Nhân Quả

A. DẪN NHẬP 

Giáo lý của Đạo Phật không còn hạn hẹp, thu mình trong một đất nước Ấn Độ cổ đại, mà đã vượt qua muôn trùng không gian và thời gian để đến với con người. Giáo lý này không chỉ vì mục đích giải thoát cho tự thân mà còn vì an vui hạnh phúc cho tha nhân và mọi loài. Tư tưởng triết lý của Đạo Phật đã thấm nhuần trong lòng của mỗi người. Một trong những giáo lý rất gần gũi với người Việt Nam chính là giáo lý nhân quả.



Ảnh: Internet.

Chính triết lý này đã ăn sâu vào hệ tư tưởng của mọi tầng lớp trong xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng trên lý thuyết thông qua những bài giảng, qua kinh sách mà đã được thể hiện rõ nét qua cách sống, qua ý thức thực hành một cách tự nhiên, trở thành một bản năng vốn có của con người. Và cũng chính triết lý này, đã cất lên tiếng chuông cảnh tỉnh, để nhắc nhở mọi người, cùng nhau ý thức và xây dựng cho mình một đời sống lành mạnh nhất.


B. NỘI DUNG 
1. Định nghĩa 

"Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả; nếu không có Quả thì không có Nhân. 

Nếu nhân là hạt giống thì quả là mầm cây. Nếu nhân là mầm cây thì quả là sự đơm hoa kết trái . . . Mỗi hiện tượng vừa là nhân mà cũng vừa là quả. Tương quan nhân quả ấy gọi là tương quan duyên sinh và đã được Đức Phật nói đến qua giáo lý duyên khởi. Từ nhân đến quả phải trãi qua một quá trình chịu sự tác động và ảnh hưởng to lớn của các yếu tố duyên theo một tiến trình tất yếu (nhân- duyên- quả). Vì vậy, đôi lúc ta thấy tuy quả cùng loại với nhân nhưng vẫn khác nhau. Đó là tùy thuộc vào sự tác động mạnh hay yếu, thuận hay nghịch của các duyên ở trung gian mà cho kết quả sớm hay muộn, thậm chí không đưa đến kết quả.

Chính trong nhân hiện tại đã hàm chứa quả vị lai, và chính trong quả hiện tại đã ẩn chứa hình dáng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến thành cái quả mà ta quan niệm; một sự vật mà ta gọi là quả khi nó đã biến thành trạng thái mà ta quan niệm. Một vật đều có nhân và quả: đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đắp đổi cho nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy mà trong một hoàn cảnh nhất định, người ta có thể đoán biết được tương lai của một sự vật hay của một con người. Cũng chính điều này mà con người ta có thể hoạch định kế hoạch cho tương lai của mình, chuẩn bị trước những gì cần thiết cho ngày mai.

2. Những đặc tính của nhân quả

Vũ trụ, vạn vật không phải tuần hoàn, biến dịch một cách tự nhiên, mà nó tuân theo một cái luật chung. Luật đó là luật Nhân quả. Luật này không phải do một đấng thần linh hay xã hội nào đặt ra, mà là một luật thiên nhiên âm thầm, lặng lẽ, nhưng đúng đắn vô cùng. Người đời vì không tường tận nên không thấy được luật ấy. Do đó, họ đã hành động một cách bừa bãi, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với bản thân mình và với những người chung quanh. Và cũng chính vì thế mà họ đau khổ, lặn hụp mãi trong biển mê mờ, tội lỗi. Ðức Phật vì lòng thương tưởng đến chúng sanh, nên Ngài đã chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu được vấn đề này một cách tường tận, để tránh xa những bất thiện pháp, vun trồng cội lành để đem lại an vui cho mình và cho người.

Khi nói đến nhân quả là nói đến một tiến trình tạo tác của con người để đưa đến một đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Trong suốt tiến trình đó, con người chính là chủ nhân tạo tác và đóng vai trò trung tâm chủ đạo. Như trong kinh Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc mà từ đó con người được sanh ra”.

Không chỉ ở con người mà tất cả mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều vận hành theo một quy luật chung trong một tiến trình tất yếu là nhân quả. Quy luật nhân quả dường như đã chi phối và tác động đến mọi sinh hoạt của nhân loại cũng như tất cả các sự vật hiện tượng. Vấn đề này nó được phân chia thành các loại như sau:

(i) Nhân thế nào thì quả thế ấy 

Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà lại được đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Nói một cách khác, nhân với quả bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hễ nhân đổi thì quả cũng đổi. 

