từ bi quán" v.v...thì khó thành tựu viên mãn. Cho nên việc tu tập phương pháp quán sổ tức đóng vai trò rất quan trọng đối với những hành giả đang đi trên con đường tu tập giải thoát.

2.2. Quán bất tịnh

Trong thế gian này, không có ai là không tham sống. Vì tham sống nên con người tìm hết mọi cách để được sống, để trau dồi thân mạng, và để di truyền sự sống. Không chỉ tham đắm sắc thân của mình mà còn tham đắm sắc thân của người khác. Nào hình tướng diễm kiều, thướt tha hay phong độ đẹp trai…rồi sanh tâm đắm mến. Nếu không đạt được ước muốn của mình thì sanh ra buồn giận, đau khổ. Ðể xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng, đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán đó là "Quán Bất Tịnh". Để chúng ta nhìn nhận đúng bản chất thật về thân thể tứ đại này, để không còn quá tham đắm vào nó nữa mà phải chịu đau khổ.

a. Định nghĩa

"Bất tịnh" nghĩa là không sạch sẽ, không trong lành. Quán Bất tịnh tức là quán sát một cách tỷ mỉ, cùng tột thân con người để nhận thấy rõ rằng nó là không trong sạch như hầu hết người đời đều lầm tưởng. Quán bất tịnh nhằm xả ly tham dục, ái nhiễm và đắm trước. Bởi vì chính thân này mà đôi khi chúng ta dám làm những điều tội lỗi để cho nó được sung sướng, mà chưa khi nào ta thử nhìn đúng về sự bất tịnh của thân mình. Cũng bởi vì vô minh nên chúng ta làm nô lệ cho thân xác này, và từ đó gây ra nghiệp báo để phải chịu trầm luân trong sanh tử luân hồi. Do đó, chúng ta cần phải sáng suốt để nhận chân được bản chất thật của nó. Để thấy rõ được vấn đề đó, Đức Phật dạy chúng ta cần phải Quán Bất Tịnh.

b. Phương pháp quán

Sắc thân con người do tứ đại hợp thành, từ khi bắt đầu hình thành cho đến khi bị tiêu hủy đều đầy ắp bất tịnh. Để quán triệt được rốt ráo thân mạng này chúng ta cần quán sát qua năm giai đoạn sau:

(i) Quán chủng tử bất tịnh: Chủng tử của thân mạng gồm có hai phần: Phần tinh thần và phần vật chất. Phần tinh thần này cũng gọi là phần thức. Thức này là nơi dung chứa tất cả nghiệp nhân lành, dữ của thân, khẩu, ý trong quá khứ; vì thế nên cũng gọi là tàng thức, nghĩa là nơi chứa nhóm. Tạng thức thì không trong sạch vì nó là nơi kết tinh của những nghiệp nhân phiền não: tham, sân, si. Trong Quy Sơn cảnh sách có dạy: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành”. Khi con người chết cái tạng thức ấy vẫn còn, và theo nghiệp lực thiện, ác của nó mà dẫn sanh ở các loài, hoặc trầm luân, hoặc giải thoát.

Khi tàng thức đã Bất tịnh thì tất phải tìm bạn Bất tịnh mà kết giao. Thần thức nầy để thể hiện một đời sống khác, đã gá mình vào một chất Bất tịnh khác, đó là sự hòa hiệp của tinh cha, huyết mẹ. Nói cách rõ ràng hơn, tức là cái thai mới kết tụ vậy. Từ tinh thần cho đến vật chất, đều là nhiễm ô Bất tịnh, không có gì đáng để tự hào và quí chuộng. 

(ii) Quán trụ xứ bất tịnh: Trụ xứ là chỗ ở. Nếu chủng tử hay cái thai là một khối hôi tanh, thì nơi ở của nó cũng không sạch. Nghĩa là chỗ ở của cái thai là một cái bọc chứa đầy máu nhớt hôi tanh, dơ bẩn.

(iii) Quán tự tướng bất tịnh: Sau khi đã thoát bào thai chào đời bằng những tiếng khóc, đứa bé bắt đầu sống một đời sống riêng biệt, có đầy đủ giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh, có đủ bộ phận cần thiết để điều hòa cuộc sống thể xác của mình. Nhưng cơ thể ấy vẫn thường bài tiết những chất dơ bẩn, hôi hám. Do đó, ta biết rằng cái thân này không trong sạch. Trong cơ thể của mỗi người hằng ngày thường bài tiết ra chín lỗ, là những chất nhơ nhớp, hôi hám.

