Tứ Trọng Ân

A. DẪN NHẬP

Trong thế giới tương duyên tương quan lẫn nhau như thế thì chúng ta không thể một mình để sinh ra, lớn lên, trưởng thành và tồn tại được. Trong quá trình trưởng thành và tồn tại đó, chúng ta đã bẩm thọ rất nhiều ân tình mà mình không thể tính đếm được, có thể đó là một bữa ăn đói lòng khi lỡ đường, một chén nước khi khát, một sự quan tâm giúp đỡ khi bệnh hoạn… Đối với những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như cơm ta ăn, áo ta mặc, tiền bạc ta tiêu xài, xe cộ ta đi lại, nhà cửa ta ở, v..v.. tất cả không thể một mình ta làm ra được. Trong từng giây từng phút, chúng ta vẫn đang thọ nhận sự giúp đỡ của mọi người, nếu không có họ chúng ta không thể tồn tại được. Trong những ân tình đó có những ân tình rất nặng, rất sâu mà chúng ta khó có thể đáp đền cho cân xứng.

Trong Phật giáo qua mỗi thời tụng kinh, chúng ta thường hay đọc câu “Thượng báo Tứ Trọng Ân, hạ tế Tam Đồ khổ.” Vậy Tứ Trọng Ân đó là những gì,  chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm với bốn ân ấy như thế nào thì hãy cùng nhau tìm hiểu qua nội dung sau đây.

B. NỘI DUNG
1. Định nghĩa

Có hai quan điểm về Tứ Ân. Theo Kinh Tâm Ðịa Quán, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn Tam Bảo; 3. Ơn quốc gia; 4. Ơn chúng sanh. Theo Thích Thị Yếu Lãm, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn Sư trưởng; 3. Ơn quốc gia; 4. Ơn đà na thí chủ. Tuy nhiên, Kinh Tâm Ðịa Quán trình bày Tứ Ân rộng hơn, vì ơn chúng sanh bao hàm luôn cả ơn đàn na thí chủ; Ơn Tam Bảo bao hàm luôn nghĩa của ơn Sư trưởng. Sau đây chúng tôi xin được trình bày theo quan niệm Tứ Ân của Kinh Tâm Địa Quán.

Tứ Ân gọi đủ là Tứ Trọng Ân. Định nghĩa về Tứ Trọng Ân chúng ta được hiểu như sau:

Tứ là chỉ cho số đếm, tức là bốn. Trọng là nặng, cũng được hiểu là lớn. Ân là ân tình, ân nghĩa.

Tứ Trọng Ân tức là chỉ cho bốn ân lớn trong cuộc đời mà chúng ta cần phải biết và phải báo đền. Đó là: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn Tam Bảo; 3. Ơn quốc gia; 4. Ơn chúng sanh. Nếu sống trong cuộc đời mà chúng ta không biết tri ân và báo ân thì không thể gọi là một con người có nhân cách đạo đức tốt.

2. Hành tướng và ý nghĩa về tứ trọng ân
2.1. Ân cha mẹ

Chúng ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành và được tồn tại trong cuộc đời này đó chính là nhờ vào công ơn của cha mẹ. Vậy mà có những người nghĩ rằng đã sinh con ra thì việc nuôi dạy con cái là bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ, nên họ không cần phải có bổn phận và trách nhiệm trong việc tri ân và báo ân. Nếu chúng ta nghĩ như thế thì quá vô trách nhiệm. Một con người sống trong cuộc đời này mà không biết tri ân và báo ân thì không thể gọi là một con người có nhân cách đạo đức tốt. Bởi nếu không có sự tạo thành của cha mẹ thì chúng ta nương vào đâu để được làm thân người. Đức Phật dạy “nhân thân nan đắc” nghĩa là được làm thân người là một việc rất khó. Bởi nếu chỉ một niệm vô minh thì chúng ta có thể đọa vào ba đường ác, do đó việc làm người là một điều hy hữu vô cùng. Muốn tu hành đắc đạo thì cũng từ thân người mà được.

Khi nói đến công ơn cha mẹ chúng ta thường hay nghe câu nói:

Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng cả một đời
Cũng không trả được ân người sanh ta.