(ii) Một nhân không thể sanh ra quả 

Mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên mà tạo thành. Cho nên, không có một nhân nào có thể tự tác thành kết quả được nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Mọi sự vật, hiện tượng đều phải có sự trợ duyên của tăng thượng duyên, sở duyên duyên.... Như nói rằng, hạt lúa sanh ra cây lúa là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra, hạt lúa không thể sanh ra gì được cả nếu để một mình nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công. 

(iii) Trong nhân có quả, trong quả có nhân 

Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong cái quả hiện tại, đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta mong muốn, chờ đợi. Một sự vật ta gọi là quả, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra trạng thái mà ta mong đợi, ước muốn. Mỗi vật, vì thế, đều có thể gọi là nhân hay quả được: đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và qủa tiếp nối nhau, đắp đổi nhau như những vòng trong sợi dây chuyền. 

(iv) Sự phát triển nhanh và chậm từ nhân đến quả 


Sự biến chuyển từ nhân đến quả, có khi nhanh khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng nhất.
         
Có những nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau, liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện, như khi vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát hiện ra (quả); Có khi nhân đã gây rồi, nhưng đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến khi gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là ba bốn tháng. 

Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa trẻ mới cắp sách đi học đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là mười năm. 

Vì lý do mau chậm trong sự phát hiện cái quả, chúng ta không nên nóng nẩy hấp tấp mà cho rằng, cái luật nhân quả không hoàn toàn đúng khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả.

3. Phân tích hành tướng nhân quả trong thực tế

Như các đoạn trên đã nói, nhân quả chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, không có một vật gì, dù là động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, thoát ra ngoài luật nhân quả được. Ở đây, để có một quan niệm rõ ràng hơn về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần tự phân tích hành tướng của nhân quả trong mọi sự vật: 

(i) Nhân quả có trong những vật vô tri vô giác 

Nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão. 

(ii) Nhân quả trong loài thực vật

Hạt cam thì sanh ra cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Nói một cách tổng quát, giống nào thì sanh quả ấy. 

(iii) Nhân quả trong các loài động vật 

Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên, trở lại làm nhân sanh con là quả. Như loài chim sanh ra trứng, nên chúng ta gọi trứng là nhân, chờ khi ấp nở thành con là quả; con chim ấy trở lại làm nhân, sinh ra trứng là quả. 

(iv) Nhân quả nơi con người 

Về phương diện thể chất: Thân tứ đại là do bẩm thụ tinh cha huyết mẹ mà hình thành nên và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối như thế mãi, nhân sanh quả, quả sanh nhân, không bao giờ dứt. 

Về phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ, tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu của một nếp sống trong hiện tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này là nhân, để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả. 

Ðể nhận rõ cái phần tinh thần quan trọng nầy, chúng ta hãy dành riêng ra một mục, để đặt biệt chú ý đến hành tướng của nó dưới đây.
 
4. Nhân quả về phương diện tinh thần
(i) Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt 

Tham: Thấy tiền của người, nổi lòng tham lam sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc đâm chém, phải tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những điều tra tấn, đau khổ là quả. 

Sân: Người quá nóng giận, đánh đập vợ con, phá hoại nhà cửa, chém giết người là nhân; nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, chịu nhiều điều khổ cực là quả. 

Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường, không có biết sự hay dở, phải trái là nhân; làm cho gia đình lủng củng, thân thể suy nhược, trí huệ u ám là quả. 

(ii) Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt 

Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa tạo cho con người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả sáng lạng, và an vui như thế ấy. 

Người không có tánh tham, không bủn xỉn thì không bị của tiền trói buộc, tâm trí được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; ....

Nói một cách tổng quát, về phương diện tinh thần cũng như về vật chất, người ta gieo thứ gì, thì gặt thứ ấy. Người Pháp có câu: Mỗi người là con đẻ của công nghiệp mình.