(iv) Quán tự thể bất tịnh: Như chúng ta đã thấy chín lỗ trong người, mỗi ngày bài tiết không biết bao là thứ nhơ nhớp. Vậy chắc chắn bên trong thân xác, những chất liệu cấu kết nên thể xác chúng ta cũng không trong sạch được.

(v) Quán chung cánh bất tịnh: Chung cánh ở đây là muốn nói cái giai đoạn hư hoại của thân người sau khi trút hơi thở cuối cùng. Vậy quán chung cánh bất tịnh nghĩa là quán giai đoạn hư hoại, bất tịnh của thân người sau khi chết, thân thể tan rã, hôi hám thật là ghê tởm. 

Mục đích của quán thân bất tịnh là nhằm đưa con người vượt khỏi những vướng mắc, bi lụy, đau khổ, chấp trước vào thân này. Giúp chúng ta thấu triệt thân này chỉ là một tiến trình luôn biến chuyển, không thật thể. Nó chỉ là do năm uẩn hợp thành, là khối uế trược do thất đại duyên nhau mà có.

Trong kinh đức Phật đã dạy là thân người do tứ đại giả hiệp mà thành, sau khi chết, xác con người phải trả về cho tứ đại. Hơi thở trả về với phong đại, hơi ấm trở về với hỏa đại, chất lỏng trong người trở về với thủy đại, và cuối cùng chất cứng và sệt như thịt xương...hóa dẫn theo địa đại.

Tóm lại, qua năm giai đoạn quán bất tịnh này: chủng tử, trụ xứ, tự tướng, tự thể và chung cánh, chúng ta đã có một quan niệm rõ ràng, chân xác về cái bất tịnh của thân người. Cả thời gian dài của một kiếp sống con người, từ lúc đầu thai đến khi bị vùi xuống đất, quả thật thân người không tìm thấy một tí gì thơm sạch.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhờ cái thân bất tịnh này, nương vào nó để làm phương tiện tu tập, để tìm về với sự thanh tịnh giải thoát. Như muốn qua sông thì phải nương nhờ vào chiếc thuyền vậy. Nếu không có thuyền thì không thể qua sông được. Chớ nên tưởng rằng trong thân bất tịnh này không có Phật tánh. Bởi Phật tánh "bất sinh bất diệt" nằm ngay trong cái sinh diệt.
 
c. Lợi ích của pháp quán Bất Tịnh

Mục đích của pháp quán bất tịnh để chúng ta tu hạnh ly tham, để đối trị lòng tham sắc dục, chứ không phải để chán đời, tự hủy diệt mình. Biết lợi dụng cái thân bất tịnh, vô thường này, mà tìm ra cái "tịnh" cái "thường", ấy chính là bổn ý của đức Phật khi dạy pháp quán tưởng này. Bởi “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, Nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục”.

Ngoài ra, Phật còn dạy chúng ta phải quán tất cả đàn ông là cha ta, tất cả đàn bà là mẹ ta, từ đó lìa được tham ái.

2.3. Quán từ bi

Trong các nguyên nhân gây ra đau khổ cho mình và người thì tánh nóng giận là một nguyên nhân lớn, chẳng kém gì lòng tham lam và tánh si mê. Có những sự nóng giận nho nhỏ trong nhà giữa vợ chồng làm đổ vỡ chén bát; có những sự nóng giận giữa anh em làm u đầu sưng trán; có những sự nóng giận giữa bạn bè làm đoạn tuyệt đường đi lối về; có những sự nóng giận giữa tình địch, hay đồng nghiệp kinh doanh cần phải thanh toán bằng lưỡi dao, mũi súng ...

