Vô Thường

A. DẪN NHẬP

Nhà triết học Heraclite đã phát biểu rằng: "Không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông". Hoặc trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy: “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh….”

Và hơn thế nữa, trong con người của chúng ta, ngay tại sát na gọi là hiện tại, nhưng dung chứa trong nó cái quá khứ. Nghĩa là, ngay cái hình thành của sự vật đã có cái biến hoại, rồi tan mất. Qua những vấn đề đó cho chúng ta thấy nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời, nơi đó có Vô thường. Vì vậy Vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh.



Ảnh: Vòng đời của chiếc lá thể hiện sự Vô thường thay đổi.


Thân, tâm và cảnh giới là một dòng chảy từ quá khứ qua hiện tại và đi đến vị lai. Chánh báo và y báo của một chúng sinh tạo thành dòng sông sinh mệnh, lực đẩy tạo thành dòng sông sinh mệnh chính là sự khát ái vào những sở thuộc như sự nghiệp tài sản, danh vọng nhằm củng cố cái Tôi trong vòng luân hồi vô tận. Khi nào cái Tôi còn bén rễ, khi nào ý thức chấp ngã còn bén rễ, khi nào ý thức chấp ngã còn xen vào cuộc sống thì vòng luân hồi vẫn thường xoay chuyển và sự vô thường vẫn luôn chi phối chúng ta.

B. NỘI DUNG
1. Xuất xứ

Giáo lý “Vô Thường” nằm trong tất cả các kinh điển của Phật giáo. Điển hình như: Kinh Trường Bộ số 17, Kinh Tạp A Hàm, kinh “Bộ Kinh Tập”, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Pháp Hoa ….

2. Định nghĩa 

Vô là không; Thường là thường còn. Vô thường nghĩa là không thường còn.

Vô thường
, tiếng Phạn đọc là anitya; Pali gọi là anicca: nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn".

Đức Phật dạy: "Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là Vô thường". Vậy Vô thường nghĩa là không thường còn, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định nào, nó luôn thay đổi, hư hoại. Ðạo Phật gọi những giai đoạn thay đổi ở thực vật là: “sanh, trụ, dị, diệt”, ở khoáng vật (đất, đá, cát, đồi, núi, sông, hồ, v.v...) là "Thành, trụ, hoại, không", ở con người là “sanh, lão, bịnh, tử”.

Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật có dạy: “Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt nhĩ, tịch diệt vi lạc”. Nghĩa là các hành là vô thường, là pháp sanh diệt, khi sự sanh diệt này diệt rồi, thì sự tịch diệt, vắng lặng, an lạc hiện tiền.

3. Hành tướng của vô thường

Vô thường được chúng ta cảm nhận rõ qua 3 lãnh vực, đó là thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.

(i) Thân Vô Thường

Ðức Phật, lúc còn là một Thái Tử, đã than với công chúa Da Du Đà La trong cung vui khi nghĩ đến Vô thường của thân người: “…Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! mắt trong của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!…Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý báu của đời người…chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”.

Trí huệ thay! Con người cao sang và đang trẻ đẹp, bên cạnh lại có vợ hiền sớm hôm hầu hạ, thế mà Ngài vẫn đủ sáng suốt để nhìn thấy sự sanh diệt của đời người. Những lời thống thiết ấy, chẳng những đã cảnh tỉnh Công chúa Da Du, mà còn đánh thức những ai còn say đắm trong cảnh đời giả tạm, cảnh sanh, già, bệnh, chết, là hiện thân của luật Vô thường. Có thân thì phải chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết, chúng ta không thể có một cơ thể khỏe mạnh tồn tại mãi được. Ðức Lão Tử cũng đã nhận thấy thân là nguồn tội lỗi, là gốc khổ đau, nên đã thốt ra câu:

“Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân,
Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?”
(Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân,
Nếu ta không thân thì đâu khổ gì?)

Cổ nhơn có câu: “Quân bất kiến cao đường minh cảnh bi bạch phát! Triêu như thanh ti, mộ như tuyết?”