(iii) Những nguyên nhân suy thoái đạo đức là do không tin vào nhân quả

Vấn đề luân lý đạo đức trong xã hội cũng đang là thực trạng mà mỗi chúng ta cần nhìn nhận. Đạo đức con người ngày càng bị tha hóa trước những lợi danh, vật chất. Trong một số gia đình truyền thống gia phong lễ giáo xưa nay là niềm tự hào của dân tộc nay đã bị đảo lộn. Thật đau lòng biết bao khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh trái ý nghịch lòng, xem thường đạo đức. Trong đó cảnh con giết cha, chồng giết vợ, trò đánh thầy . . . không còn là điều xa lạ với xã hội ngày nay. Rồi lại những tệ nạn mại dâm, ma túy, trộm cướp, giết người … đang là ung nhọt đau nhức, nó làm băng hoại giá trị đạo đức con người và xã hội. Ngay cả những con người đại diện cho pháp luật, là bộ mặt cho xã hội cũng bị tha hóa bởi nạn tham ô hối lộ, khiến cho nền kinh tế trở nên chậm phát triển, bao người dân rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Tất cả những hiện tượng trên là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của những giá trị luân lý đạo đức con người.

Một khi những thỏa mãn về nhu cầu vật chất đạt đến tột đỉnh thì yếu tố đạo đức con người ngày càng suy thoái. Làm thế nào để cân bằng một xã hội vừa đầy đủ những nhu cầu vật chất, vừa không đánh mất đi giá trị nhân văn đạo đức của con người?Chỉ có giáo lý của Đạo Phật mới có thể giải quyết những vấn đề trên một cách trọn vẹn.

Yếu tố phù hợp với thời đại khoa học đã khẳng định vai trò và giá trị thiết thực của giáo lý Đạo Phật đối với xã hội. Trong đó, triết lý nhân quả không còn xa lạ gì với con người ngày nay. Tuy nhiên, để cho lý nhân quả được trở nên thiết thực và cụ thể, đòi hỏi con người phải thật sự ứng dụng vào đời sống một cách đúng đắn, hầu xây dựng một xã hội hướng thượng tốt đẹp.

Như lời nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Thuần: “Tính triết lý sâu sắc của thuyết nhân quả không phải ai ai trong xã hội nhận thức được, nhưng xã hội bao giờ cũng có cách ứng dụng thiết thực của xã hội. Trong quảng đại nhân dân, dấu ấn của thuyết nhân quả thể hiện rõ nhất ở những quan niệm về giáo dục đạo đức làm người”.

5. Ảnh hưởng của giáo lý nhân quả trong đời sống

Mọi người dù là những tín đồ Phật giáo hay đơn thuần chỉ là những người ngoài cuộc, nhưng khi nói đến nhân quả dường như tất cả đều tin tưởng và chấp nhận. Điều đó đã được thể hiện rõ nét qua cách sống, qua hành vi cư xử của mọi người trong cuộc sống với nhau. Người ta biết lựa chọn cho mình cách sống ăn ở ngay lành. Dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự nhiên âm thầm của lý nhân quả. Không một nhà trí thức, nho sĩ nào, ngay cả ngày nay từ mọi tầng lớp bình dân cho đến trí thức, không ai lại không biết qua ít nhiều về giáo lý nhân quả. Nó đã in sâu và đậm nét trong tâm khảm của mỗi con người dân tộc Việt nam.

Từ ngàn xưa cho đến nay, giáo lý nhân quả đã có những ảnh hưởng rất sâu sắc và rộng lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội, trong văn chương bình dân, trong thi ca văn học, trong ngôn từ giao tiếp… Nó đã dẫn dắt bao thế hệ con người biết soi sáng tâm trí mình vào lý nhân quả mà hành động sao cho tốt đẹp trong một cộng đồng xã hội. Do vậy tư tưởng triết lý nhân quả của Đạo Phật đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ trên một bề rộng qua nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội.

(i) Ảnh hưởng trong kho tàng Văn học

Văn học là sự kết tinh của bao cái hay cái đẹp trong cuộc sống. Nó hướng con người ta đến một đời sống lạc quan tốt đẹp. Văn học là nơi gặp gỡ của bao thế hệ để cùng nhau thổi vào trong cuộc sống những làn hơi ấm áp nên thơ thông qua ngòi bút tuyệt tác của mình. Qua văn học, người ta có thể phản ánh được cuộc sống một cách chân thật. Triết lý nhân quả của Đạo Phật phải chăng đã hòa cùng cuộc sống, nhằm trả lời và giải quyết rốt ráo mọi vấn đề nan giải trong xã hội. Do vậy triết lý nhân quả đã ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn học Việt Nam không chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp mà hết sức đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại khác nhau. Như những câu văn câu thơ mà chúng ta sẽ gặp sau đây: “Nhân nào quả ấy”