Trong Kinh Đức Phật cũng dạy về công ơn cha mẹ là chín tháng cưu mang, ba năm bú mớn, bên ước mẹ nằm, bên ráo con lăn. Đó là chưa kể những lúc ta ốm đau, cha mẹ luôn ở bên ta và hết lòng lo lắng cho ta.

Có những lúc trên đường đời, vô tình ta lỡ bước không có nơi trú chân, có người cho ta ở trọ qua một đêm; hoặc lúc đói, có người cho ta bát cơm; những lúc bệnh đau có người hỏi han chia sẻ, thì ta thấy như mang ơn họ nhiều lắm. Thế nhưng, đối với cha mẹ lo cho chúng ta suốt cả cuộc đời vậy mà chúng ta lại vô tâm hờ hững.

Chúng ta mang ân cha mẹ nhiều lắm, nếu tính đếm thì không thể tả hết được. Nào là ân sinh thành, điều này chỉ có những người làm cha mẹ rồi mới thấu hiểu được công lao của cha mẹ. Đối với sự sinh sản, mẹ phải chín tháng cưu mang, ăn uống kiêng cử, lúc mang thai, mẹ phải giữ gìn cẩn thận từng lúc đi, đứng, ngủ, nghỉ. Đối với những người sinh khó, nhiều khi người mẹ phải hy sinh tánh mạng của mình để mong được cứu sống sanh mạng của con.

Đối với ân nuôi nấng, từ khi mới sanh ra cho đến lúc lớn khôn, cha mẹ phải tão tần, vất vả để nuôi nấng con cái, lo cho con đủ ăn, đủ mặc. Con lớn lên phải lo cho con được đến lớp đến trường cùng bạn bè. Rồi lo công danh sự nghiệp để con có công ăn việc làm để không hổ thẹn với bạn bè. Cha mẹ đổi lấy sự mệt nhọc, vất vả để cho con có được những ngày vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc. Nhiều lúc cha mẹ phải chịu lấy những sự tội lỗi để con có được cuộc sống yên lành. Sự hy sinh của cha mẹ quá lớn lao. Cho nên trong Kinh Báo Hiếu, Đức Phật có dạy “vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi khắp hòn núi Tu Di cũng không đền trả được công ơn của cha mẹ”.

Mỗi ngày lớn lên là mỗi ngày chúng ta đã đổi lấy sự hy sinh vất vả của cha mẹ. Cha mẹ không chỉ dạy cho con về việc học hành mà còn phải dạy cho con về nhân cách sống, phải sống làm sao để có ý nghĩa trong cuộc đời, sống làm sao để luôn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Mỗi bước chân của cha mẹ bước qua những chông gai của cuộc đời là bao nhiêu kinh nghiệm sống cha mẹ truyền dạy lại cho con. Mong con sớm trở thành một con người tốt và có ích cho cuộc đời và cho xã hội.

2.2. Ân Tam bảo

Nhờ có Phật Pháp Tăng mà chúng ta có nơi để quay về và nương tựa như hôm nay. Tất cả những đức tính quí báu mà chúng ta học hỏi và hành trì để làm nên nhân cách cao thượng cho mình cũng như những con đường tu tập để đi đến giải thoát đều từ Tam Bảo mà có được. Nhờ ân đức Tam Bảo mà chúng ta được tăng trưởng lòng từ, biết yêu thương và cảm thông mọi người, biết lắng nghe thấu hiểu, sống trong sự hỷ xả thanh cao thiện lành, thấy được sự vô thường lão bệnh của kiếp nhân sinh. Nhờ đó mới quay về đường hướng của sự tu tập giải thoát.

Nói đến công ơn của đức Phật, chúng ta thấy Ngài từ bỏ vợ đẹp con yêu, cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý. Trong suốt hành trình năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới gốc cây Tất Bát La của đức Phật, cũng chỉ với mục đích là mong tìm ra chân lý giải thoát cho nhân sinh. Chính nhờ sự hy sinh cao cả và tấm lòng vị tha của Ngài mà nhân loại mới biết con đường giải thoát khổ đau. Mặc dù Ngài đã nhập Niết Bàn cách đây hơn 25 thế kỷ, nhưng nhờ giáo pháp của Ngài để lại, và nhờ bao nhiêu thế hệ chơn Tăng truyền thừa, ngày nay chúng ta mới có được phương pháp tu tập để được giải thoát, an lạc. Nhờ Pháp là những chân lý tối thượng mà chúng ta lấy đó làm phương châm tu tập để thành tựu trên con đường Giới Định Tuệ. Chính nhờ những giáo pháp thậm thâm vi diệu đó mà biết bao nhiêu người tu tập chuyển hóa được những khổ đau, phiền muộn trong cuộc sống mà họ phải đối mặt. Nhờ Tăng là những bậc xuất gia làm mô phạm cho trời người để thay Phật hướng dẫn, dìu dắt chúng ta đi trên con đường giải thoát.