“Anh không thấy cha già soi gương buồn tóc bạc!
Sớm còn như tơ xanh, tối đã trắng như tuyết”

Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn, và trong mỗi thời kỳ 7 năm, là các tế bào cũ hoàn toàn đổi mới. Sự thay đổi ấy làm cho thân thể chóng lớn, chóng già và chóng chết.

Vì tham lam làm vẩn đục, tối tăm lương tri, nên con người không thấy rõ được lý Vô thường của thân xác và đã tìm mọi cách để cung phụng xác thân này.

(ii) Tâm Vô Thường

Tâm niệm cũng âm thầm dời đổi, lại có phần mau lẹ và vi tế hơn, nếu chúng ta không nhìn sâu vào, ắt khó mà thấy được.

Kinh Tạp A Hàm, T.II, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, chấp tâm thức là thường còn thì còn sai lầm và tệ hại hơn là chấp thân xác là thường còn. Vì thân xác người còn có thể tồn tại vài chục năm cho tới một trăm năm, còn tâm thức của người thì sanh diệt đổi thay trong từng giây phút". Tâm niệm chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh: chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện nầy, phút sau lại nghĩ chuyện khác. Hôm qua ta tinh tấn tu hành, hôm nay đã ưu phiền thối chuyển. Thật đúng như đức Phật đã nói là “tâm viên ý mã là vậy.

Tâm niệm ta sanh diệt trong từnh sát na, chính vì nó sinh diệt mau lẹ như thế nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Tâm ta được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt, nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Cái ta phút trước phải đâu là cái ta phút nầy? Và cái ta phút này đâu còn là cái ta phút sau? Vậy cái ta nào là cái ta thật? Cái ta phút trước, cái ta phút nầy hay cái ta phút sau?

Cái tâm Vô thường tạm bợ, giả tạo như thế, thế mà người đời cứ cho nó là trung tâm điểm của vũ trụ, bám víu vào nó, nhơn danh nó để tham lam, vơ vét tài sản, danh lợi ở chung quanh, và dù có dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác, gây bao đau thương cho đồng loại, cũng mặc! Thật mê mờ lắm thay!

(iii) Hoàn Cảnh Vô Thường

Sách thường có câu: “Thương hải, tang điền” (Bãi biển nương dâu). Câu ấy mới nghe như là một hình ảnh bóng bẩy về văn chương; nhưng thật ra, đó là một nhận xét rất đúng trong thực tế. Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều trận thiên tai, thì điều này hiện lên rất rõ, như các trận động đất, sóng thần, bão lụt….

Chúng ta, thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát, thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng chúng ta đã lầm, sông núi cũng có cái già cái trẻ, đất cát cũng có khi lở khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự Vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời” hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Thật thế, một đời của chúng ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm, vinh nhục, lên voi xuống chó. Giàu nghèo, sang hèn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta như một bức tranh vân cẩu, như một khúc phim trong rạp chiếu. Bao nhiêu người, trước đây, nào dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, thế mà sau một cơn binh lửa, sự nghiệp bỗng tan tành như mây khói. Bao nhiêu người quyền cao, chức trọng hống hách, nghinh ngang, thế mà một phút sa cơ thất thế, bỗng trở thành những kẻ tha phương cầu thực, hay vướng cảnh tù đày.

4. Những tính chất của vô thường

Đứng về mặt nguyên nhân và bản chất hiện tượng, thì thế gian là giả có, vô thường, dựa trên năm cơ sở để nhận định và đánh giá.

Tương Tục: vì các pháp là sanh diệt tương tục. Tức là chỉ cho các pháp nối tiếp nhau, không gián đoạn, từ sự vật này nối tiếp qua sự vật khác, sát na này nối tiếp sát na kia….

Hòa hợp: hay còn gọi là duyên thành giả. Vì các pháp thế gian do các duyên hiệp lại mà thành. Nói đến sự hòa hợp là do nhân duyên sanh như trong câu:“chư pháp tùng duyên sanh, diệt phục tùng duyên diệt”. Nghĩa là các pháp từ nhân duyên mà sanh lại cũng từ nhân duyên mà diệt.

Phân biệt:
vì các pháp thế gian do nhận thức phân biệt mà có. Nhờ có phân biệt mà con người thấy được cái này tốt, cái kia xấu, cái nọ đẹp, điều này đúng, điều kia sai,…..