Tâm chúng ta lúc nào cũng tiềm ẩn sự sân giận, nó sẽ bộc phát bất cứ lúc nào. Nếu người không có tâm định tĩnh để tự chế ngự mình thì sự nóng giận sẽ dẫn mọi việc đến chỗ rất tai hại vô cùng. Nguyên nhân phát khởi sự nóng giận là do sự bảo vệ bản ngã của chính mình. Chỉ cần một sự không vừa ý, trái lòng thì tánh nóng giận liền bộc phát. Bởi chúng ta nói, mọi người không nghe theo, không làm theo ý của mình. Con người lúc nào cũng muốn mình là số một của vũ trụ. Cho nên mình nói gì, mình làm gì mọi người đều phải nghe theo. Nếu mọi người không nghe theo ý của ta, thì sự sân giận nổi lên. Cho nên, đức Phật dạy phải Quán Từ Bi để diệt trừ sự sân giận. Đồng thời, khi phát khởi tâm từ bi tức là chúng ta luôn nghĩ đến người khác, luôn sống vì người khác, và tìm mọi cách để đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho mọi người. Bởi khi tâm chúng ta phát khởi lòng từ bi tức là ta đã có lòng vị tha, thương người. Khi đem niềm vui đến cho người thì cũng đồng nghĩa là chúng ta cũng được an vui.

a. Định nghĩa

Từ bi theo Ðạo Phật được hiểu: "Từ năng dữ nhứt thiết chúng sinh chi lạc; Bi năng bạt nhứt thiết chúng sinh chi khổ". Nghĩa là Từ cho vui tất cả chúng sinh; Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài. Diệt khổ và cho vui đó là tất cả nguyện vọng và hành động lợi tha, cứu đời của người có lòng từ bi.
 
b. Phương Pháp Quán  

Quán Từ bi có ba từng bậc thấp cao, tùy theo căn cơ của ba hạng tu hành: 

(i) Chúng sinh duyên từ: Pháp quán này thường dành cho hạng tu Tiểu Thừa thực hành. Chúng sinh duyên từ, nghĩa là lòng từ bi do quán sát cảnh khổ của chúng sinh mà phát khởi. 

Thường thì con người chỉ có nhu cầu là nghĩ cho riêng mình. Phật dạy pháp quán từ bi tức là giúp chúng ta có tâm từ rộng lớn, quên mình và nghĩ đến tha nhân. Ðây là phương pháp đầu tiên để hòa hợp với mọi chúng sinh. Chúng ta tập phá bỏ cái tánh ích kỷ hẹp hòi để đi đến lòng thương yêu rộng lớn.

Chúng sinh tức là muốn nói đến những hạng người còn đang say mê, chìm đắm trong bể khổ sanh tử, còn đang trói mình trong vòng phiền não nhiễm ô. Như loài địa ngục bị hành phạt đủ điều, ngạ quỷ bị đói rách bứt bách, súc sanh bị cảnh dao thớt hành hình, A tu la đấu tranh, chém giết. Ðến như chúng sinh ở cõi trời tuy vui thú, nhưng vẫn còn bị ngũ suy tướng hiện, luân hồi, đọa lạc như thường. Mà vẫn hơn hết là loài người, cũng chịu không biết bao nhiêu là cảnh khổ, từ vật chất đến tinh thần, từ cá nhân đến đoàn thể. Nhất là đối với luật vô thường: sanh, già, bịnh, chết, chưa ai thoát khỏi được.

Phương pháp tu tập này tuy chưa phá bỏ được ngã chấp, nhưng cũng đã mở rộng được phạm vi hẹp hòi của cái ngã nhỏ và thể nhập vào cái ngã lớn hơn, rồi sẽ chuyển dần sang giai đoạn lý trí cao hơn, bằng phép quán "Pháp duyên từ" sau đây. 

(ii) Pháp duyên từ: Pháp duyên từ là lòng từ bi do duyên "Pháp tánh" mà phát khởi. Ðây là pháp quán dành cho các bậc Trung thừa. 

Hành giả trong khi tu pháp môn này, quán sát thấy tất cả chúng sinh, cùng mình đều đồng một "pháp giới tánh", nên chúng sinh đau khổ là mình đau khổ; vì vậy hành giả khởi lòng từ bi cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Ðến địa vị này, hành giả không còn phân biệt là nam hay nữ, không còn quan niệm mình khác với người, không nghĩ rằng đó là bà con quyến thuộc, chỉ thấy mình cùng người đồng một "pháp giới tánh" mà thôi, nên khi cứu khổ, không cần biết đó là ai, và khi làm, không chấp mình đã làm. Chúng sinh có khổ thì Bồ Tát có Bi. Chỉ nhằm mục đích làm sao cho kẻ khác hết khổ được vui mà thôi. 

(iii) Vô duyên từ: Đây là phương pháp tu tập cao siêu của hàng Ðại Thừa. 

