Tục Cúng Ông Táo - Thâm Ý Dưới Góc Nhìn Phật Học
Cứ mỗi độ Xuân về, hoa mai, anh đào, cúc,… đua nhau khoe hương sắc thắm, vạn vật xung quanh chim hót rộn rã, những cánh én đưa tin, những đàn bướm bay lượn lờ trong cơn gió nhẹ, tia nắng hồng ấm áp, mọi thứ như đang hòa mình vào những khúc hát mừng Xuân. Con người thì nhộn nhịp, phố thị đông đúc đầy ấp những tiếng cười, các tiệm trưng bày đầy đủ các loại bánh mứt, trông thấy cảnh khiến bao người phải hăng say, sốt sắng mong hoàn tất công việc sớm được du Xuân đoán Tết. Lại nữa, trong những ngày cận Tết có rất nhiều phong tục tập quán không thể thiếu, cụ thể như ngày 23 tháng Chạp là tục cúng Ông Táo hay dân gian thường gọi là ngày đưa ông Táo về trời. Đây là truyền thống lâu đời, nó đã gắn liền với sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam và Trung Hoa nói chung. Dưới đây, trong nội dung bài viết, người viết không nhằm lí giải những nguyên nhân, tích truyện, nguồn góc xuất xứ của tục cúng ông Táo mà chỉ đề cặp đến nghĩa lí sâu xa tiềm ẩn bên trong theo góc nhìn Phật học. Trong cuộc sống thường nhật, hầu như tất cả gia đình từ giàu sang cho đến nghèo hèn cũng đều nỗi lửa trung bình mỗi ngày hai lần, để đun nấu các thứ chuẩn bị cho bữa ăn nhằm duy trì và phát triển cuộc sống. Bếp lửa, ngoài chức năng làm chín thực phẩm nó còn giúp mỗi gia đình trong việc sưởi ấm vào mùa đông, nếu nhà nào trong một ngày mà không nỗi lửa thì cảm thấy lạnh lẽo, nhạt nhẽo, thiếu sự ấm áp… Nên, Táo rất được xem trọng như là một vị Thần thường xuyên trông coi bếp núc trong gia đình và được nhiều người trong dân gian thờ cúng. Ba miền Nam, Trung, Bắc mặc dù các hình thức lễ nghi cúng tế có khác nhau, một phần do ảnh hưởng văn hóa địa phương. Thế nhưng, về nội hàm nghĩa lí hoàn toàn không khác biệt. Tục cúng Táo theo quan niệm dân gian cho rằng: Táo là vị Thần luôn túc trực trong gia đình nên những hành động Thiện (kusala/wholesome) Ác (akusala/unwholesome) trong 365 ngày diễn ra đều được Ông ghi chép lại, đến ngày 23 tháng Chạp về Trời để tâu cáo với Thượng Đế việc gia vụ. Dựa vào quan niệm này ta có thể suy luận rằng? Ý nghĩa việc xấu được báo cáo, việc tốt được đệ trình, thưởng thiện phạt ác là công bằng và Thượng Đế được xem là cán cân của công lí thì niềm tin có giới hạn nhất định. Bởi vì, nếu Thượng Đế chấm công, Táo làm công vụ báo cáo thì việc chấm công mới chuẩn xác, còn không thì mọi hành động chúng ta đã làm chẳng được ghi nhận? Điều này, nó đã được mật nhiên thừa nhận rằng, tất cả các công đức và phước đức mà ta gieo trồng có thể bị bỏ lỡ, bị người khác cướp, có thể không đúng hoặc sai tình huống và do đó cần phải nhờ đến sự trình báo, quán sát, quan tâm, che chở và trên cơ sở đó mới được hạnh phúc (happiness). Quan niệm này rất tương đối và lệ thuộc vào sự can thiệp phán quyết của thẩm phán tối cao (Thượng Đế), Táo đống vai trò là một luật sư biện