Câu nói ấy tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa và nội dung mang tính giáo dục rất cao. Nói “nhân nào quả ấy” hàm chứa một lời răn đe khuyên dạy con người sống ở đời phải biết lấy cái thiện làm chất liệu để xây dựng và hoàn thiện cho mình một đời sống hướng thiện. Nếu ta gieo nhân lành ắt được quả lành, bằng ngược lại ta gieo nhân xấu, bất thiện tất phải nhận lấy kết quả bất hạnh khổ đau. Để mô tả và bộc lộ tính chất trên, trong ca dao tục ngữ lại có câu: “Gieo gió gặp bão”

Tất cả những ý chỉ ấy tuy không hoàn toàn chuyển tải nội dung của lẽ sống một cách chính xác nhất, nhưng nó đã phản ánh một khía cạnh, một đặc tính nào đó của quy luật nhân quả tác động đến cuộc sống của con người.
     
Hoặc là những câu:

“Trồng cây chua ăn quả chua
Trồng cây ngọt ăn quả ngọt
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.

Ở đây, cây chua là chỉ cho nghiệp nhân bất thiện nên phải chiêu cảm nghiệp quả cũng bất thiện (quả chua). Cây ngọt là chỉ cho nghiệp nhân lành nên thọ nhận nghiệp quả cũng lành (quả ngọt). Điều đó đã nói lên đặc tính nhân nào qủa nấy. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường lắm khi ta chứng kiến bao cảnh trái ý nghịch lòng. Trước những hoàn cảnh ấy, nếu xét trên góc độ của thế gian ta sẽ vội vàng kết luận và cho rằng cuộc đời sao bất công vô lý. Nhưng tất cả mọi vấn đề đều căn cứ trên ba thời là: hiện báo – sanh báo – hậu báo mà ra.
         
Ca dao tục ngữ Việt Nam còn chuyên chở những nội dung triết lý sâu sắc trong cuộc sống. Có nhân quả nên có luân hồi, nhân quả luân hồi là một quy luật tất yếu trong nhân sanh và vũ trụ. Cho nên, sức thu hút của ca dao tục ngữ dân gian chính bởi sự kết tinh từ những sự kiện có thật trong cuộc sống. Từ đó nó tác động đến tâm lý, suy nghĩ của con người. Quy luật nhân quả luân hồi còn là bài học giáo dục có giá trị sâu sắc cho đời, không chỉ trong một thế hệ mà trải qua nhiều thế hệ tiếp nối. Nói theo ngôn từ của Đạo Phật thì đó là quá trình tiếp nối của kiếp trước và kiếp sau trong ba khoảng chu kỳ của thời gian là từ Quá Khứ - Hiện Tại -Vị Lai. Ngôn từ ấy đã được đúc kết qua ca dao tục ngữ:

“Anh ơi! hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp kiếp sau”

Ta thật tự hào khi thấy rằng giáo lý của Đạo Phật đã thật sự ăn sâu và thấm nhuần vào tận gốc rễ đời sống sinh hoạt của xã hội thông qua những câu ca dao tục ngữ dân gian Việt nam.
         
Dẫu chưa hẳn xuất thân trong môi trường Phật giáo, nhưng ý tứ trong văn thơ của các tác giả đã thấm nhuần và mang đậm tư tưởng triết lý của Phật giáo. Trong đó triết lý nhân quả đã chiếm lĩnh một vị trí rất lớn. Một triết lý đề cao trách nhiệm của mỗi người về mọi hành động ngay trong đời sống hiện tại và tương lai của chính mình.

Nhưng triết lý nhân quả Đạo Phật không chủ trương “Nghiệp quyết định tất cả”, mà bằng hành động hiện tại, con người ta vẫn có thể làm thay đổi cái nghiệp bất thiện trong quá khứ.

