Sự Kiện

TÌM HIỂU TIẾN TRÌNH NHẬN THỨC TRONG PHẬT GIÁO

Tất cả mọi sự nhận thức hiểu biết từ trực quan sinh động (nhận thức cảm tính) đến tư duy trừu tượng (nhận thức lý tính) được hình thành đều trải qua một quá trình nhất định. Trong Phật giáo thì cho rằng, sự nhận thức của con người được thiết lập từ sự kết hợp của chuỗi hệ thống liên kết sau: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư. Hay gọi một cách ngắn gọn là bao gồm Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, thiếu một trong hai thứ này thì sự nhận thức không thể có được.

18/04/2023
DẪN LUẬN

Ai trong chúng ta có mặt trên cuộc đời này đều có sự hiểu biết, nhận thức nhất định chẳng ai giống ai, các cá nhân khác nhau có thể nhìn nhận một vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, để có thể nhận biết được mọi sự vật, hiện tượng thì chúng đều diễn ra theo những tiến trình nhất định. Dẫu rằng, chúng có sự khác nhau về mặt ngôn từ khi diễn đạt, nhưng nội dung những nguyên lý căn bản để hình thành sự nhận thức đều hoàn toàn giống nhau.

Khi được trải qua quá trình nghiên cứu và học thuật cấp cử nhân, người viết cũng đã từng được tiếp xúc với các bộ môn thuộc ngành Triết học Phật giáo (Department of Buddhist Philosophy), được nghiêm túc tìm hiểu về những bộ môn Nhận Thức Luận (Epistemology), Duy Thức Học (Consciousness only), rất cảm thấy thích thú vì nó có thể giúp chúng ta lí giải được những nguyên nhân, các cơ sở lí luận để đưa đến hình thành và hiểu biết về các sự vật hiện tượng trong cuộc sống.

Tất cả các thông tin, dữ liệu được lưu trữ trong não bộ đều do quá trình tiếp xúc với hàng loạt các đối tượng bên ngoài, nó được xử lí phân biệt một cách cụ thể về màu sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng….), trọng lượng (nặng, nhẹ…), khống lượng (to, nhỏ…).

Trong nhận thức này, chúng chưa thể phân định được nó là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala). Vì còn lệ thuộc vào đối tượng nhận thức cảnh sắc nhiễm tịnh khác nhau “Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình ác không làm/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai.”[1]

Tiến trình của sự nhận thức được nhắc đến bàng bạc trong các Kinh (Sūtra), Luận (Śāstra) thuộc hệ thống Nguyên Thủy (Theravāda) lẫn Đại Thừa (Mahāyāna). Đơn cử trong Luận Đại Thừa Bách Pháp (大乘百法明門論) nhắc đến “tâm sở biến hànhcó năm: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.”[2]

Trên cơ sở đó, trong kinh Mật Hoàn (Madhupiṇḍika Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) cũng có đoạn: “Chư Hiền, do nhân con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ, những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhân, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại. Tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân”.[3]

Thông các đoạn kinh, luận vừa trích dẫn ta thấy rằng để đi đến nhận thức một sự vật, sự việc hiện tượng trong sạch hay ô nhiễm thì cần phải trải qua một quá trình.

Tiến trình nhận thức được lập thành do sự kết hợp của Giác Quan, Đối Tượng, Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng (Tưởng = tri giác + ký ức + mạng lưới khái niệm) và Tư (phản ứng của tâm + tâm sở). Đây là lúc mức độ biện luận (discursive levels) được phát triển lên cao độ. Trong đó, vai trò của Não (brain) là tổ chức và kiến giải thông tin.

Trong quá trình tiếp cận tham cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau của chư vị Tiền Bối cũng như nhiều học giả đã nghiên cứu, phiên dịch, trước tác, sớ giải có liên quan đến lịch sử văn học của đề tài, đã được xuất bản theo từng niên đại khác nhau như: Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn do HT. Thích Tuyên Hóa lược giảng; Duy Biểu Học, HT. Thích Nhất Hạnh; Duy Thức Học, HT. Thích Thiện Hoa; Thành Duy Thức Luận, HT. Thích Thiện Siêu; Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhamma Sutta), HT. Thích Minh Châu (dịch); Duy Thức Tam Thập Tụng, HT. Thích Hoàn Quang (dịch).