Điều quan trọng nhất đối với người xuất gia tu tập đó là ân đức của Tăng Bảo, tức là những vị Thầy hướng dẫn chúng ta trên con đường tu tập. Đức Phật thì đã nhập Niết Bàn, mặc dù toàn bộ hệ thống giáo pháp của Ngài vẫn còn đó, nhưng nếu không có hàng Tăng Bảo tức những vị thầy hướng dẫn, thì chúng ta cũng không biết đường hướng để tu tập cho đúng pháp.

Những vị Thầy ở đây là người thế phát xuất gia cho chúng ta, và cũng có thể là những người dạy dỗ về giáo lý giải thoát cho chúng ta qua các trường lớp. Nói chung, là những vị Ân Sư, những người đi trước và truyền dạy lại những kinh nghiệm trong sự tu tập, đều là những bậc thầy của chúng ta cả. Vì chính bậc Minh Sư mới có thể hướng dẫn mình trên con đường hướng đến quả vị liễu sanh thoát tử. Người sanh ra xác thân này cho mình chính là nhờ ơn cha mẹ, nhưng người làm phát sanh huệ mạng cho mình chính là vị Thầy. Chính Người đã đưa mình vào trong biển chánh pháp, trở thành con của Đức Như Lai.

“Thầy đã khai thông trí huệ này,
Ân Thầy con nhớ mãi từ đây!”.

Nếu không có sự dẫn dắt của Thầy thì chúng ta không thể thông suốt được đạo lý. Nhờ đức hạnh của Thầy, ta nương theo mới thành tựu Chánh pháp.

2.3. Ân quốc gia

Nói đến ơn quốc gia thì chúng ta liền nghĩ đến các vị tiền bối, đã ra công dựng nước và giữ nước, các anh hùng liệt sĩ không tên tuổi đã nằm xuống để bảo vệ nền độc lập cho quê hương đất nước để chúng ta có được những ngày sống yên ổn như hôm nay. Những người đã đem xương máu mình để gìn giữ quê hương, và cả những người hiện ngày đêm canh giữ biên cương, bảo vệ trị an để chúng ta có được sống thanh bình.

Chúng ta cũng mang nặng ân của những nhà lãnh đạo chức trách giữ gìn bảo vệ xã hội đồng thời phát triển xã hội đất nước ngày càng hưng thịnh. Bởi có những người lo mọi vấn đề giáo dục, an ninh, y tế, kinh tế, văn hóa v.v... để chúng ta có cuộc sống ấm no, ổn định  thì mới có thể yên tâm tu học. Nói cụ thể hơn, là mang ơn những người cùng chia vui xẻ buồn của cả một dân tộc và những người chiến sĩ hy sinh vì muốn đem lại sự thanh bình cho đất nước. Nhờ những người quên mình vì quốc gia đó mà mình mới có thể có cơm ăn, đến trường, học hỏi đạo lý và sống một đời sống yên ổn mà tu tập.