Thấy được điều sai quấy mà ăn năn hối cải là một hành động luôn được mọi người ca ngợi và trân trọng. Bởi lẽ ở đời không ai là hoàn thiện “Nhân vô thập toàn”, nhưng biết nhận ra để khắc phục và sửa chữa vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Nét đặc sắc trong Giáo lý của Đạo Phật không phải là rầy la hay trừng phạt mà luôn mở ra cho con người một hướng đi, một cơ hội để tự khắc phục và hoàn thiện nhân cách cho chính mình. Ảnh hưởng được tinh thần ấy, người dân Việt Nam đã đúc kết cho mình một quan niệm sống hết sức nhân từ và độ lượng qua câu nói “Đánh người chạy đi chứ không ai đánh người quay lại”. Hành động quay lại để chỉ cho những con người biết phục thiện. Hành động ấy dĩ nhiên sẽ được xã hội đón nhận và trân trọng.

Mục đích ra đời của Đạo Phật là hướng con người đến một đời sống hiền hòa lương thiện, lấy chất liệu của tình thương làm lẽ sống. Giáo lý của Đạo Phật nhằm vào một mục đích duy nhất là khuyên răn con người ta xa lìa các điều ác, thực hành các việc thiện. Giáo lý của Đạo Phật không mang tính cao siêu hay xa rời thực tế. Tính thiết thực và gần gũi của Giáo lý Đạo Phật là giúp con người nhận rõ chân tướng của những suy nghĩ, những hành động thiện hay bất thiện, từ đó có thái độ nhận thức đúng đắn về cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Tinh thần cốt lõi của giáo lý Đạo Phật đã đựơc thâu lược qua bài kệ:

“Không làm các việc ác
  Chỉ làm các việc lành
  Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy”

(ii) Ảnh hưởng trong đời sống sinh hoạt


Đạo Phật đã chung sống với nhân dân Việt Nam qua 20 thế kỷ, một khoảng thời gian đủ để khẳng định giá trị của Đạo Phật trong lòng dân tộc. Tư tưởng của Đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Giáo lý nhân quả nghiệp báo cũng đã ảnh hưởng một cách sâu sắc trong đời sống sinh hoạt và những phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Nó đã được xã hội hóa thành một nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với dân tộc. Từ đó nó hướng dẫn con người có những hành động, hành vi cư xử đúng đắn trong xã hội. Nói khác hơn, xã hội hóa chính là nơi dạy cho mỗi cá nhân học cách làm người. Trong đó, xã hội hóa được thiết lập trong một môi trường mà con người đã được hấp thụ những tinh hoa trong cuộc sống.
         
Với phương châm “Tùy duyên bất biến, Bất biến tùy duyên”, Phật Giáo đã khéo vận dụng như là một phương tiện hữu hiệu để đưa giáo lý của Đạo Phật đến với cuộc đời. Vì vậy, Phật giáo đến với quốc gia nào thì liền có hình thái thích nghi với nền văn hóa, phong tục, tập quán của quốc gia đó. Như lời nhận xét của Hòa Thượng Thích Thanh Từ: “Phật giáo không có giáo quyền chung, không lệ thuộc Giáo Hội Trung Ương điều khiển. Cho nên, Phật giáo truyền bá đến địa phương nào, tùy sự thích nghi của dân tộc địa phương đó.”
         
Trải qua một khoảng thời gian hơn hai nghìn năm, Đạo Phật du nhập vào nền văn hóa Việt Nam, nên những tư tưởng triết lý của Đạo Phật mà điển hình là tư tưởng triết lý nhân quả đã có những ảnh hưởng sâu sắc to lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội Việt Nam, đó cũng là điều tất yếu.

6. Lợi ích di sự hiểu biết và ứng dụng luật nhân quả

Đạo lý nhân quả không chỉ mang luân lý đạo đức trong Đạo Phật mà nó còn có giá trị giáo dục đối với xã hội.

(i) Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền 

Lý nhân quả không đồng quan điểm với cái gọi là thiên mệnh hay định mệnh. Bởi những quan niệm sai lầm ấy đã khiến cho bao con người trở nên thụ động. Ta không thể ngồi đó trông chờ một kết quả tốt lành đưa đến, lại càng không thể khoanh tay trước cái gọi là số phận an bài. Hành động như vậy chẳng khác nào ta đang hạ thấp giá trị con người giữa một thế giới bao la vũ trụ.

Tính chất triết lý nhân quả, một mặt vừa chỉ rõ con đường sanh tử của con người để tránh, vừa khích lệ con người hành thiện. Mặt khác, dạy con người ý thức trách nhiệm, sống không ỷ lại, không chạy trốn, không đổ lỗi, không cầu xin. Đây là tinh thần giáo dục rất lành mạnh và tích cực trong việc giáo dục một con người tốt ở cả hai mặt cá nhân và xã hội.            