hộ cho các việc thiện ác, nên bị lệ thuộc rất nhiều và không giải quyết được vấn đề. Riêng đối với Triết học nhà Phật thì sâu sắc hơn, mỗi người nếu trong tâm khởi lên một ý nghĩ hay cụ thể qua lời nói, việc làm, dù được người khác biết hay không biết thì quả vẫn trỗ theo quy luật tất yếu của nó. Việc làm lành của chúng ta không cần ai phải báo cáo, trình biếu thì quả phước báu vẫn trỗ. Ngược lại, hành động xấu dù có được bao che, nâng đỡ, biện hộ ta vẫn không thể tránh khỏi quả ác nghiệp khi chúng có mặt. Triết lí đó được Đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) câu 345 như: "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". Thông qua đoạn kinh vừa nêu cho chúng ta thấy, bao nhiêu hành vi thiện ác đều xuất phát từ Ta, do Ta quyết định. Nếu trong cuộc sống Ta không thường xuyên tạo các việc lành: Tu nhân tích đức, giúp đỡ người nghèo khó, phóng sanh… thì dù ta có cầu cạnh lễ lạy vang xin để được một đấng thần linh nào đó ban phước giàu có, sống lâu, thì việc này không bao giờ có mà nó tỉ lệ nghịch so với triết lí nhân quả nhà Phật. Bằng ngược lại, Ta biết san sẻ yêu thương, ăn chay, đi chùa, giữ giới… thì khi hội đủ các duyên sẽ đơm hoa kết trái. Quy luật Nhân Quả (law of Cause and Effect) là tất yếu, nó không đòi hỏi một người nào khác thẩm phán đúng sai, tốt xấu, nhiều ít… mà động cơ (cetana) hành động (action) thế nào thì tự thân ta quyết định lấy. Khi ta hiểu được vấn đề này thì không lo gì vấn đề báo cáo của Táo mà ta chỉ cần xây dựng nếp sống dựa trên nền tảng triết lí về nhân quả của nhà Phật. “Hành thiện gặt quả thiện Hành ác gặt quả ác Đã gieo hạt giống nào Người gặt phải quả nấy”. Đây là một triết lí phủ trùm cả vũ trụ và nhân sinh, nó không do ai hay đấng nào sáng tạo. Đức Phật Thích Ca (Sakyamuni Buddha) chỉ là người phát hiện và chỉ rõ cho nhân loại thấy được ánh sáng chân lí này. Nếu ai trong chúng ta hiểu, sống được với nó thì hệ quả tất yếu mang lại là an vui và hạnh phúc. Tóm lại, sau khi tìm hiểu sơ lược về thâm ý tục cúng ông Táo theo góc nhìn Phật Học đã giúp ta phần nào hiểu hơn về nội hàm sâu xa mà những hành động ta đã làm, đang làm và sẽ làm trong những năm tới đây. Đồng là một vấn đề, nhưng mỗi người có thể căn cứ vào những góc độ giải thích khác nhau. Đối với những ai là Phật tử hoặc những người yêu mến muốn tìm hiểu Đạo Phật thì ta cần dùng Chánh Kiến (Samma ditthi/Right view) để nhìn nhận thấu đáo vấn đề, phải ứng dụng về triết lí Nhân Quả trong cuộc sống. Ở đây, ta cần được hiểu mỗi người đều có quyền tự do về tín ngưỡng. Thêm vào đó, tục cúng ông Táo nó đã trở thành văn hóa tốt đẹp gắn liền không thể thiếu với người dân Việt. Thế nhưng, trong mỗi hành động ta cần dùng lăng kính Phật Học để soi rọi cho đúng bản chất và ý nghĩa việc làm đó. Được vậy ta mới cảm thấy lợi lạc ngay trong đời này. Ấn Độ, ngày 19 tháng 01 năm 2018 Người viết TRÍ HUỆ |