Cuộc sống thanh bình hiện tại đã được đánh đổi bởi vô vàn hy sinh mất mát của quá khứ. Cuộc sống ấy được duy trì cũng nhờ sự đóng góp tích cực và thầm lặng của biết bao chiến sĩ, chiến đấu trên những trận tuyến thật nhiều cạm bẫy gian nan. Họ đã đem cả tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy nền độc lập tự do dân chủ cho đất nước. Ân của quốc gia vô cùng lớn lao mà mỗi công dân phải nhớ đến và có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ. Máu xương của thế hệ ông, cha, anh của chúng ta đã đổ xuống để có được đất nước Việt Nam yên bình như hôm nay. Trong bom đạn chiến tranh, họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào, mặc dù thế, nhưng với ý chí cương quyết của những người anh hùng dân tộc, họ vẫn sẵn sàng tiến lên, tiến lên vì nền độc lập dân chủ. Họ không bao giờ biết sợ, không bao giờ chùn bước trước những trận bom đạn khốc liệt của kẻ thù. Theo lời đại tá Hoàng Đăng Vinh kể lại, có những đồng chí trúng bom đạn bị thương, cụt 2 tay 2 chân, máu ra đầm đìa, nhưng họ vẫn cố lết để tiến lên. Nhìn lại chặn đường lịch sử đất nước, chúng ta thấy được những tấm lòng hy sinh cao cả của những người anh hùng dân tộc, chính điều đó đã làm nên trang sử vàng son với những chiến thắng vẻ vang của đất nước sau những năm bị đô hộ.

Nghe lại bài thơ của đại tá Hoàng Đăng Vinh trong lần về thăm chiến trường Điện Biên, chúng ta cảm nhận được sự khó khăn và lòng yêu nước của những anh hùng chiến sĩ trong thời chiến tranh:

“60 năm đã đi qua
Mà sao tôi nghĩ như là mới đây
Nhớ đồng đội những đêm ngày
Trong từng trận đánh hăng say diệt thù
Nhớ lời Bác dạy trong thư
Quyết chiến, quyết thắng quân thù phải tan
Nhớ hôm quân địch đầu hàng
Ngọn cờ chiến thắng huy hoàng tung bay
60 năm bấy nhiều ngày
Điện Biên Phủ đã đổi thay rất nhiều
Cho tôi gửi lại tình yêu
Điện Biên Phủ chắc còn nhiều chiến công”.

2.4. Ân chúng sanh

Cuộc sống này không phải chỉ có một mình ta đơn độc trong kiếp sống nhân sinh này, tất cả như là một chuỗi móc xích tương quan tương duyên với nhau, kẻ cho qua người giúp lại mà tạo nên sự thăng bằng cuộc sống. Từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật cũng vậy. Không có một giây phút nào mà chúng ta không thọ nhận sự giúp đỡ từ những người khác.

Mọi người và mọi loài chung quanh đều là nguồn sống và có liên quan mật thiết với nhau để sinh tồn trong cuộc đời này. Con người và vạn vật tương duyên, tương sanh và liên hệ lẫn nhau rất mật thiết. Được cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giao lưu về phương diện tinh thần hay vật chất đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Vậy chúng ta luôn ý thức và bảo trọng từng ý nghĩ, lời nói và hành động sao cho thăng hoa hướng về chân thiện mỹ.

Một mình chúng ta không thể tự làm ra đủ mọi tiện nghi để dùng, như một người thì không thể làm nghề nông để có đủ thức ăn, không thể làm nghề thợ dệt để có đủ quần áo, chăn mền mặc khi ấm lạnh, không thể làm ra đủ thuốc thang để trị bệnh khi đau ốm, không thể có đủ kiến thức để bảo vệ sự sống với thiên nhiên. Mỗi người một công việc để chúng ta tạo nên một xã hội với đầy đủ những nhu cầu sống của con người. Tất cả đều có sự tương quan lẫn nhau, hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau để cuộc sống được sinh tồn.

Trên thực tế, chúng ta không ngừng thọ dụng ân tình của mọi người. Chúng ta mang ơn của người lao công quét rác đêm thâu, để chúng ta có một môi trường lành mạnh để sống; ơn của người nông phu cày cấy để ta có hạt gạo trắng để ăn; ơn của người canh gác trên những khu phố đêm khuya lạnh lùng để ta có được giấc ngủ bình yên. …..

Tuy nhiên, cũng sẽ có người trả lời rằng: Ôi, họ làm, mình trả tiền sòng phẳng, có chi đâu mà ơn với nghĩa !!! Nhưng đứng về mặt sâu xa để nhận định một vấn đề, nếu như ta có tiền, nhưng không có người đi cày ruộng thì làm gì chúng ta có cơm để ăn, cho dù có tiền nhưng nếu không có người dệt vải thì liệu chúng ta có mua được áo để mặc… Trong cuộc sống, đồng tiền chỉ là vật tạm thời giúp ta trao đổi những vật cần dùng chứ không phải tiền là tất cả. Nếu họ làm việc cho ta nhưng lại không lấy tiền thế thì cuộc sống của họ lấy gì để ăn, để mặc, lấy gì để sống…?