Ngoài ra, còn một số bài viết riêng lẻ đã được các nhà Phật học phiên dịch, nghiên cứu, giảng luận.

Tuy nhiên, những tác phẩm, bài viết trước đây tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nên chỉ mang tính khái lược, định nghĩa, diễn dịch các thuật ngữ cơ bản, chưa đi sâu vào phân tích, lý luận, biện chứng trên nền tảng nghiên cứu khoa học. Do đó, trong bài biết này người viết sẽ nghiên cứu sâu hơn, nhằm phát hiện ra những cái mới, tạo sự thích thú hơn cho quý đọc giả. Hy vọng, nó sẽ góp phần phong phú thêm cho vườn hoa Phật pháp được nhiều ý tưởng mới (new ideals), gia tăng nguồn tư liệu cho sự nghiên cứu Phật học (Buddhist studies) của nước nhà.

Bố cục bài viết bao gồm ba phần:

1. Khái niệm ‘Nhận Thức’

2. Tiến trình nhận thức

3. Phương pháp làm chủ nhận thức sống đời an lạc

Bài viết dựa trên cơ sở phương pháp nghiên cứu dưới dạng phân tích đánh giá triết học, từ đó có thể làm sáng tỏ hơn về những lời dạy minh triết và đạo đức của đức Phật. Đồng thời sử dụng phương pháp nghiên cứu sử liệu nhằm soi sáng, minh chứng những giá trị về lời dạy đức Phật ở góc độ lịch sử. Ngoài ra, người viết còn kết hợp phương pháp nghiên cứu so sánh để thấy rõ được sự khác nhau giữa học thuyết đạo Phật và ngoài đạo Phật.

NỘI DUNG

1. Nhận thức là gì?

Khi nhắc đến khái niệm của từ ‘Nhận Thức’ (zh. 認識; en. Cognition) thì có khá nhiều tư liệu sách, từ điển khác nhau đề cặp nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn tương đồng.

Nhận thức: sự nhận biết. Đây là nói theo sự quan hệ giữa chủ quan nhận thức và khách quan (đối tượng) bị nhận thức. Phật giáo gọi chủ quan là ‘thức’, khách quan là ‘cảnh’ rồi nói rõ mối quan hệ giữa thức và cảnh mà phát triển thành hệ thống nhận thức luận, tức là duy thức học.[4]

Nhận thức: là một quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn, nhằm sáng tạo ra những tri thức về thế giới khách quan đó.[5]

Nhận thức: là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể.[6]

2. Tiến trình nhận thức

Tất cả mọi sự nhận thức hiểu biết từ trực quan sinh động (nhận thức cảm tính) đến tư duy trừu tượng (nhận thức lý tính) được hình thành đều trải qua một quá trình nhất định. Trong Phật giáo thì cho rằng, sự nhận thức của con người được thiết lập từ sự kết hợp của chuỗi hệ thống liên kết sau: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư. Hay gọi một cách ngắn gọn là bao gồm Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, thiếu một trong hai thứ này thì sự nhận thức không thể có được.

  • Xúc (; pi. Phassa; en. touchs)


Xúc:
Có từ gốc Phus nghĩa đen là va chạm, mô tả sự đụng chạm theo nghĩa chung nhất là sự tiếp xúc thân căn. Trên thực tế nội hàm chúng rất bao quát, gồm sự tiếp xúc của Chủ thể nhận thức đối với các đối tượng được nhận thức dù nó là vật chất hay tinh thần. Khái niệm này được đức Phật nói đến cụ thể trong Nikāya như sau: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc thân này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.[7]

Nhãn xúc: Là xúc sinh từ nhãn thức. Như có Pāli sau: “Cakkhuñ ca paticca rūpaṃ ca upajjhati cakkhuviññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati phasso” (Do duyên mắt và duyên các sắc, sinh khởi nhãn thức, ba pháp này hòa hợp là xúc).[8] Khi nhãn căn (eyes base) được gặp gỡ (xúc) trực tiếp với sắc trần (form objects) thì nhãn thức (eyes consciousness) được có mặt. Nhiệm vụ của nhãn thức là nhận biết hình dáng, nếu không có nhãn thức, chúng ta sẽ không nhìn thấy gì cả. Tuy nhiên, nhãn thức lại tùy thuộc vào nhãn căn. Khi nhãn căn gặp một hình dạng thì nhãn thức liền phát sanh. Nếu nhãn thức căn không gặp hình dáng thì nhãn thức không bao giờ phát sanh (ví như người bị mù không có nhãn căn, như vậy nhãn thức không bao giờ phát sanh). Người tu tập nên luôn thấu triệt điểm tối yếu này để thực tập sao cho hạn chế nhãn căn tiếp xúc với hình sắc, để làm giảm thiểu sự khởi đậy của nhãn thức. Phật nhắc nhỡ chúng để tử ngài rằng phương pháp duy nhất để giảm thiểu sự khởi dậy của nhãn thức là thiền định (Samatha).