Đối đãi: Hay còn gọi là quán đãi. Vì các pháp thế gian do đối đãi mà có. Cũng do có sự phân biệt nên có sự đối đãi. Đối đãi là chỉ cho những cặp phạm trù đối đãi như: có – không, sanh – diệt, còn – mất, sai – đúng, tốt – xấu …..

Thi thiết: thi là thực thi, thi hành. Thiết là hình thành nên một pháp, là tái thiết. Các pháp thế gian do giả lập danh mà có. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do chúng ta đặt tên cho nó mà có, chứ nó không có một sự chắc thật và không có một thực thể tồn tại thực có.
 
Về mặt vô thường biến dịch thì có 5:

Tương tục vô thường: vì các pháp thế gian sinh diệt vô thường. Tương tục là sự sinh diệt, băng hoại thường xuyên trong lòng sự vật, là sự chuyển biến không ngừng, nên sự tương tục ấy là thể tướng của Vô thường.

Sát na vô thường: vì các pháp thế gian hoại diệt trong từng sát na một. Sát na sinh diệt là sự vô thường ma mãnh nhất, nhỏ nhiệm nhất. Sát na là thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng, chỉ cho đơn vị ngắn nhất của thời gian. Một niệm thoáng qua trong tâm thức có đến 90 sát na. Mỗi sát na là một tiểu niệm. Sự sinh diệt nhỏ nhiệm của mỗi sát na chỉ có Phật trí mới thấy được.

Nhất kỳ vô thường:
các pháp thế gian tồn tại trong một thời gian nhất định. Nhất kỳ là thô tướng nhất của Vô thường, chỉ cho sự kết thúc của một tiến trình, như sự chết của một người, nhưng chết không có nghĩa là mất hẳn, mà chỉ là tạm vắng ở nơi này, để chuẩn bị biểu hiện thành sự sống ở nơi khác.

Hoại diệt vô thường:
vì các pháp thế gian hữu hình nên hữu hoại, hữu tướng nên hữu diệt. Bởi vì trong kinh Phật dạy: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.”

Không vô thường: vì các pháp thế gian cuối cùng đều trở về nơi không, vô ngã, không có tự tướng cố định.


5. Vô thường về thời gian và không gian

Khi nói đến thời gian Vô Thường là chỉ cho ngũ uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc là chỉ cho sắc chất, là tướng hữu vi. Phàm những thứ gì có hữu hình thì sẽ hữu hoại. Sắc chuyển biến thì thọ chuyển biến. Là thuộc về sanh - trụ - dị - diệt.

Có thọ là nhờ có tưởng. Do có tưởng mới có sự phân biệt giàu nghèo sang hèn. Sự phân biệt này cũng chỉ là giả mà thôi. Tưởng hành thức cũng thế….

Khi nói đến không gian Vô Thường là chỉ cho tứ đại tức là đất, nước, lửa, gió. Những giai đoạn thay đổi của một vật là thuộc về thành - trụ - hoại - không. Trong thành đã có chứa đựng các yếu tố trên. Như một làn sóng, khi mới nhô lên gọi là thành (hay sanh) khi nhô lên cao nhất thì gọi là trụ; khi hạ dần xuống thì gọi là hoại, khi tan rã thì gọi là không. Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là Vô thường.

Vô thường thuộc yếu tố thời gian, là một diễn trình đi từ nhân đến quả. Diễn trình đó nơi chúng sanh hữu tình thì biểu hiện thành sinh, già, bệnh, chết; nơi các pháp thì có sinh, trụ, dị, diệt; nơi thế giới thì có thành, trụ, hoại, không. Sự thay đổi của bốn mùa, sự di chuyển của các hành tinh, vệ tinh cũng không ra ngoài quy luật của diễn trình đó. Hễ có thành ắt có hoại, có hợp ắt có tan. Trong đoạn thơ của Thiền sư Thanh Đàm, thuộc đời thứ 42, Tông Tào Động, khoảng đầu thế kỷ thứ 19 như sau:

"Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai"

Quá khứ là những gì đã trôi qua. Tương lai là những gì sắp xảy đến. Và hiện tại là một trạng thái không dừng trụ. Cả ba mốc thời gian đều trôi chảy bất tuyệt. Chính vì có sự trôi chảy của thời gian, mỗi vật trở thành một cái khác và trở thành cái khác mãi mãi.