Không chỉ giới hạn ở con người mà luôn cả các loài động vật, thực vật chúng ta cũng luôn mang ơn chúng. Nếu thế giới này không có cây cỏ thì liệu chúng ta có sống được không? Cho nên việc ngăn cấm chặt đốn cây rừng và giết hại động vật bừa bãi là một điều cần thiết, chúng ta cần phải nghiêm cấm tối đa những vấn đề trên. Bởi thế giới động vật, thực vật và con người luôn hổ tương nhau mà tồn tại. Huỷ hoại thiên nhiên là huỷ hoại sự sống của chính mình.

Trong ân chúng sanh, có một ân mà người tu hành cần phải ghi nhớ đó là ân đàn na thí chủ. Bởi hàng ngày chúng ta đều thọ dụng ân này, tất cả cơm ăn, áo mặc, vật dụng của chúng ta đều nhất nhất nhờ vào đàn na thí chủ cung cấp cúng dường. Cho nên có câu: “hạt cơm của tín chủ nặng như núi Tu di”. Qua câu nói đó nhằm nhắc nhở cho chúng ta hiểu rằng: cái công ơn ấy nhiều vô lượng, không thể đếm được. Họ phải nhịn ăn nhín mặc từ gia đình để đem đến cúng dường, nhằm muốn trợ duyên để chúng ta sớm thành con đường đạo nghiệp để hóa độ chúng sanh. Nếu làm không được điều đó thì ta mang ơn họ vô cùng và khó mà có thể đền trả được.

 “Bát cơm trắng mồ hôi tín thí
Mảnh y vàng nước mắt đàn na”.

Cũng chính nhờ sự trợ duyên và cúng dường của hàng Phật tử nên Thiền Môn cũng được hưng thịnh trong việc xây cất các Tự Viện, Tịnh Xá, Niệm Phật Đường để làm nơi hoằng pháp lợi sanh, nên có câu thơ:

Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh nhờ đàn việt phát tâm.

3. Những phương pháp để báo đáp tứ ân 

Trong kinh a hàm đức phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, nếu có chúng sanh nào biết trả ơn, người ấy đáng kính, dù ơn nhỏ cũng chẳng quên huống chi ơn lớn. Khi chúng ta đang sống trong hạnh phúc bình yên thì nên tự hỏi: nhờ đâu và nhờ ai tôi được như thế này? Thì lòng biết ơn của chúng ta sẽ được tăng trưởng.”

3.1. Cách báo ân Cha mẹ

Để đáp đền công ơn sanh thành dưỡng dục của mình, nên trong Phật giáo có ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu nhằm nêu cao tinh thần hiếu hạnh của những người con đối với các đấng sanh thành của mình. Ý nghĩa Vu Lan không chỉ đề cập đến sự hiếu hạnh của những người con mà bên cạnh đó còn nêu cao nhân cách sống của con người trong xã hội. Bởi sinh ra được làm người thì việc tri ân và báo ân là điều rất cần thiết vậy.

Trong đạo Phật thì Hiếu đứng đầu muôn hạnh và đức Phật có dạy: "Dù một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, suốt cả cuộc đời, cung phụng đầy đủ, cha mẹ đại tiện, tiểu tiện trên đầu, trên cổ cũng vui tươi, vẫn chưa đủ đền đáp công ơn". Để thể hiện trọn vẹn sự hiếu thảo đối với đấng sanh thành của mình cần phải hội đủ những điều là hiếu tâm, hiếu dưỡng, hiếu kính và hiếu đạo.