Đức Thế Tôn của chúng ta đã từng phê phán việc cầu xin và ước vọng, Ngài cho rằng, không lợi ích gì khi con người cứ ngồi đó van xin cầu khẩn. Đức Phật dạy:  “Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiên giới. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục. Ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo đến cầu xin , cầu khẩn, chắp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi người.”

Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì mơ hồ, bí hiểm. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương Vạn vật do một vị thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang. 

(ii) Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người 

Hơn bao giờ hết, tính triết lý nhân quả của Đạo Phật đã đặt trách nhiệm, vai trò giá trị của mỗi cá nhân lên hàng đầu. Không một tôn giáo nào có được một tinh thần cởi mở và phóng khoáng như Đạo Phật. Vì phần lớn các Tôn giáo khác đều đặt nặng tính thần quyền, ban phúc của một đấng giáo chủ tối cao của mình. Với Đạo Phật, luôn tôn trọng tính chất quan trọng của tự thân, và đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân, bởi con người vừa là chủ nhân của nghiệp và cũng vừa là kẻ thừa tự của nghiệp. Do vậy, con người phải có trách nhiệm đối với những hành động mà mình đã làm cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Nói theo ngôn ngữ thế gian thì mình làm mình chịu, chứ không thể lôi kéo một cá nhân nào khác đứng lên gánh chịu trách nhiệm cho mình như câu mà người đời thường nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
         
Trong giáo lý nhân quả, giá trị con người không chỉ được đề cao ở vai trò và trách nhiệm mà con người còn có khả năng làm thay đổi nghiệp cũ (chuyển nghiệp). Đây là một đặc tính hết sức nhân bản. Nó cho phép con người có được một khả năng hướng thượng. Con người biết khắc phục sửa chữa cái xấu, cái ác, để trở thành cái hay cái đẹp. Tính nhân văn trong triết lý nhân quả không phải là nhằm lý giải cái nhân cái quả khiến cho con người trở nên lo sợ hay trốn chạy, mà nó mang đến cho con người những cơ hội để tự mình khắc phục những sai lầm trong quá khứ và xây dựng cho chính mình một đời sống an vui và hạnh phúc.
         
Khi đã biết cuộc đời của mình do nghiệp nhân của mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở ai nữa? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng qúy báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh hăng hái làm điều tốt. Vì những hành động tốt đẹp ấy, họ biết sẽ là những cái nhân quý báu, đem lại những kết quả đẹp đẽ. 

(iii) Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc 

Người hay chán nản, hay trách móc là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì hướng ngoại. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi sự thất bại hay thành công thì còn chán nản trách móc ai nữa?  Không gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu, tránh tạo giống ác để khỏi mang cái ác. 

(iv) Xây dựng truyền thống đạo đức dân tộc


Trên tinh thần đoàn kết, nhân quả của Đạo Phật xây dựng cho dân tộc Việt Nam một truyền thống rất đẹp đó là tính chan hòa yêu thương, mở rộng cõi lòng. Nói khác hơn, là truyền thống tương thân tương ái. Một truyền thống thật gần gũi và gắn liền với con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam - một dân tộc xưa nay vốn hiền hòa, thân thiện và dễ mến. Đặc tính yêu thương, mở rộng cõi lòng được thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái với phương châm “Nhường cơm xẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những việc làm ấy phần nào phản ánh được phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam.

Chúng ta không còn mơ hồ gì đối với giáo lý nhân quả. Một triết lý xây dựng cho con người nhận biết trách nhiệm cá nhân để tự hoàn thiện cho mình một phong cách sống lành mạnh và có ý nghĩa nhất. Đặc biệt xây dựng mối quan hệ tương quan mật thiết giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với đất nước và với dân tộc.

Trên phương diện luân lý đạo đức, thuyết nhân quả chính là nền tảng xây dựng những đặc tính quý báu, mang đậm truyền thống đạo đức dân tộc Việt Nam. Con người có trách nhiệm và quyền tự do để định đoạt đời mình bằng nếp sống hiện tại. Qua đó, mỗi cá nhân trong xã hội cùng nhau góp phần xây dựng cho cuộc sống ngày càng an vui và hạnh phúc.

