Sự Kiện

VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Trong thời kỳ dựng nước và giữ nước, những công trạng của các vị danh tướng được nêu tên trên bảng vàng, trong đó có cả nam tướng lẫn nữ trung hào kiệt. Hôm nay, nhân ngày quốc tế Phụ Nữ 08/03 ta thử tìm hiểu và tôn vinh một vài nét đẹp mà người phụ nữ Việt Nam có được.

19/04/2023

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của xã hội, nước nhà đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chịu nhiều ảnh hưởng bởi chiến tranh. Thế nhưng, với tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường của dân tộc đã mạnh đấu tranh trước mọi thế lực thù địch, nhân dân ta đoàn kết một lòng không chịu khuất phục trước kẻ thù hung bạo ngoại xâm. Sau trận chiến trên sông Bạch Đằng 938, Ngô Quyền dẹp loạn đội quân Nam Hán, nước ta đã giành được thắng lợi lớn, độc lập chủ quyền dân tộc, tạo nên một bước ngoặc mới cho sự phát triển của đất nước.

 



Ảnh: Các bạn thành viên nhóm MXPP tham dự lễ Vu Lan - Báo hiếu.


Trong thời kỳ dựng nước và giữ nước, những công trạng của các vị danh tướng được nêu tên trên bảng vàng, trong đó có cả nam tướng lẫn nữ trung hào kiệt. Hôm nay, nhân ngày quốc tế Phụ Nữ 08/03 ta thử tìm hiểu và tôn vinh một vài nét đẹp mà người phụ nữ Việt Nam có được.

1. Tính đặc thù về văn hoá, chính trị, văn học trong người phụ nữ Việt Nam

- Văn hoá

Mỗi nước mỗi quốc gia đều có một văn hoá đặc trưng mà mỗi khi nhắc đến là ai cũng đều biết rất rõ. Ví như, khi nhắc đến văn hoá về trang phục Kimono thì ta liền liên tưởng đến đất nước Nhật Bản, khi được nhắc đến áo dài, nón lá thì ai cũng biết đó là nét đẹp của văn hoá nước Việt Nam.

Việt Nam ta rất hãnh diện trong trang phục áo dài thướt tha nên đã mạnh dạn giới thiệu với các nước trên thế giới thông qua các buổi lễ hội, meeting, thời trang ... được các nước trên thế giới biết đến. Ta thử hồi tưởng hình dung lại về lịch sử vẻ vang của dân tộc, hai vị nữ tướng là: Trưng Trắc, Trưng Nhị đã xông pha đánh giặc Hán trong trang phục, đầu đội chiếc nón quai thao, thân mặc áo dài tứ thân, hình ảnh người phụ nữ rất đẹp, y phục tuy rất nữ tính nhưng khí phách lại hào hùng, đánh tan tác kẻ thù, làm cho quân địch khiếp đảm và sợ hãi. Đến nay, khi nghe nhắc đến nữ trung hào kiệt thì bất cứ ai dù nam hay nữ cũng phải ngả mũ thán phục và vinh danh công lao của hai vị này.

- Chính trị

Để có được một quốc gia an bình thịnh trị, một xã hội văn minh phát triển như ngày hôm nay, chúng ta đâu biết rằng đã có rất nhiều sự hi sinh cao quý của các vị tiền bối hữu công, các vị anh hùng dân tộc, về phái nữ cũng được biết đến rất nhiều như: Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (Ỷ Lan) đã hai lần nhiếp chính làm cho đất nước dưới triều đại nhà Lý lớn mạnh, những đóng góp cho Phật giáo và sự điều hành quyền lực của bà đâu khác chi bậc anh tài.

Sự mở mang bờ cõi đất nước hình chữ S, người có công lao to lớn được thế hệ sau nhắc đến là công chúa Huyền Trân, người đã hi sinh tấm thân ngọc ngà châu báu của mình, đã chấp nhận lấy Vua Chế Mân nước Chiêm Thành để được đánh đổi sính lễ bằng hai châu: Châu Ô và Châu Rí.

Đó là một vài nhân vật được nêu lên làm tiêu biểu. Ngoài ra, còn rất nhiều danh tướng nữ khác đã đóng góp cho sự phồn vinh của dân tộc.

- Văn học

Trong hệ thống văn học Việt Nam có hai dạng là văn học dân gian và văn học viết, trong hai loại này lại được chia làm nhiều thể loại nhỏ khác rất đa dạng và phong phú như: văn học sử thi, truyện cổ tích, đố, vè... Đây có thể được xem là một quá trình đóng góp, tích luỹ của nhiều nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Trong đó, cũng có nhiều nhà thơ nữ đã vang danh được nhắc đến như: bà Huyện Thanh Quan có các tác phẩm nổi tiếng: Qua Đèo Ngang, Tức Cảnh Chiều Thu,... nhà thơ Xuân Quỳnh có tác phẩm Sóng, Thuyền và Biển.... ngoài ra, còn các nhà thơ nữ nổi cộm khác như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... cũng góp phần làm nổi bật cho nền văn học nước nhà.