Hiếu tâm là chúng ta dù ở bất cứ nơi nào cũng luôn nhớ nghĩ về công ơn của cha mẹ và mong sẽ đáp đền công ơn cao cả ấy. Hiếu dưỡng là phải chăm lo nuôi dưỡng, thuốc thang cho cha mẹ khi người bệnh ốm hoặc già yếu. Cung cấp đầy đủ những thứ cha mẹ cần thiết, không để cho người phải chịu sự thiếu thốn, cơ cực. Tất cả đều phải chu toàn và chúng ta phải phục vụ với tâm thành kính và hoan hỷ chứ không phải mang tính gượng ép. Hiếu kính là mặc dù thường xuyên nhớ nghĩ về cha mẹ và lo phụng dưỡng cho người, nhưng việc làm đó phải được thể hiện trên sự hiếu kính. Nếu chúng ta nuôi dưỡng chăm sóc cho cha mẹ nhưng với tâm khinh thường, chỉ nghĩ lo cho xong bổn phận, không kính trọng cha mẹ thì chỉ làm cho người buồn thêm mà thôi. Hiếu đạo nghĩa là đối với người Phật tử, nếu cha mẹ chưa Quy Y Tam Bảo thì phải khuyên cha mẹ nên Quy Y Tam Bảo. Báo đáp công ơn mẹ cha không chỉ phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền của, vật chất mà phải giúp cha mẹ mở rộng niềm tin chánh pháp, sống tri kiến hiểu biết, không gieo ác nghiệp, không mê tín dị đoan, không làm đau khổ cho mình và cho người cũng như cộng đồng xã hội. Giúp cho cha mẹ bỏ ác làm lành, hướng tâm về với đạo pháp.

Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Hiếu kính cha mẹ là bổn phận của người con, cha mẹ là người sinh ra mình, nuôi dưỡng mình nên mình phải cung kính báo ơn, đây là công đức lớn được sánh ngang với trời Phạm thiên. Công đức của những người con hiếu thuận với cha mẹ thật vô lượng vô biên, nhất là lúc cha mẹ khi tuổi về già, chúng ta phải chăm nom săn sóc. Đạo hiếu là truyền thống lâu đời của văn hóa Á Đông. Phải ý thức được rằng cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, thờ kính cha mẹ là thờ kính Phật.          

Những người con sống hiếu thuận với cha mẹ chính là tấm gương sáng về đạo đức tâm linh cho thế hệ hôm nay và mai sau, công đức của người con cao quí nhất không gì bằng hiếu hạnh, và ngược lại tội báo lớn nhất không gì bằng bất hiếu. Nếu một người con bất hiếu với cha mẹ thì người đó không thể sống tốt với người khác. Bởi cha mẹ sinh ra ta, nuôi ta lớn lên mà chúng ta quên ơn thì làm sao có thể có ơn đối với người khác. Người con bất hiếu thì không thể gọi là người có nhân cách tốt.

Chúng ta không làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo thì thật là hổ thẹn với tha nhân. Nên làm hiển danh cho cha mẹ, cố gắng học hành để có kiến thức đóng góp hữu ích cho xã hội. Khi cha mẹ đã qua đời, chúng ta phải lo tang lễ chu đáo, thường xuyên hồi hướng công đức, cầu nguyện cho cha mẹ sớm được sanh về cõi an lạc.

3.2. Cách báo ân Tam bảo

Ân Tam Bảo quá lớn lao, quá cao cả thì chúng ta làm sao đền đáp cho trọn vẹn? Chỉ có tấm lòng thành kính và sự thiết tha mong cầu giải thoát của chúng ta mới có thể gọi là chút báo đền công ơn ấy. Bởi vì Thế Tôn thị hiện trên cõi Ta bà cũng với mục đích giải thoát cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi. Muốn được như thế chúng ta phải luôn luôn tinh tấn học hỏi, nghiên cứu kinh điển, đem giáo pháp thực hành trong đời sống hằng ngày để đem đến an lạc cho chính mình và cho mọi người.

Để đền đáp công ơn của Phật, chúng ta phải làm theo lời Phật dạy, tưởng nhớ chư Phật, dâng hương hoa, lễ bái, xây dựng chùa tháp thờ Phật, làm cho nhiều người tin và sống theo với tinh thần Đạo Phật. Đối với ân Pháp Bảo thì chúng ta cần phải ghi chép lời Phật dạy, ấn tống kinh sách, băng đĩa, phổ biến giáo lý của đức Phật đến mọi người, để cho nhiều người biết đến, tin theo và làm đúng lời Phật dạy. Tăng, Ni là những người thay Phật tuyên dương chân lý giải thoát, cho nên chúng ta có bổn phận phải tôn kính. Phải thường xuyên cúng dường cho chư Tăng về Tứ sự để quý Ngài có đủ phương tiện trong con đường tu tập và hoằng pháp lợi sanh.