Vô duyên từ là lòng từ bi không có tâm năng duyên và cảnh sở duyên, không còn dụng công, không còn quan sát, đối đãi giữa mình với người. Lòng từ bi này xứng theo thể tánh chơn tâm mà tự khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu khắp mà không phân biệt, chiếu soi tất cả cảnh vật một cách vô tư và không dụng công.

Tuy nhiên, khi thực hành pháp quán từ bi trong cuộc sống thì chúng ta cần phải có trí tuệ. Bởi Trí không Bi là Trí điên đảo, Bi không Trí là Bi mù lòa. Cho nên, đạo Phật là đạo của Từ bi và Trí tuệ, hai thứ này phải luôn song hành cùng nhau.

c. Lợi ích của việc tu tập Quán Từ Bi

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm thì quán Từ bi sẽ được những lợi ích như sau:

- Khi thức hay ngủ đều được an vui

- Hiện tại được nhiều người thương

- Sống trong đời không bị tai nạn trộm cướp

- Trừ được lòng sân hận độc ác

- Dẹp được ngã chấp hẹp hòi

- Đoàn kết được với mọi người

2.4. Quán nhân duyên

Tất cả vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên giả hợp mà thành. Vạn sự vạn vật không thể một mình mà có được, nó phải nương nhờ vào nhau mà hình thành. Nói một cách khác, từ vật lớn cho đến vật nhỏ, từ vât hữu hình cho đến vô hình, đều không ngoài nhân duyên mà có. Vì thế, trong kinh Phật thường nói: "Chư pháp tùng duyên, diệc phục tùng duyên diệt".  Con người cũng không ngoài nguyên lý ấy. Muốn hiểu rõ tường tận sự sanh tử luân hồi của kiếp người thì chúng ta cần phải hiểu về lý "Thập nhị nhân duyên". Để tìm ra phương pháp dứt trừ cái vòng sanh tử luân hồi. 

a. Định nghĩa

Sao gọi là "Nhân duyên"?

Nhân
là nguyên nhân, chỉ cho những sự vật chính đó là nhân, trực tiếp sanh ra một vật khác, như hạt lúa làm nhân sanh ra cây lúa. Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật gì có tánh cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được hình thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công...là trợ duyên giúp cho hạt lúa được thành cây lúa. Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó. 

Chữ "Nhân duyên" lại có nghĩa thứ hai: Các vật đều là "nhân", các "nhân" đó "duyên" với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v...là nhân, các nhân này duyên nhau (nương giúp) mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế này hay thế khác, nên trong kinh chép: "Chư pháp trùng trùng duyên khởi".

Nhân duyên được nói rõ là gồm có 12 nhân duyên:

1. Vô minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tử. 

Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên Giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sự tác động của nhân duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi, diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên, để đi đến chứng được đạo quả của Duyên giác thừa.

1. Vô minh:
Vô minh là không sáng suốt, mề lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật.


2. Hành: Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sanh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.

3. Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.

4. Danh sắc: Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh.

5. Lục nhập: Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.

6. Xúc: Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.

7. Thọ: Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.

8. Ái: Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.

9. Thủ: là sự chấp thủ, nắm giữ.

10. Hữu: Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết.

11. Sinh: Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.

12. Lão tử: Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.

Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc, danh sắc duyên sinh ra lục thập, lục thập duyên sinh ra xúc, xúc duyên sinh ra thọ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.

b. Phương pháp quán 

(i) Quán lưu chuyển:
 Là quán sát trạng thái sanh khởi và luân lưu của mười hai nhân duyên. Vì vô minh nên các vọng động từ từ sanh khởi (hành), thành ra có tâm (thức) và cảnh, đủ cả thế giới và chúng sinh (danh sắc); trong thân chúng sinh có sáu căn là chỗ của sáu trần thường phản ảnh vào (lục nhập), rồi căn, trần thường tiếp xúc (xúc) nhau sanh ra cảm thọ (thọ), nhân thọ sanh ra ưa (ái), vì ưa mới giữ (thủ); do đó mà có (hữu) sanh (sanh) và già, chết (lão, tử). 

Mười hai nhân duyên cũng như sợi dây chuyền có mười hai vòng, vòng này móc vào vòng kia, vòng kia móc vào vòng nọ, nối tiếp nhau không có mối manh, và liên quan cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng trong quá khứ vô minh và hành (căn bản vô minh) làm nhân, sinh ra quả hiện tại (thân đời này) là "thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ"; quả hiện tại (thân đời này) trở lại tạo nhân (trong hiện tại) là "ái, thủ, hữu" (chi mạt vô minh); nhân hiện tại lại sẽ thành quả vị lai (thân đời sau) là "sanh, lão, tử).