6. Lợi ích khi quán chiếu về vô thường

Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Hiểu lý vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái, mê mờ và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn.

Biết được vô thường để con người tìm về cái chơn thường. Biết thản nhiên trước cảnh thay đổi bất ngờ và lạnh lùng trước cảnh ân ái chia ly, dám hy sinh tài sản, tánh mạng để làm việc nghĩa, chán ngán với những thú vui tạm bợ.

Tuy nhiên, nếu không có vô thường thì con người sanh ra và không thể lớn lên. Nếu các động tác mà không có sự vô thường thì không thể có sự chuyển biến. Thế giới loài người không thể tiến hóa và nếu không có vô thường thì con người mãi bị vô minh, mê mờ không thể giác ngộ được. Cho nên, vô thường có mặt khuyết nhưng cũng có mặt ưu của nó.

Trong sự biến chuyển vô thường, chúng ta đem sự tu tập của của mình so sánh với khởi điểm ban đầu, xem thử nó tốt hay xấu, lúc đó bước chân của mình có đi đến cảnh giới an lạc hay không? Chúng ta đã bước được bao nhiêu bước trong Giới - Định - Tuệ, trong Văn – Tư - Tu. Như vậy chúng ta thấy vô thường có đóng góp gì trong nội lực tu tập của mình hay không?

Tất cả các pháp đều từ tự tâm, tự tánh phát sanh. Khi các pháp hiện hữu là hiện hữu trong sự giả có. Như vậy, còn một cái chân thật bất sanh bất diệt là pháp thân, pháp giới, cần phải hiểu rõ, thấy rõ và chứng nhập. Thế nên, kinh Hoa Nghiêm nói: “biết tất cả pháp, đều từ tự tâm, tự tánh phát sanh. Thành tựu huệ thân là do chính mình, chứ không phải do ai khác.”

Hay nói cụ thể hơn là “không một pháp nào không từ chơn tâm phát xuất, và không một pháp nào không trở về chân tâm”. Như thế, chứng nhập chơn tâm, thể nhập pháp giới, là trở về cơ sở đầu tiên của sự phát khởi, là bản thể của chính mình, của tất cả chúng sanh và vạn pháp trong pháp giới.

Tính Bồ đề hay Phật tánh, là những năng lực tuệ giác viên mãn, tiềm tàng trong mỗi con người và mỗi loài. Phật tánh đó, nói theo thiền, ở Thánh không tăng, ở phàm không giảm. Thể vốn mầu nhiệm, tròn đầy, không nhờ tu đắc. Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Và Kinh Đại Bát Niết Bàn giải thích: “Tất cả chúng sinh dù sinh tử luân hồi nhưng chẳng thối mất Phật tánh, nên nói tất cả chúng sinh vốn có Phật tánh, là Phật sẽ thành.” Như vậy, chúng ta cần nhận rõ cái chân thường trong sự vô thường, cái bất biến trong cái chuyển biến vậy.

C. KẾT LUẬN

Vô thường là một nguyên lý phổ biến tất yếu, xảy ra ở mọi nơi, mọi đối tượng, bao hàm từ vật chất đến tinh thần. Cho nên, mục đích của pháp quán vô thường là nhằm hiển thị chánh kiến. Tu pháp vô thường là để diệt trừ các thái độ chán chường, yếm thế, bi quan, đề cao chân giá trị của nhận thức đánh giá sự vật một cách đúng đắn. Như Kinh Duy Ma Cật, Ngài Duy Ma Cật khẳng định:“Nói nguyên lý vô thường là nhằm lìa sự nhàm chán.”

Ðức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với bịnh chấp vào cái thường giả tạm, thì ngài dùng phương thuốc vô thường để đối trị, khi lành bịnh thì Phật lại chỉ cho chúng ta thấy sự chơn thường bất biến, tức tìm về Phật tánh chân như.

Thông báo

Video