Chúng ta còn phải biết hộ trì Chánh pháp bằng cách tích cực trong nhiệm vụ của người hằng pháp. Thường xuyên tham gia mọi công tác Phật sự trong khả năng của mình. Ngoài ra chúng ta nên ủng hộ các công trình phiên dịch, trước tác, ấn hành kinh sách Phật giáo. Chúng ta luôn luôn cung kính cúng dường chư vị Tăng, Ni giới hạnh trang nghiêm, tu hành thanh tịnh.

Muốn báo ân Tam Bảo, ta cần phải phát tâm Bồ đề, lập bốn lời thệ nguyện rộng lớn, tạo vô lượng duyên lành, trau dồi thân tâm cho được thanh tịnh. Ân đức của đức Phật từ bi vô lượng không thể báo đáp. Các vị Đại Bồ tát đốt thân cúng dường mà còn chưa thể báo ơn đức Phật muôn một, huống gì chúng ta là phàm phu thì làm sao có thể báo ân của đức Phật được sao.?

Ta có trách nhiệm thừa kế di huấn của chư Phật chư Tổ là phải nối thạnh giống Phật, chấn nhiếp ma quân, thiệu long thánh chủng. Là người Phật tử, chúng ta phải khuyến hóa những người xung quanh bỏ ác làm lành, góp phần vào việc cải tạo xã hội, giúp mọi người thăng hoa trong cuộc sống hướng thiện.

3.3. Cách báo ân quốc gia xã hội 

Quê hương là ý niệm và trách nhiệm của dân tộc nói chung và của từng người dân nói riêng. Ý thức được Đất nước là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với những người đang bảo vệ hòa bình cho nhân dân bá tánh được an cư lạc nghiệp.  

Ðể báo đáp ân quốc gia xã hội, chúng ta phải làm tròn bổn phận của người dân đối với đất nước, phải tôn trọng luật pháp đã quy định. Chúng ta phải biết bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng giữ gìn và bảo tồn những giá trị của tổ quốc, mà ông cha ta đã gầy dựng. Phải nêu cao tinh thần đoàn kết trong quần chúng, có tinh thần tương thân tương trợ và giúp đỡ những người đang còn khó khăn trong cuộc sống, tham gia các công tác từ thiện xã hội. Chúng ta phải ra sức học tập để đem tài năng mình xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Ngày nay trong Phật giáo thường hay tổ chức các lễ trai đàn chẩn tế để cầu siêu cho các chiến sĩ, bên cạnh đó, còn phải xây dựng các nhà tình nghĩa để trợ duyên cho những người mẹ đã hy sinh những đứa con của mình nơi chiến trận.
 
Người biết ơn quốc gia xã hội là người biết tích cực làm việc trong nghề nghiệp của mình, trong chức năng của mình để đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước. Với người Phật tử, ta còn có một cách đền đáp công ơn quốc gia xã hội là áp dụng "Tứ nhiếp pháp" để cảm hóa, giáo dục những phần tử không tốt trong xã hội. Điều quan trọng nhất của người xuất gia để đáp đền ân quốc gia xã hội là ta phải cố gắng tu hành, lấy thân giáo của mình làm tấm gương nêu cao tinh thần đạo đức phẩm hạnh để người khác học hỏi theo.

3.4. Cách báo ân chúng sanh 

Đó là ân mà tất cả mọi người trong xã hội giúp cho chúng ta những điều kiện để sống, như cảm ơn bác nông phu đã cho chúng ta lúa gạo để ăn, những chú kỹ sư cho ta những ngôi nhà để ở, bác sĩ đã chữa cho ta khi ta bị bệnh, những nhà bác học đã nghiên cứu chế tạo ra nhưng phương tiện như xe cộ, máy móc, v..v…để ta sử dụng hàng ngày. Tất cả chúng ta đều phải mang ơn họ, vì nhờ họ mà ta có đầy đủ điều kiện vật chất cho cuộc sống tốt hơn.