Nhĩ xúc: Là xúc sinh từ nhĩ thức. Như có Pāli sau: “Sotaviññāṇena sampayutto samphasso’ti = sotasamphasso” (Sự chạm (cảnh) của nhĩ thức và các pháp hòa hợp (với nhĩ thức), gọi là nhĩ xúc).

Khi tiếp xúc và va chạm với thực tế của cuộc sống thường nhật, tai chúng ta sẽ được lắng nghe rất nhiều những âm thanh khác nhau, dù có tác ý hay không thì nó vẫn có mặt và dần dần huân tập vào tiềm thức. Nếu, ta khéo tác ý đúng như lý thì các loại âm thanh sẽ được chọn lọc. Bởi, chức năng và nhiệm vụ của nhĩ xúc là nhận biết âm thanh. Tuy nhiên, nhĩ thức lại tùy thuộc vào nhĩ căn, khi âm thanh và nhĩ căn gặp nhau thì nhĩ thức phát sanh (đối với những người bị khiếm thính thì nhĩ căn và âm thanh không bao giờ gặp nhau, nên nhĩ thức không bao giờ hiện khởi). Nếu ý thức rõ việc này thì trong quá trình tu tập nên hạn chế và đóng bớt nhĩ căn.

Tỷ xúc: Là xúc sinh từ tỷ thức. Như có Pāli sau: “Ghānaviññāṇena sampayutto samphasso’ti = ghānasamphasso” (Sự chạm (cảnh) của tỷ thức và các pháp hòa hợp (với tỷ thức), gọi là tỷ xúc).

Tỷ ở đây là chỉ cho căn mũi, khi mũi tiếp xúc với các mùi hương bên ngoài thì tỷ thức có mặt, nhận dạng và phân biệt các mùi thơm, hôi, … khác nhau. Nếu đối với người có vấn đề về khứu giác thì mùi vị không bao giờ xuất hiện, do đó tỷ thức không có mặt.

Thiệt xúc: Là xúc sinh từ thiệt thức. Như có Pāli sau: “Jīvhāviññāṇena sampayutto samphassoti = jīvhāsamphasso” (Sự chạm (cảnh) của thiệt thức và các pháp hòa hợp (với thiệt thức), gọi là thiệt xúc).

Thiệt là chỉ cho vị giác, nó có chức năng nếm các mùi vị khi các yếu tố hay thức ăn tiếp xúc và cho ra phản ứng nhận biết các vị chua, cay, mặn, nhạt…

Thân xúc: Là xúc sinh từ thân thức. Như có Pāli sau: “Kāyaviññāṇena sampayutto samphassoti = kāyasamphasso” (Sự chạm (cảnh) của thân thức và các pháp hòa hợp (với thân thức), gọi là thân xúc).

Thân ở đây chỉ cho thân cân, khi thân tiếp xúc với các yếu tố ngoại cảnh thì sẽ có các phản ứng lạnh, nóng, trơn, nhám… từ đó các cảm thọ cũng được phát sanh.

Ý xúc: Là xúc sinh từ ý thức. Như có Pāli sau: “Manoviññāṇena sampayutto samphassoti = manosamphasso” (Sự chạm (cảnh) của ý thức và các pháp hòa hợp (với ý thức), gọi là ý xúc).

Xúc này được thiết lập trên nên tảng của 3 yếu tố hòa hiệp căn, cảnh và tác ý. Xúc là một trong những điều kiện đầu tiên để tạo ra sự nhận thức.