Sáu căn và sáu trần vốn thanh tịnh, nhưng do chấp ngã nên sanh ra phiền não, đau khổ.

Nói tóm lại, do vô minh nên tạo nghiệp (hành), vì tạo nghiệp nên chịu quả khổ. Từ nhân sanh quả, quả lại sanh nhân, nối tiếp trong ba đời, quanh quẩn trong sáu đường sanh tử luân hồi, như cái bánh xe lăn tròn trên sợi dây.

Quán sát sự sanh khởi và lưu chuyển của mười hai nhân duyên trong một niệm của hiện tại. Hành giả cũng có thể thấy được sự sanh khởi và lưu chuyển của mười hai nhân duyên, chứ không cần phải quán sát ba đời. Nhưng khi đối cảnh, không rõ các pháp đều là lưu chuyển (vô minh) mà khởi vọng niệm (hành) phân biệt (thức) các cảnh vật (sắc); rồi trần cảnh lại phản ảnh vào căn (lục nhập), căn lại tiếp xúc (xúc) với trần, sanh ra lãnh thọ (thọ), nhân thọ sanh ra ưa muốn (ái), tìm cầu (thủ), do đó tạo ra các nghiệp (hữu) rồi theo nghiệp thọ quả báo (sanh, lão, tử). 

(ii) Quán hoàn diệt: Là quán sát sự tiêu diệt của mười hai nhân duyên. Có hai cách quán: 

- Diệt vô minh gốc rễ (căn bản vô minh). Nếu ta diệt vô minh, thì hành sẽ bị diệt, hành bị diệt thì thức cũng không có v.v...Hay nói một cách khác: do "mê hoặc" nên tạo "nghiệp", do tạo nghiệp nên mới chịu quả "khổ". Vậy muốn hết khổ, lẽ tất nhiên là phải diệt nghiệp, muốn dứt nghiệp trước phải trừ vô minh. 

- Diệt vô minh ngành ngọn (chi mạt vô minh). Ðối với hàng phàm phu và Tiểu Thừa, căn cơ thấp hẹp, thì không thể trực tiếp phá trừ vô minh gốc rễ, mà chỉ có thể phá trừ vô minh ngành ngọn là "ái, thủ, hữu". Khi ngành ngọn đã bị chặt rồi, thì gốc rễ dần dần bị tiêu diệt. 

c. Lợi ích của pháp quán Nhân Duyên

Kinh chép: "Hữu ái sinh ưu, hữu ái sinh úy, vô sở ái nhạo hà ưu hà úy?". Nghĩa là: Bởi có tham muốn thì có lo sợ. Nếu không còn tham muốn nữa thì không có gì để lo để sợ nữa. Vì khi đối cảnh, sanh tâm tham muốn (ái), nên mới tạo tác ra các nghiệp (thủ), do đó phải chịu sanh tử luân hồi (hữu). Bấy giờ, nếu đối cảnh không tham ưa (không ái), thì chẳng tìm cầu chấp thủ (không thủ), vì không chấp thủ nên chẳng có sanh tử luân hồi (không hữu). Tóm lại, mê hoặc hết (ái) thì nghiệp chẳng có (thủ), nghiệp không thì khổ chẳng còn (hữu). 

Hành giả sau khi thành tựu pháp quán mười hai nhân duyên này, thì sẽ trừ được tâm si mê là nguyên nhân chính của khổ đau và luân hồi của chúng sinh. Ðức Phật thường bảo: "Sự khổ ở Tam Đồ chưa hẳn là khổ, chỉ có người thiếu trí huệ mới là khổ thôi". Xem thế thì đủ biết trừ được tâm si mê và làm cho trí huệ được phát chiếu là một điều quan trọng bậc nhất của kẻ tu hành. Cho nên trong các kinh Trung bộ I, Tương Ưng bộ III, Tiểu bộ I, đức Phật thường dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy pháp; ai thấy pháp là thấy Như Lai”.