2. Tình mẫu tử

Tất cả ai trong chúng ta dù lớn hay nhỏ, dù nam hay nữ, dù là một bậc vĩ nhân hay một người thường dân cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương, trong dòng sữa ngọt ngào bao la từ tình Mẹ.

Mẹ được sánh ví như là một vị Bồ Tát, với tình yêu thương rộng lớn nồng nàn, cam chịu mọi khó khăn, gian khổ, cơ cực của cuộc đời để giành cho con mình sự ấm êm và hạnh phúc.

Tình yêu mà người Mẹ dành cho con là một thứ tình cảm thiêng liêng vô điều kiện. Tình yêu thương đó là thứ mầu nhiệm để sau này người con làm tư lương mang theo suốt cuộc đời. Người con nào mất Mẹ là mất tất cả, cũng như nhà thơ Xuân Tâm có viết:

'Năm xưa tôi còn bé/ Mẹ tôi đã qua đời/ Lần đầu tiên tôi hiểu/ Thân phận trẻ mồ côi/ Quanh tôi ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là hết khổ đi rồi/ Hoàng hôn phủ quanh mộ/ Chuông chùa lạnh rơi rơi/ Tôi thấy tôi mất Mẹ/ Như mất cả bầu trời.'

Chúng ta thấy người Mẹ rất quan trọng, được sánh ví như bầu trời, ta thử hình dung nếu ta sống mà không có bầu trời, không khí thì làm sao ta có thể tồn tại.

Khi Mẹ sinh ra Ta, người đã dạy Ta khôn lớn, dạy từng cách đi, đứng, nói năng, học hành, đối nhân xử thế,... mọi thứ Ta đều được truyền thừa từ người Mẹ. Không ai có thể dám phủ định những công lao mà Mẹ đã ban tặng cho Ta.

Mẹ là nơi nương tựa vững an duy nhất, khi ta vừa mới sanh ra đã được Mẹ dìu dắt từng bước chân khập khiễng, đến khi lớn lên Mẹ dạy từng kinh nghiệm để con bước vào đời. Bởi thế, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

3. Cần cù, kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang

Những đức tính tốt đẹp này luôn hàm tàng trong bản chất người phụ nữ Việt là tính cần cù, luôn chịu cực, chịu khó dù bản chất công việc có khó khăn, cơ cực vẫn sẵn sàng đương đầu xông pha gánh vác. Trung thực, thẳng thắn và luôn luôn chia sẻ yêu thương với người khác khi gặp cơn nguy khốn, hi sinh trong công việc, nhất là có mặt kịp thời khi đất nước có lời kêu gọi.

Sau khi tìm hiểu sơ lược về những nét đẹp đặc thù về nội dung lẫn hình thức của người phụ nữ Việt Nam ta mới thấy rằng, giá trị của người phụ nữ đã được nâng lên ngang hàng với những bậc nam nhi, không như quan niệm định kiến sai lầm của Nho giáo khi nói về người nữ: 'nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô' quan điểm này đã bị lỗi thời, lạc hậu bị bỏ lại sau lưng so với thời đại. Ngay cả đức Phật cũng đã đề cao vai trò của người nữ trong xã hội đương thời, chấp nhận cho phép nữ giới xuất gia, mặc dù bị nhiều sự chống báng trái chiều về hành động này. Đức Phật với chỉ trương: 'mỗi người đều có tính Phật, đều có khả năng thành Phật' hoặc 'ai cũng có dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn' những quan điểm này đã thể hiện được sự bình đẳng giới trong xã hội. Cho đến nay, xã hội mỗi ngày một phát triển thì Phật giáo đã hoà mình bắt kịp thời đại.

Hôm nay, hoà trong tinh thần truyền thống văn hoá ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, người viết xin bày tỏ lòng tri ân đến những người Bà, Mẹ, Cô, Chị, Em, Bạn, hết thảy những người phụ nữ nói chung. Chúc tất cả đều mạnh khoẻ, nhất là cần góp phần giáo dục con em mình theo tinh thần đạo đức Phật dạy, sống theo lí nhân quả, làm lành lánh dữ ngay từ những bài học thuở đầu đời.

-Trí Huệ-
----------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Wikipedia tiếng Việt - Bách khoa toàn thư mở.

2. Bài viết: Vai trò của người Phụ Nữ đối với vấn đề Văn Hoá Dân Tộc Việt Nam - HT. Như Điển.

 

Thông báo

Video