Xúc được xảy ra khi có sự xúc tác của căn trần thức. Ở đây ngầm hiểu samphassa là có sự phản ứng của tâm đi kèm của ưa thích hoặc không ưa thích. Nhưng đa số hàng phàm phu (assutava puthujjano) như chúng ta, khi tiếp xúc các đối tượng trần cảnh bên ngoài thì tâm có xu hướng nắm bắt vin lấy cảnh rồi khởi lên những phản ứng thuận nghịch của tâm khiến cho các phiền não dễ dấy khởi. Riêng đối với các bậc Thánh (Ariyanaṃ adassavi) khi nhìn thấy người thân kẻ sơ, thì không có thói quen nắm giữ cảm thọ tìm cầu.

  • Tác ý (zh. 作意, pi. Manasikāra; en. Attention)


Tác Ý
mang nghĩa chú ý, cân nhắc, dụng tâm;

  • Yoniso manasikāra: 从起源作意 tòng khởi nguyên tác ý (chú ý/ dụng tâm tùy theo nguồn gốc xuất hiện), 如理作意 như lý tác ý (chú ý/ dụng tâm theo như cái lý lẽ/ chân lý).
  • Ayoniso manasikāra: 未从起源作意 vị tòng khởi nguyên tác ý (chú ý/dụng tâm chưa theo nguồn gốc xuất hiện), 非如理作意 phi như lý tác ý (chú ý/ dụng tâm trái với cái lý lẽ/ chân lý).


Trong phật giáo, Tác Ý được xem là rất quan trọng và cần thiết trên lộ trình tu học của mỗi hành giả, vì khi có sự gặp gỡ giữa các giác quan và đối tượng trần cảnh tương ứng, nếu ta biết nhìn nhận một cách đúng đắn mọi sự vật, hiện tượng đang diễn ra thì chúng sẽ diễn tiến theo lối tích cực, lợi ích, an lạc, bằng ngược lại thì kết quả mà đương sự phải gánh lấy là rất khó nói. Như trong Kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya) đức Phật có dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.” [9]

Đạo Phật luôn đặt nặng trên nền tảng của lý trí, sự hiểu biết (sammā-diṭṭhi), nếu hành giả muốn thanh tịnh tâm ý thì cần phải Như lý tác ý (Yoniso manasikāra) hay tâm đặt đúng hướng đối với các sự vật và hiện tượng đúng với bản chất thật sự của chúng là Duyên sanh (Paṭiccasamuppāda), Vô thường (anicca), Khổ (dukkha), Không (Śūnyatā), Vô ngã (anatta) trong quá trình tiếp xúc, không để bất kỳ ý niệm nào hiện khởi, đan xen, phân biệt, tính toán, can thiệp so đo của ý thức. Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) đức Phật cũng đã từng dạy: “Và người khác không biết/ Chúng ta đây bị hại/ Chỗ ấy, ai hiểu được/ Tranh luận được lắng êm.”[10]

Đây được gọi là như lý tác ý (yoniso manasikàra) hay tâm đặt đúng hướng, nghĩa là việc tác ý hay tâm sinh đúng pháp, đúng tinh thần lời Phật dạy, có khả năng dứt trừ các lậu hoặc đưa đến đoạn tận mọi khổ đau.

  • Thọ (zh. ; sa., pi. Vedanā; en. Feelings)


Chữ ‘Thọ có nghĩa là lãnh nạp, căn lãnh nạp trần, nhãn lãnh nạp sắc, nhĩ lãnh nạp thanh, tỷ lãnh nạp hương, thiệt lãnh nạp vị, thân lãnh nạp xúc; năm căn lãnh nạp sự vật bên ngoài vào bên trong tâm thức, cho nên gọi là thọ.[11]

Thọ là một trong những yếu tố quan trọng trong tiến trình nhận thức, nó là sự tiếp nhận cũng như biểu hiện của các trạng thái biểu cảm. Sau khi gặp sự giao thoa giữa căn, trần và thức rồi thì có ba trạng thái được xảy ra bao gồm: vui (sukha), buồn (dukkha), và trung tính (adhukkhama asukha). Ba trạng thái này được nhắc đến trong kinh Tương Ưng bộ (Samyutta Nikāya) như sau:

“Này Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Khát ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đó là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.”[12]

Thọ lại được sinh khởi từ hai cách;

Do năm giác quan/ thọ tự nhiên (kamma upaka): Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, thân xúc chạm thì khởi lên ba trạng thái vui buồn và trung tính (khổ thọ, lạc thọ, xả thọ). Ngoài ra, thọ cũng được xem là do ảnh hưởng bởi những nghiệp quả trong quá khứ (kamma vipaka) như khi Đức Phật còn tại thế vẫn còn có triệu chứng đau đầu, bị đứt chân… Nên trong cuộc sống hiện tại ta phải biết nhìn nhận các sự vật hiện tượng như chúng đang là (yoniso manasikara) và ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện.