Hơn nữa, hành giả còn nhờ pháp quán mười hai nhân duyên này mà sẽ chứng được quả Duyên giác. Khi Phật chưa giáng sinh, cũng có nhiều vị tu hành nhờ quán sát sự sanh hóa của vũ trụ mà được ngộ đạo. Những vị ấy người ta thường gọi là Ðộc giác.

Theo kinh Nhân Quả, hai vị đại Ðệ tử của Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khi chưa xuất gia, nhân vì gặp được đại đức Mã Thắng nói bài kệ của đức Phật dạy là: "Chư pháp tùng duyên sanh, Diệt phục tùng duyên diệt, Ngã Phật đại Sa-môn, Thường tác như thị thuyết”. Khi nghe xong bài kệ, hai vị liền xa lìa trần cấu, chứng được đạo qủa thanh tịnh. Nên hai vị này liền đem 200 đệ tử của mình, đến xin Phật cho xuất gia làm đệ tử.

2.5. Quán giới phân biệt

Phần nhiều mọi người đều nghĩ, chúng ta được sống đây chính là có một chủ thể nhất định, một cái ngã trường tồn bất biến. Chính cái ngã đó làm chủ tất cả ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Vì chấp ngã mà mỗi người có một thế giới riêng ngăn cách, giam hãm trong cái vỏ cứng là "cái ta" riêng biệt nên phải sống, chết, quay cuồng, điêu cứng, khổ đau vì “cái ta” ấy.

Nhưng thật ra, có một cái "Ta" như thế không? Nếu có, thì cái Ta ấy ở đâu? Trong sáu căn hay trong sáu trần, hay trong sáu thức? Muốn hiểu rõ vấn đề này một cách tường tận, chúng ta phải quán Giới Phân Biệt thì chúng ta sẽ thấy rõ được điều đó.

a. Ðịnh Nghĩa

Quán Giới phân biệt: Giới có ý nghĩa là giới hạn, là phạm vi phân chia phần này với phần khác, bộ phận này với bộ phận khác. Trong thế giới Ta Bà gồm những vật hữu hình và vô hình này, mặc dù có thiên hình vạn trạng, nhưng theo triết lý của đạo Phật, thì có thể chia ra làm mười tám giới. Hay nói cách khác, đó là quán sát về nội tướng và ngoại cảnh, gồm chung là 18 giới. Chúng ta quan sát, nhận định từng phạm vi, từng giới một trong mười tám giới ấy, để xét xem có một cái ngã trường tồn bất biến, duy nhất hay không, đó tức là quán Giới phân biệt.

Mười tám giới được phân ra làm ba loại là: Sáu căn, sáu trần và sáu thức.

- Sáu căn:
gồm có nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. 


- Sáu trần: là sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. 

- Sáu thức: là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. 
 
b. Phương Pháp Quán  

Pháp quán này gồm có hai phần: Quán sát sự liên hệ giữa căn, trần và thức; và quán sát sự giả dối của căn, trần và thức. 

(i) Quán sát sự liên hệ giữa căn, trần và thức

Căn là phần chủ động, có khả năng duyên được với trần, còn trần là phần bị động "được duyên" với căn. Nhờ có phù trần căn và tịnh sắc căn, nên con người mới có thể nhận biết các cảnh vật chung quanh trong sự sống hằng ngày. 

Nếu không có căn, dĩ nhiên không có thức, thì con người không phải là con người. Họ không sáng tác, xây dựng, cải cách, tiến hóa, và thế giới này phải là thế giới "chết", mờ mịt không có ý nghĩa. Nếu không có trần, con người cũng không sống nổi. Thức lại tác động vào căn và trần làm cho cuộc sống càng thêm tiến bộ, sung túc thịnh vượng. 

Ba thứ này ảnh hưởng lẫn nhau, nó không độc lập riêng biệt. Mười tám giới này gồm cả thế giới và nhân sinh, cả vật vô tình và vật hữu tình. Một khi chúng đã không tự lập, thì trong vũ trụ này, không có một vật gì, kể cả con người, cả cái ngã, do chúng cấu tạo ra lại có thể biệt lập, thuần nhất được.

(ii) Quán sát sự giả dối của căn, trần và thức

Chúng ta quán sát xem cái ngã có thể có trong một phần nào của căn, trần và thức chăng? 

a) Sáu căn là ngã chăng? Trước tiên, chúng ta hãy xét bản chất của sáu căn là gì? Chính là một khối xương da máu thịt, hợp lại có trật tự, có tổ chức, chứ không gì khác. Mà đã là thịt da, xương máu thì không có gì là bền bỉ, thuần nhất. Và sau một trăm năm, thử hỏi thể xác ấy sẽ còn lại gì, ngoài "nắm cỏ khâu xanh rì"? 