C. KẾT LUẬN
         
Một khi tin hiểu sâu sắc về luật nhân quả, con người sẽ trở nên rộng lượng bao dung, ôn hòa, dễ mến. Bấy giờ con người sẵn sàng động viên chia sẽ cho nhau trong mọi hoàn cảnh sống. Họ hiểu rằng, đem đến cho người những điều bất hạnh thì tự thân sẽ đón nhận những nghiệp quả khổ đau. Bằng ngược lại, mang đến cho người những điều an vui hạnh phúc thì tự thân sẽ được nhiều điều lợi lạc. Như trong Nho gia có câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, cũng hàm chứa ý nghĩa trên. Cái điều mà mình không muốn thì cũng đừng mang đến cho người khác.

Giáo lý nhân quả dạy cho ta biết chế ngự mọi bất hạnh, ngăn ngừa ác tâm sanh khởi, xua tan cái nghiệp quả oan oan tương báo, đem lại niềm an lạc cho tự thân, cho tha nhân và cho xã hội. Trong gia đình cho đến bên ngoài cộng đồng xã hội, nếu ai ai cũng tin hiểu sâu sắc về nhân quả, ắt con người trong xã hội sẽ trở nên thánh thiện biết chừng nào. Một xã hội mà con người luôn lấy những điều nhân nghĩa, chân thật đối xử với nhau đúng mực trong tinh thần đồng bào, đồng loại thì xã hội ấy lý tưởng biết bao. Sống vì hạnh phúc của tha nhân và tập thể, chính là nếp sống tối thượng nhất của người học Phật.

Giáo dục trong Phật Giáo nói chung và giáo dục đạo đức con người dưới triết lý nhân quả nói riêng, đều mang một ý nghĩa là chỉ ra cho con người thấy được vai trò, trách nhiệm và giá trị quan trọng của mỗi con người đối với tự thân, tha nhân và xã hội.

Thấy được giá trị của luật nhân quả, là người học Phật, mỗi chúng ta cần áp dụng nó vào đời sống một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất. Trong mọi cử chỉ nói năng hay hành động điều phát xuất từ những suy nghĩ thiện. Điều đó cũng có nghĩa là trước khi làm một việc gì, chúng ta phải nghĩ đến hậu quả của nó sẽ mang lại cho người khác hạnh phúc hay khổ đau. Nếu hạnh phúc ta nên phát huy, nếu khổ đau ta nên đoạn tận. Hành động phát huy và đoạn tận cũng chính là gạn lọc cho tâm ý luôn được thanh tịnh và trong sáng dưới sự soi sáng của giáo lý nhân quả.

Đạo lý nhân quả nâng cao ý thức trách nhiệm nơi mỗi cá nhân, dạy con người biết sống thiện, sống hữu ích, tích cực vươn lên trong cuộc sống. Cho nên, nếu hiểu và tin nhân quả thì con người sẽ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, thực hiện tốt các nội quy mà tập thể đặt ra, hoàn thành tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, sống một đời sống đạo đức. Nhờ vậy mà trật tự xã hội được giữ vững, các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống của xã hội ngày được nâng cao, gia đình được hạnh phúc, ấm no.

Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức được giá trị cao quý của con người không phải ở địa vị và danh vọng mà chỉ có nơi những con người đạo đức. Thời gian qua đi, mọi sự vật đều đổi thay, địa vị, tiền tài, danh vọng kia rồi cũng tan biến, duy chỉ có danh thơm tiếng tốt của những con người đức hạnh sẽ còn lưu mãi với thời gian. Như trong Kinh Pháp cú Đức Phật đã dạy:

“Hương của các loài hoa
  Không thể bay ngược gió
  Chỉ hương người đức hạnh
  Ngược gió bay muôn phương.”

Dù con người có thành công đến đâu đi nữa thì vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nhân quả. Bởi lẽ, chúng ta phải hiểu rằng, tính nhân quả không phải là một sản phẩm do Đạo Phật tạo ra, mà nó là một quy luật tất yếu trong vũ trụ. Đức Phật chỉ là người khám phá và chỉ ra cho con người nhận biết. Nó cũng như bản chất Phật tánh của mỗi con người ai cũng có, nhưng do vô minh vọng tưởng ta không nhận ra được điều đó mà thôi.

Thông báo

Video