Chúng ta luôn nhớ ơn, quý trọng những người cho chúng ta những tiện nghi trong cuộc sống. Ðừng nghĩ rằng mình "Có tiền là có tất cả", dù ngồi trên đống tiền mà không có người nông phu cày ruộng, không có người công nhân dệt vải, không có người thợ xây dựng nhà thì thử hỏi ta có sống được không? Và còn biết bao nhiêu nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày nữa.

Cuộc sống của chúng ta phần nhiều đều nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Mọi người giúp ta, ta giúp lại mọi người. Bởi cuộc sống này vốn là tương quan tương duyên với nhau để tồn tại. Chúng ta phải biết thương yêu, giúp đỡ hết thảy tất cả mọi người. Ta nên chia sẻ, đùm bọc, nhường cơm xẻ áo cho những người còn thiếu thốn cơ hàn. Hoặc trong những mùa thiên tai lũ lụt, ta phải biết hướng về những đồng bào đang bị thiếu thốn mà ban phát cơm áo cho họ được no đủ.

Chúng ta phải cố gắng trở thành người tốt, đầy đủ đạo đức để làm gương cho họ noi theo, phải biết khuyên họ bỏ ác làm lành, động viên khích lệ cho họ đi vào những con đường phước thiện. Có như vậy chúng ta mới trả được phần nào công ơn ấy.

Ân cha nghĩa mẹ khó quên

Công thầy giáo dưỡng đáp đền sao xong
Ơn Phật ơn Tổ một lòng
Đàn na tín thí bốn công tròn đầy
Suốt đời phụng dưỡng vui vầy
Mới mong trọn đạo con rầy khắc ghi
 
C. KẾT LUẬN

“Tứ Trọng Ân” đã để lại những hình ảnh không bao giờ phai mờ trong lòng những người con Phật trên khắp năm châu, đó là sự sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, ân dẫn đường giải thoát của Tam Bảo, sự ấm no của một đất nước thanh bình an lạc và hạt cơm của đàn na tín thí cùng với sự tương quan tương duyên trong thế giới hữu tình nhân loại quá lớn lao và đậm tình thiêng liêng. Cho nên là một con người và lại là người Phật tử thì chúng ta không thể không biết đến những ân tình đó và phải tìm cách để báo ân.

Chúng ta nên hiểu được mối quan hệ hỗ tương mật thiết giữa con người với con, giữa con người với môi trường thiên nhiên để chúng ta có thái độ sống hài hòa, thương yêu và giúp đỡ để cùng nhau tồn tại. Ta giúp cho người tức là ta đang giúp cho chính ta. Hãy mở rộng lòng bao dung, không sống vị kỉ cho ta, cho gia đình bà con quyến thuộc ta, mà ta phải mở rộng lòng thương yêu đến xóm làng, với tinh thần tối lửa tắt đèn có nhau.

Chúng ta phải biết quý thân này, không nên hủy hoại nó, vì nó là tích tụ bao nhiêu công lao khó nhọc của cha mẹ, của Thầy tổ, của bao nhiêu người thương mến ta, tất cả đều mong cho ta nên người, làm người có ích cho xã hội, cho dân tộc, cho quốc gia. Vì vậy ta phải cố gắng làm người con hiếu thảo, làm một học trò giỏi, một công dân tốt có nhiều thành đạt để cho cha mẹ vui lòng, cho Thầy tổ yên tâm và góp công xây dựng cho đất nước ngày càng hưng thịnh.

Chúng ta là người thừa kế gia tài của cha mẹ, là người thừa kế mạng mạch của chư Phật chư Tổ, là người duy trì bản sắc dân tộc nên ta phải cố gắng làm tròn bổn phận, và ta cũng là người phát huy và truyền lại cho thế hệ mai sau những truyền thống tốt đẹp của gia đình, những giềng mối của đạo đức, những bản sắc của dân tộc. Nếu chúng ta làm tròn được bổn phận và trách nhiệm như vậy thì mới thật sự không phụ lòng mong mỏi của những bậc làm cha mẹ, những bậc Thầy Tổ và cả dân tộc. Vì vậy, ta luôn luôn nỗ lực học tập, tiến tu không ngừng, để xứng đáng với bốn ơn trọng như trên.

Thông báo

Video