Giả sử có một cái ngã ở sáu căn, thì cái ngã ở nơi mắt, thì năm căn kia không phải là ngã. Nếu cái ngã ở nơi tai, thì năm căn kia không phải là ngã. Lần lượt xét cả sáu căn, chúng ta không thể nói được cái ngã ở một phần nào trong sáu căn. Nếu cho rằng sáu căn đều là ngã, thì thành ra con người có đến sáu cái ngã. Nói thế chắc không ai công nhận được. Nếu do sáu căn hòa hợp mà có cái ngã, thì cái ngã ấy cũng chỉ là không thật, là giả hợp. 

b) Sáu trần là ngã chăng? Trần với căn không khác gì mấy. Căn đã không tự tại trong cuộc sinh tồn, thì trần làm sao đứng vững, còn hoài.? 

Giả sử, "ngã" nằm trong sắc, thì trên thế giới này phải không có sự đổi trắng, thay đen. Như hoa nở rồi tàn, hết ngày rồi đêm, bãi bể biến thành vườn dâu, cuộc đổi thay đã bày rành rành ra trước mắt. Cho đến thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều là vô thường, vô ngã như sắc cả, nên sự vô ngã của chúng lại càng rõ rệt hơn nhiều. 


c) Sáu thức là ngã chăng? Thức là sự nhận biết do căn và trần đối nhau mà có. Ðiều ấy đã chứng minh rằng thức không thật có.
Xét từ trong đến ngoài, từ duyên đầu đến duyên chót, nhãn thức đã không có mảy may gì là chơn thật cả. Các thứ kia như nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức cũng như vậy cả. Xem thế thì đủ rõ sáu thức đều là không thật, nghĩa là cũng vô ngã như sáu căn và sáu trần. 

Tóm lại,
từ căn thân cho đến thế giới, gồm trong mười tám giới, đều không thật có, không thật ngã. Hành tướng do nhân duyên hòa hợp thì có, nhưng thật thể thì hoàn toàn không.


5.3. Lợi ích của Pháp Quán Giới Phân Biệt  

Pháp quán giới phân biệt có công năng phá tan sự ngã chấp. Cái ngã đã bị phân tán, chia xẻ. Khi Ngã chấp đã không còn, thì ngã ái, ngã mạn cũng không biết nương tựa vào đâu để tồn tại. Do đó các phiền não, ác nghiệp, khổ đau cũng sẽ hết, thì an vui, tự tại hiện ra. Ðó là cái kết quả chắc thật đầu tiên của pháp quán Giới Phân Biệt. 

Từ sự an vui, tự tại ấy, hành giả sẽ cố gắng tiến dần trên đường đạo. Hành giả sẽ dần dần chứng được các quả vị Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Nhưng không dừng lại ở các quả vị ấy mà còn tiến dần đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác.  Nếu cố gắng tu tập tiếp tục thì hành giả sẽ đến bực "Vô trí, vô đắc", tức là chứng được đạo quả vô thượng Bồ đề. 

C. KẾT LUẬN

Ngũ Đình Tâm Quán là pháp tu căn bản của hàng đệ tử Đức Phật. Quán sổ tức giúp chúng ta đối trị sự tán loạn của tâm trí, và diệt trừ được lòng tham sắc dục qua pháp Quán Bất tịnh, đối trị lòng sân hận thì Quán Từ bi. Muốn trừ si mê thì Quán Nhân duyên, phá tan được ngã chấp thì quán Giới phân biệt. Ngũ Đình Tâm Quán là một phương pháp tu đem lại sự an tĩnh tâm hồn, giúp thân tâm thanh tịnh. Tu tập pháp môn này có khả năng chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, đoạn phiền não chứng Bồ Đề, lìa sanh tử, thành tựu Niết Bàn.

Ngũ Đình Tâm Quán là năm phương thuốc thần diệu để chửa lành những căn bệnh vô minh, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn dạy: “tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên không chứng đắc”. Hiểu rõ điều này, hành giả phải nỗ lực, kiên trì tu tập theo phương pháp Ngũ Đình Tâm Quán để phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, chứng đắc Niết Bàn.

Thông báo

Video