Do tâm hành (mano sankhara): Gồm có hỷ (somanassa) và ưu (dumanassa). Hai trạng thái này thuộc tâm sở thọ (cetasika vadana), chúng được có mặt khi được sự kết hợp cùng với thói quen phản ứng của tâm và tâm tham ái. Vì thế, Xúc và Tác ý chưa hình thành nên thức được, phải có tiếp nhận (thọ) đối tượng để sanh ra những cảm giác, những trạng thái tâm lí vui mừng, buồn giận. Nếu hành giả biết an trú tâm trong giây phút hiện tại thì những nghiệp quả trong quá khứ và thói quen của tâm hành dần dần được chuyển hóa.

  • Tưởng (zh. , sa. saṃjñā, pi. Saññā; en. Conception )


Tưởng:
Được hiểu là những khái niệm, hồi tưởng, kí ức, ấn tượng các giác quan… và cũng đã được Trung Hoa dịch là ‘thủ tượng vi nghĩa’, là lấy cái ảnh tượng bên ngoài đưa vào trong tâm gọi là Tưởng.[13]

Cũng ví như khi ta ra đường gặp một bông hoa hoặc một phụ nữ đẹp, khi về đến nhà ta hình dung hoặc suy nghĩ lại những hình bóng ấy thì đó được gọi là tưởng. Thêm vào đó, khi ta tiếp xúc một đối tượng nhận thức ta tạm gọi là A, khi ấy thông qua những dữ liệu vốn sẵn có từ những kinh nghiệm trước đó cộng thêm sự tưởng tượng thì tâm thức ta lại cho ra một sản phẩm, nhưng sản phẩm ấy không phải là A như ban đầu mà là A’ vì đã được thêm thắt nhiều thông tin chủ quan của ta. Vì thế, đặc tính của chúng có thể nhằm lẫn không vẹn toàn.

Đấy là một ví dụ thuộc về sắc tưởng còn thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng cũng tương tự như thế. Vì tưởng nó cũng như thọ bao gồm có sáu.

  • (zh. , pi. Cetanā; en. Perception)


Tư là một trong những chi cuối cùng trong tiến trình của sự nhận thức, sau quá trình diễn ra từ tiếp xúc cho đến tưởng tượng thì Tư là yếu tố sau cùng để đưa đến quyết định tác thành nhận thức thiện (kusala) hay bất thiện (akusala). Tư còn được xem như là sự suy nghĩ, toan tính, phán đoán, là động lực, ý chí thúc đẩy để đưa đến hành động (action).

Ví như, một người hay nghĩ ngợi về dục lạc thì lâu ngày tâm thức của người ấy sẽ thiên nặng về lòng dục, bị nung nấu bởi dục vọng, chứa đầy dục vọng, hễ móng tâm thì khởi nghĩ về dục hay rơi vào quỹ đạo của dục vọng. Trái lại, một người quen nghĩ về ly dục thì tâm thức của vị ấy luôn luôn có khuynh hướng thiên về ly dục, thoát khỏi dục vọng, không còn bị dục vọng chi phối, lòng trở nên thanh thản, nhẹ nhàng. Điều này gợi ý tưởng rằng chúng ta nên tập một thói quen suy tư sao cho tâm hồn luôn luôn được trong sáng nhẹ nhàng, tránh để cho các tư tưởng dục, sân và hại làm cho u ám nặng nề;

“Người siêng năng cần mẫn/ Thường thường quán thân niệm/ Không làm việc không đáng/ Gắng làm việc đáng làm/ Người tu niệm giác tỉnh/ Lậu hoặc được tiêu trừ.” [14]

Ví dụ như một chàng họa sĩ tự suy nghĩ tưởng tượng ra một cô gái thật đẹp và đã phát họa nên một bức ảnh, sau khi hoàn thành tác phẩm thì ngắm nghía và trở nên yêu cô gái trong ảnh một cách thẫn thờ. Do đó, Tư là yếu tố chính yếu sau cùng để đưa đến quyết định một hành động của đương sự.

3. Phương pháp làm chủ nhận thức sống đời an lạc

Làm chủ nhận thức sống đời an lạc là một trong những vấn đề trọng yếu đối với hầu hết những người tu học theo đạo Phật. Những tín đồ Phật giáo nói chung thì mục đích tối hậu là làm sao để có thể đạt được cuộc sống tỉnh thức, tự tại, thoải mái, thảnh thơi ngay trong hiện đời cũng như kiếp sống tiếp nối. Tuy nhiên, để thành tựu được những điều này thật chẳng dễ dàn, bởi nó đòi hỏi đương sự cần phải trải qua quá trình tôi luyện lâu dài, ý chí nghị lực phải kiên định, miên mật thực tập không gián đoạn pháp môn và trong rất nhiều Kinh điển đức Phật cũng đã đưa ra những phương pháp có thể giúp hành giả có được đời sống hạnh phúc.

“Lành thay, phòng hộ mắt/ Lành thay, phòng hộ tai/ Lành thay, phòng hộ mũi/ Lành thay, phòng hộ lưỡi/ Lành thay, phòng hộ thân/ Lành thay, phòng hộ lời/ Lành thay, phòng hộ ý/ Lành thay, phòng tất cả/ Tỳ kheo phòng tất cả/ Thoát được mọi khổ đau.”[15]

Chánh Niệm (Sammā Sati) có thể được xem là chiếc chìa khóa vạn năng để mở vào tất cả các cánh cửa của cuộc sống. Đối với nhiều nhà quản trị quốc gia, nếu biết thiết lập trạng thái Chánh niệm (Right Mindfulness) thì tâm trí được sáng suốt, minh mẫn quyết định sự việc một cách đúng đắn toàn diện. Đối với học sinh, nếu biết sử dụng Liệu pháp Chánh niệm (mindfulness therapy) thì sẽ thật dễ dàng hơn cho việc học tập và ghi nhớ bài vở. Riêng đối với hành giả Phật tử nếu biết an trú trong giây phút đương niệm hiện tiền thì có những thành tựu thật đáng kể sẽ được người trí cung kính và tán thán. Như, trong kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) đức Phật có nói:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân xúc chạm… khi ý biết pháp, không có ưa thích, không ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Thành tựu được sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng.”[16]

Đối với những người huấn luyện tâm chưa thuần thục thì việc phòng hộ căn môn, hạn chế tiếp xúc cùng các duyên bên ngoài là yếu tố rất cần thiết.

“Này các Tỳ-kheo! Ở đây, một số Tỳ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào làng khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Các vị Tỷ-kheo ấy bị tham dục não hại đến chết hay gần chết. Do vậy, này các Tỷ-kheo, phòng hộ thân, phòng hộ lời, phòng hộ tâm, an trú chánh niệm, chế ngự các căn là điều cần phải học tập”.[17]

Đấy là một vài liệu pháp được đức Phật nhắc đến trong Kinh nguyên thủy, những ai kiên trì thực hành thì có thể đạt được trạng thái tự tại, thảnh thơi trên lộ trình sanh tử.

LỜI KẾT

Sau khi tìm hiểu về ‘Tiến trình nhận thức trong Phật giáo’, người viết xin được đúc kết một vài vấn đề mà từ đó có thể đưa đến những lợi ích thiết thực cho mỗi hành giả khi thực hành.

  • Nhận thức là một tiến trình tác động từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính.
  • Ba chi pháp đầu tiên Xúc, Tác ý, Thọ như là một quá trình tâm  lí của  nhận  thức  cảm tính, phản ánh một  cách trọn vẹn các thuộc tính bề  ngoài  của sự vật,  hiện tượng đang trực  tiếp tác  động vào  giác quan người ta, giúp cho con người  nhận  biết được hiện thực khách quan từ bên ngoài.
  • Hai chi pháp sau cùng Tưởng, Tư có thể được xem như là nhận thức lý tính, giai đoạn phản ánh gián tiếp trừu tượng, khái quát sự vật, được thể hiện qua các hình thức như khái niệm, phán đoán, suy luận và thúc đẩy đi đến hành động.
  • Nhận thức có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tu tập của mỗi hành giả, cũng như trong cuộc sống thường nhật của mỗi con người. Nếu trong quá trình sinh hoạt mỗi cá thể biết thanh lọc, kiểm soát những gì mắt thấy, tai nghe thì mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
  • Để làm chủ được nhận thức, chúng ta không cần phải thay đổi hoàn cảnh môi trường xung quanh mà chỉ cần thực tập làm quen dần với lối sống chánh niệm tỉnh giác, ý thức mọi hoạt động trong lúc đi đứng nằm ngồi, nói nín động tĩnh, mọi hành động được nắm bắt rõ ràng, không xao lãng, không cường điệu, không lẫn trốn với thực tại mà phải đối đầu và nhìn các sự vật hiện tượng như chúng đang là.


Thông qua đó, ta thấy rằng nếu từ giai đoạn đầu ta biết tiếp xúc với các sự vật hiện tượng bên ngoài theo cái nhìn như lý tác ý thì tâm thức chúng ta sẽ không bị nhiễm ô. Từ đó, ta mới có thể viễn ly điên đảo mà đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

                                                                    Người viết
TRÍ HUỆ

CHÚ THÍCH

[1] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn giáo, 2006, tr. 48 – 49.

[2] HT. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông 3, khóa IX, Luận Đại Thừa Trăm Pháp, NXB Tôn Giáo, tr. 10.

[3] ĐTKVN, Trung Bộ I, Kinh Mật Hoàn 18, VNCVN ấn hành, 1993, tr. 150 – 151.

[4] HT. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 3627.

[5] Triết Học Mác-Lênin.

[6] Hội Đồng Quốc Gia (biên soạn), Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách Khoa Hà Nội, 2003, Tr. 240.

[7] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, Chương 1, Tương Ưng Nhân Duyên, Phẩm Phật đà, NXB tôn giáo, 1993, tr. 19.

[8] ĐTKVN, Trung Bộ II, Kinh Sáu Sáu - 148, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 633.

[9] ĐTKVN, Kinh trung bộ I, Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 25.

[10] PC. 06

[11] HT. Thích Thiện Siêu, Ngũ Uẩn Vô Ngã, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 1999. tr. 27

[12] ĐTKVN, Tương ưng bộ IV, Chương II, Tương Ưng Thọ Phần III. Phẩm Một Trăm Lẻ Tám Pháp Môn, NXB Tôn Giáo, 1991, tr. 374.

[13] HT. Thích Thiện Siêu, Ngũ Uẩn Vô Ngã, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 1999. tr. 28

[14] PC. 293.

[15] PC. 360 – 361.

[16] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, VNCPHVN ấn hành, 1996, Tr. 9.

[17] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, Chương 9, Phần Con Mèo, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 472.


  • TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • 1. ĐTKVN, Kinh trung bộ I, NXB Tôn Giáo, 2012.
  • 2. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, Chương 9, Phần Con Mèo, VNCPHVN ấn hành, 1993.
  • 3. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, VNCPHVN ấn hành, 1996.
  • 4. Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn giáo, 2006.
  • 5. Thích Minh Châu (dịch); Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhamma Sutta), NXB Tôn giáo, 1973.
  • 6. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000.
  • 7. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông 3, khóa IX, Luận Đại Thừa Trăm Pháp, NXB Tôn Giáo.
  • 8. Thích Thiện Siêu, Lối Vào Nhân Minh Học, NXB Tôn giáo – Hà Nội, 1994.
  • 9. Thích Thiện Siêu (dịch và chú), Thành Duy Thức Luận, NXB Văn hóa Sài gòn, 1995.
  • 10. Thích Thiện Siêu, Ngũ Uẩn Vô Ngã, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 1999.
  • 11. Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá, NXB Tôn giáo, 2006.
  • 12. Thích Nhất Hạnh; Duy Biểu Học, NXB Lá Bối.
  • 13. Thích Tuyên Hóa (lược giảng), Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn, Trường đại học pháp giớiTổng hộiPhật giáo pháp giới, Vạn Phật thánh thành, 2004.
  • 14. Thích Hoàn Quang (dịch), Duy Thức Tam Thập Tụng, NXB Tôn giáo, 2017.
  • 15. Hội Đồng Quốc Gia (biên soạn), Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách Khoa Hà Nội, 2003.
  • 16. Triết Học Mác-Lênin.

Thông báo

Video